VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
Kỳ 26
Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 27/01/2006
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, ngày mai là đêm giao thừa theo lịch Trung Quốc, chúng ta tụ họp ở nơi này, cũng là đôi bên cùng nhau sang năm mới. Có rất nhiều đồng tu phải trở về đoàn tụ với người nhà, cho nên ngày mai chúng ta ngừng giảng kinh một ngày, mọi người cũng cho tôi nghỉ một ngày, mùng một chúng ta khôi phục lại bình thường, thời gian giảng kinh vào mùng một tôi nghĩ mọi người đều biết rồi.
Năm mới, một năm lại trôi qua rồi, ở trong cửa Phật, mỗi ngày chúng ta đều niệm kệ cảnh tỉnh sách tấn bản thân, “mỗi ngày trôi qua, mạng sống dần giảm”. Qua một năm, thọ mạng của chúng ta lại giảm mất một năm, cho nên người thông thường, giống như sự chúc mừng khi đón năm mới, chúc mừng thực sự chẳng có ý nghĩa gì. Các bạn nghĩ xem, thọ mạng mỗi ngày mỗi giảm, mỗi năm mỗi giảm, có điều gì tốt để mà chúc mừng? Nếu mỗi năm mỗi tăng, vậy thì đáng để chúc mừng; mỗi năm mỗi giảm, còn có điều gì tốt để chúc mừng? Rốt cuộc vẫn là đức Phật có trí tuệ, nhắc nhở chúng ta phải hết lòng nỗ lực trong đời này cầu được liễu thoát sanh tử, đây là đúng đắn. Thọ mạng mỗi ngày mỗi giảm, vậy thì chúng ta càng phải hết sức gấp rút nỗ lực.
Phật pháp ở Trung Quốc, truyền đến Trung Quốc đã gần 2.000 năm, trong 2.000 năm, y theo Phật pháp học tập, tu hành, đích thực là người thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi mười pháp giới không phải là số ít. Đặc biệt là Thế Tôn vì chúng ta nói pháp môn mang nghiệp vãng sanh, đại sư Thiện Đạo nói với chúng ta, pháp môn này là “vạn người tu, vạn người đi”. Nếu như đời này chúng ta gặp được pháp môn này, phải coi pháp môn này là đại sự quan trọng nhất trong đời này của chúng ta, tại sao vậy? Từ vô thỉ kiếp tới nay, có người nào mà không muốn thoát khỏi bể khổ? Tại sao thoát không nổi? Một là chưa gặp được pháp môn này, một loại khác là gặp được pháp môn này nhưng bỏ qua, vẫn chưa buông xuống được duyên đời, cho nên lúc lâm chung vãng sanh tạo thành chướng ngại. Đây là chuyện đáng để chúng ta cảnh giác sâu sắc, hy vọng đời này chúng ta không còn bỏ lỡ nữa, vậy thì thực sự đáng để chúc mừng.
Chúng tôi những năm này, mỗi năm qua năm mới, chúng tôi thường là làm thiệp chúc mừng năm mới, thiệp chúc mừng năm mới của chúng tôi cũng in câu “mỗi tuổi được bình an, hằng năm được như ý”. Nhưng trước đó chúng tôi thêm một câu “Không làm các việc ác, mỗi tuổi được bình an; siêng làm các việc thiện, hằng năm được như ý”, hy vọng chúng ta ghi nhớ “không làm các việc ác, siêng làm các việc thiện”. Hôm nay là lần thứ 26 chúng ta giải đáp câu hỏi, 26 cũng là con số rất may mắn, vào cuối năm nay. Hiện tại nhóm câu hỏi đầu tiên là của đồng tu Trung Quốc, họ có ba câu hỏi.
Hỏi: Câu hỏi đầu tiên nói, hiện nay trong nước Trung Quốc xuất hiện cơn sốt quốc học, không ít các loại tọa đàm giảng các kinh điển như Kinh Dịch, Luận Ngữ v.v… ở tiểu học, trung học cho đến ngoài xã hội, giống như các loại thuốc bổ, thuốc bổ toàn diện thập toàn đại bổ, làm thế nào để người tiếp nhận giáo dục tiêu hóa hấp thụ? Làm như vậy có đúng không?
Đáp: Cách làm này chưa hẳn không phải là chuyện tốt, tốt ở chỗ nào? Nhắc nhở mọi người quốc học Trung Quốc vẫn là có giá trị, cần phải nên học tập. Còn như bạn nói tới làm thế nào để người tiếp nhận giáo dục tiêu hóa hấp thụ? Câu nói này nói rất hay, phải làm thế nào mới có thể tiêu hóa? Mới có thể hấp thụ? Cổ đức thường nói với chúng ta: nếu như lễ không còn thì Nho không còn; giới luật không còn thì Phật không còn. Hai câu này nói rất hay. Nho thực hành ở lễ, thực hành trong cuộc sống thường ngày, hy vọng thực sự có thể đạt được cái gọi là “niềm vui của Khổng Nhan”, niềm vui trong cuộc sống của Khổng tử, Nhan Hồi. Nếu Phật pháp không có giới thì Phật không còn nữa. Phật không có giới thì gọi là Phật học, bạn đang làm Phật học chứ không phải là học Phật. Làm Phật học, bạn có thể lấy được mấy bằng tiến sĩ Phật học trên thế gian này, nhưng mà không liên quan đến khổ vui trong cuộc sống của bạn, tức là bạn không đạt được hiệu quả lìa khổ được vui. Phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui không có phần của bạn. Nếu lễ không còn nữa, bạn là làm Nho học chứ không phải là học Nho, nói cách khác là bạn không cách nào thể hội được niềm vui của Khổng Nhan.