168Thứ Năm, 04/04/2024, 11:07

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

KỲ 83

Chủ giảng: pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 26/10/2007

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Hôm nay có 39 câu hỏi, trước hết là câu hỏi của đồng tu trên mạng.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, thế gian ngày nay thường hay có việc ở chung với người mình không thích, xin hỏi làm sao mới có thể thật sự giữ bình an, giảm thiểu lo lắng, khiến thân tâm an ổn, chuyên chí hướng tu đạo?

Đáp: Đây là thắc mắc chung của rất nhiều đồng tu, câu hỏi rất hay. Thật sự có nhận thức này, có nguyện vọng này thì nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Làm thế nào có thể sống được an ổn ngay trong thế gian đang loạn? Bạn nhất định phải học được nhìn thấu, buông xuống. Trong lúc chúng tôi giảng kinh, thường hay nhắc nhở các bạn đồng học, nhất định phải biết ở trong đời này không được kết oán thù với bất kỳ ai. Nhất định phải tu nhẫn nhục ba-la-mật, nhẫn điều người khác không thể nhẫn, điều mà người thông thường không thể nhẫn thì ta phải học có thể nhẫn. Đặc biệt là trong lời nói, thái độ, bất luận người khác vô tình hay cố ý hủy báng ta, châm biếm ta, cười nhạo ta, thậm chí hãm hại ta, nhất định không được để nó trong tâm, càng không được nói ra. Đây là gì? Đây là tu nhẫn nhục ba-la-mật, vĩnh viễn giữ gìn tâm bình khí hòa, hơn nữa đối với những người này không được sanh oán hận, không được sanh tâm báo thù. Nếu công phu của bạn đạt đến một trình độ nhất định, bạn sẽ sanh tâm cảm ân đối với họ. Vì sao vậy? Họ đến để thành tựu nhẫn nhục ba-la-mật cho bạn. Nếu những cảnh giới này không hiện tiền thì nhẫn nhục ba-la-mật của bạn đến đâu để tu?

Trong kinh Kim Cang nói với chúng ta: “Hết thảy pháp thành tựu do nhẫn”, “Hết thảy pháp” này là bao gồm tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, học Đệ Tử Quy, học Cảm Ứng Thiên, học Thập Thiện Nghiệp, đặc biệt phải ghi nhớ được bốn nguyện đầu tiên trong mười nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát. Lễ kính chư Phật, sanh tâm cung kính đối với tất cả người, không được phép khinh mạn, phải sanh tâm cung kính. Nhìn thấy việc thiện của người khác, phải hoan hỷ tán thán, tu tùy hỷ công đức. Nhìn thấy người khác làm việc sai thì tuyệt đối không nói ra, điều này rất quan trọng. Siêng tu bố thí, sám hối nghiệp chướng, như vậy nhất tâm niệm Phật thì nhất định có thể giữ bình an, nhất định sanh Tịnh độ.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai, chúng con cùng nhau phát tâm in hơn một ngàn cuốn kinh Vô Lượng Thọ, chữ trong kinh rất lớn, rất dễ xem dễ đọc. Sau khi in xong thì giữ một số bản lại niệm Phật đường để dùng, số còn lại đều tặng cho các đồng học học Phật. Có một vị pháp sư nhìn thấy kinh này, để lại ghi chú như sau ạ: “Loại sách này đã quá nhiều rồi, bạn tiếp tục hỗ trợ in ấn phát tặng như vậy, xin hỏi bạn thật sự có công đức hay là đang tạo nghiệp?” Đệ tử không biết là tạo nghiệp ở chỗ nào, xin lão pháp sư khai thị, phải nên sám hối như thế nào?

Đáp: Bạn không tạo nghiệp, việc bạn làm là việc tốt, chính bạn phải có niềm tin. Nếu gặp phải những sự việc này, loại sự việc như vậy ở trong xã hội hiện nay rất nhiều, nếu họ nói bạn học Phật là tạo nghiệp, vậy thì bạn không học Phật nữa sao? Họ nói bạn niệm A-di-đà Phật là tạo nghiệp, vậy thì bạn không niệm A-di-đà Phật nữa sao? Đó gọi là tạo nghiệp thật sự rồi. Bạn có thể in kinh, đi khắp nơi tặng cho người khác, đây là đại phước báo, đại công đức, đâu có lý nào tạo nghiệp! Hy vọng bạn đừng nghe lời người khác nói, nếu bạn nghe người khác thì đừng đến nơi này, chúng tôi ở nơi này là tuân theo giáo huấn của Phật: “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, y trí bất y thức”. Bạn là “y nhân bất y Phật”, đây là tạo nghiệp; “y ngữ bất y nghĩa”, đây là tạo nghiệp, bạn phải hiểu sự việc này. Bạn đọc kinh quá ít, mặc dù bạn ngày ngày đọc kinh, bạn chẳng hiểu gì đối với ý nghĩa trong kinh.

Hỏi: Câu hỏi thứ ba, đệ tử học Phật, niệm Phật tu hành, nhất tâm cầu sanh Cực Lạc, trong tâm đệ tử lại có một chút hứng thú với Thái Cực Quyền, xin hỏi nếu con luyện Thái Cực Quyền thì có trở ngại gì với nhất tâm cầu sanh Tây Phương, hay là có sự giúp đỡ gì không?

Đáp: Thái Cực Quyền là vận động rất tốt, nếu bạn thật sự niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì bạn dùng lạy Phật để thay cho Thái Cực Quyền, không phải tốt hơn sao? Mỗi ngày có thể lạy Phật ba trăm lạy thì vô cùng tốt, tiêu nghiệp chướng. Ba trăm lạy thì mỗi một bộ phận trong cả cơ thể bạn đều được vận động, không kém gì Thái Cực Quyền, Hy vọng bạn hiểu đạo lý này.