VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
Kỳ 9
Hòa thượng Tịnh Không trả lời câu hỏi
của đồng tu tại Hồng Kông
Thời gian: 15/07/2005
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu. Hôm nay chúng ta trả lời câu hỏi, chỗ này có hai phần, một phần là đồng tu Bắc Kinh hỏi.
Hỏi: Gần đây chúng con đọc “Nhân quả đồ giám”, cuốn sách này là minh họa cho Địa Ngục Biến Tướng Đồ, cảm thấy [sách này] rất hay, nhưng mà trong đó có những chỗ cảm thấy nghi hoặc không hiểu, tổng cộng có bốn chỗ.
Đáp: Duyên khởi của Địa Ngục Biến Tướng Đồ, tôi đã viết rất rõ ràng trong lời tựa và lời bạt. Nhưng tôi xem qua tranh này, nội dung giải thích thầy Giang gửi cho tôi, tôi không có thời gian xem, cũng đã viết lời tựa cho sách này. Đồng tu nói với tôi trong đó có vài vấn đề, đại khái đều là nói người tạo tác tội nghiệt nặng, không nhận được những công đức mà thân bằng quyến thuộc làm siêu độ cho họ, tức là họ không được hưởng những công đức siêu độ này, trong địa ngục gọi là vĩnh viễn không được siêu sinh. Điều này không giống với điều mà trong kinh Phật nói, trong kinh Phật không có cách nói này, Phật pháp không rời nhân tình, nếu như nói rời khỏi nhân tình, vậy thì không phải là Phật pháp, Phật pháp thông tình đạt lý. Bạn xem trong cửa Phật thường nói: “buông xuống đồ đao, lập địa thành Phật”, nếu nói tạo tác tội nghiệp thì vĩnh viễn không ngoi lên được, vậy không phải là mâu thuẫn với câu này sao? Vậy thì nói không thông.
Trong Phật pháp rất coi trọng sám hối. Có một ví dụ rất nổi bật, vua A-xà-thế trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, bạn xem tội nghiệp mà ông ấy tạo, giết cha, giam lỏng mẹ, nhốt mẹ lại, giam lỏng, kết hợp với Đề-bà-đạt-đa phản đối Phật pháp, tất cả năm tội ngũ nghịch đại khái ông ấy đều phạm phải hết, đây thực sự là vĩnh viễn đọa địa ngục không thể ngoi lên. “Không thể ngoi lên” này là hình dung từ, không phải là thật, nói rõ là tội của ông ấy rất nặng. Nhưng mà lúc lâm chung ông ấy sám hối, lúc lâm chung thực sự sám hối, ông ấy cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Theo suy nghĩ của chúng ta, người như vậy chắc chắn là vãng sanh hạ hạ phẩm, vậy cũng được coi là khá rồi, không ngờ trong kinh đức Phật nói với chúng ta, ông ấy vãng sanh là thượng phẩm trung sanh. Lúc đó, khi chúng tôi đọc được đoạn kinh văn này, đều cảm thấy rất kinh ngạc, tạo tội nặng như vậy, cuối cùng sám hối vãng sanh thượng phẩm trung sanh. Đây cũng là nhắc nhở chúng ta, chúng ta đừng nhìn thấy người tạo tội nghiệp mà coi thường họ, vậy thì bạn sai rồi, nói không chừng tương lai họ sám hối vãng sanh, phẩm vị của họ còn cao hơn chúng ta, họ ở trên chúng ta. Cho nên, vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ là hai con đường, một là bình thường tu hành tích lũy công đức, đương nhiên con đường này rất ổn định; một là tạo tác tội nghiệp lâm chung sám hối, phẩm vị cao thấp, vậy phải xem tâm chân thành sám hối của họ; nếu tâm chân thành của họ là viên mãn, hối hận triệt để, vậy phẩm vị phút chốc sẽ lên cao. Cho nên, chúng ta nghĩ tới sám hối vãng sanh cũng có ba bậc chín phẩm, đạo lý này có thể giải đáp bốn câu hỏi của họ vừa rồi, trong kinh có ví dụ này.
Còn như lâm chung, con người sau khi qua đời, người thân quyến thuộc, đây là kinh Phật dạy chúng ta, trong 49 ngày nhất định phải tụng kinh cho họ, siêu độ cho họ, rất có hiệu quả. Bởi vì thông thường trong 49 ngày họ ở trong thân trung ấm, họ vẫn chưa đi đầu thai, lúc này chúng ta gọi là du hồn. Họ chưa đi đầu thai, cứ cách bảy ngày họ sẽ có một lần rất đau khổ, đây là đau khổ biến dị, cho nên gọi là thất. Làm thất trong kinh Địa Tạng nói, bảy ngày này tụng kinh, lạy sám hối cho họ, siêu độ cho họ, họ có thể đạt được lợi ích. Nếu như thiện căn của họ sâu dày, thân trung ấm của họ không rời khỏi đạo tràng siêu độ, cùng mọi người học tập, rất có thể sẽ vãng sanh, cũng có thể vãng sanh. Nếu như thiện căn kém một chút, cho dù không thể vãng sanh, phải tự mình phát nguyện, người khác không giúp được; người khác chỉ là khuyên họ, khuyên họ niệm Phật vãng sanh, họ có chịu tiếp nhận hay không thì đó là vấn đề khác, chịu tiếp nhận thì vô cùng tốt, không chịu tiếp nhận thì họ cũng giảm bớt đau khổ, chắc chắn có được lợi ích, cho nên bảy thất này vô cùng quan trọng.
Nếu như nói có người thân quyến thuộc biết Phật pháp, có thể làm cho họ trăm ngày, làm cho họ nguyên năm, siêu độ liên tục cho họ trong thời gian dài, cho dù họ vãng sanh rồi, vãng sanh rồi cũng có thể tăng cao phẩm vị; chưa vãng sanh cũng có thể thoát khỏi ác đạo, sanh tới cõi thiện, như vậy mới hợp tình hợp lý, mới thực sự nói thông được. Nhưng chúng ta siêu độ cho họ nhất định phải như pháp, điểm này vô cùng quan trọng, công đức siêu độ đó có thể nói là hoàn toàn đang siêu độ cho người ấy. Như Lương Hoàng Bảo Sám, người chủ pháp là Bảo Chí Công, Bảo Chí Công là Quán Thế Âm Bồ-tát tái lai, hóa thân tái lai, ngài tới chủ trì pháp hội này, siêu độ như vậy rất như pháp. Cho nên phi tử của Lương Võ Đế, bạn xem có thể rất nhanh thoát khỏi ác đạo, sanh lên trời Đao-lợi, đây là thí dụ rất hay, đây là câu chuyện trong Lương Hoàng Bảo Sám. Trong cửa Phật chúng ta, những chuyện như vậy thực sự là nhiều không kể hết, quá nhiều thí dụ, cho nên chúng ta nhất định phải tin tưởng.