142Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

KỲ 91

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 21/03/2008

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Hôm nay có 27 câu hỏi, trước hết là câu hỏi của đồng tu Trung Quốc, có ba câu hỏi.

Hỏi: Câu thứ nhất, con làm công việc hộ pháp trong đạo tràng, cả ngày bận rộn mệt mỏi, chỉ có thể tùy chúng tham gia công khóa sáng tối, nghe kinh Hoa Nghiêm. Không có nhiều thời gian hơn để tu học, xin hỏi con phải làm sao mới có thể nắm chắc việc vãng sanh?

Đáp: Câu hỏi này có vấn đề. Bởi vì tu hành là tu hành ở trong công việc, rời khỏi công việc thì đến đâu để tu? Ví dụ như làm công việc hộ pháp, bạn vì đại chúng phục vụ là tu điều gì? Tu bố thí ba-la-mật, dùng tinh thần của bạn, dùng công sức của bạn, dùng trí tuệ của bạn để giúp đại chúng. Bạn thử nghĩ xem, bạn ở đây tu bố thí tài, thế nào là tài? Thể lực là nội tài, đây là bố thí nội tài. Bạn giúp đời sống của đại chúng được thoải mái, tinh thần học tập rất tốt, bạn đến hộ trì cho họ thì đây là bố thí pháp; mỗi người ở đây vô cùng hoan hỷ, có cảm giác an toàn, có cảm giác vui vẻ, đây là bố thí vô úy. Nếu bạn rời khỏi cơ hội này thì bố thí của bạn là trống không. Cho nên phải biết, tu hành là ở trong đời sống, là ở ngay trong công việc, là ở xử sự, đối người, tiếp vật. Rời khỏi đại chúng thì đến đâu để tu? Nói rời khỏi đại chúng để mình tu định, thật ra định công thù thắng nhất, phương pháp tu định thù thắng nhất, trong kinh Hoa Nghiêm có rất nhiều Phật Bồ-tát đã thị hiện cho chúng ta, các ngài tu định ở nơi nào? Ở nơi náo nhiệt, chúng ta nói là ở cửa hàng bách hóa, ở trung tâm thương mại, ngày ngày đến đó để đi dạo, đi xem, để làm gì? Tu định. Nhìn thấy rất rõ ràng, rất tường tận thì đó là trí tuệ, không có gì mà bạn không biết. Nhìn thấy rồi không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây chính là đại định, định vốn có trong tự tánh. Cho nên rời bỏ hoàn cảnh bên ngoài thì bạn không tu được thứ gì, tu hành gọi là gì? Trải sự luyện tâm, ở trong sự việc mà rèn luyện bản thân.

Cho nên nếu bạn đang bận rộn trong công việc hộ pháp, bạn không có phân biệt, không có chấp trước thì bạn sẽ làm công việc này được vô cùng viên mãn, chính mình định tuệ cùng học. Không phải là nói không làm việc gì cả thì mới gọi là tu hành, vậy thì hoàn toàn sai rồi. Mỗi ngày gõ mõ tụng kinh, cho rằng đó là tu hành sao? Đó là học tập. Tu hành là ở đâu? Tu hành là ở trong sự đối mặt với hết thảy người việc vật, xem thử tâm có còn thanh tịnh như vậy không, khi bận rộn thì tâm địa vẫn là thanh tịnh. Khi bận rộn mà tâm địa không thanh tịnh thì là gì? Trong đó xen tạp thị phi nhân ngã, xen tạp tự tư tự lợi, vậy thì không thanh tịnh. Cho nên ở trong công việc phải tu cho mất hết tự tư tự lợi, đây gọi là tu hành chân chánh, khởi tâm động niệm là vì người khác, không có chút gì vì chính mình, không có chút ý niệm lợi mình, tu cho mất hết điều này. Đây là phiền não tập khí, phải ở trong công việc, phải ở trong đại chúng mà tu cho mất hết. Tham sân si mạn, đặc biệt là ngạo mạn, bạn không tiếp xúc với người thì làm sao bạn biết được ngạo mạn của bạn đã đoạn hết chưa? Bạn không tiếp xúc với đại chúng thì làm sao bạn biết tham sân si của bạn không còn nữa? Cho nên tu hành thì không tách rời khỏi quần chúng.

Pháp thân Bồ-tát, các ngài không còn vọng tưởng phân biệt chấp trước nữa, vì sao vẫn phải ứng hóa đến lục đạo này, ứng hóa đến thập pháp giới? Vì sao vậy? Vì muốn đoạn sạch tập khí vô minh từ vô thủy của các ngài. Đoạn từ đâu? Ngay trong sự tiếp xúc với người việc vật mới biết chính mình còn có tập khí hay không. Sau đó bạn mới hiểu rằng công việc hộ pháp là chân tu hành. Trong giảng đường nghiên cứu kinh giáo, đó là họ chân thật học tập, sau khi học rồi thì phải dùng, dùng ở trong hộ pháp. Hộ pháp, các vị phải hiểu được hai mục tiêu, thứ nhất là hộ trì chánh pháp cửu trụ, vậy hộ trì như thế nào? Chính mình lấy thân làm gương, làm ra tấm gương cho người khác xem, phải biết điều này. Thứ hai là phải hộ trì chánh pháp cho hết thảy chúng sanh, hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật, hộ trì họ như thế nào? Vẫn là chính mình làm tấm gương tốt cho mọi người xem, để họ giác ngộ, để họ quay đầu. Tấm gương này, trong thế pháp và Phật pháp thảy đều hộ trì, chân thật hộ trì. Cho nên toàn bộ là từ chính mình mà làm, chính mình phải làm được tốt, phải làm ra tấm gương thật tốt cho mọi người xem, phải giống Phật, giống Bồ-tát. Không có một vị Phật Bồ-tát nào là tự tư tự lợi cả, vì sao vậy? Tự tư tự lợi là phiền não, có ý niệm tự tư tự lợi thì họ làm phàm phu, họ không phải là Phật Bồ-tát. Chúng ta hãy thường nghĩ đến mấy câu nói trong kinh Kim Cang: “Nếu Bồ-tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không phải Bồ-tát”, đây là Phật nói. Bạn còn có tự tư tự lợi thì bạn không phải là Bồ-tát, bạn là phàm phu.