/ 1
28

TƯ LƯƠNG TỊNH ĐỘ

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Thời gian: Tháng giêng năm 1995

Địa điểm: Tiểu Quốc Minh Nghĩa Hoa Liên

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


1. Sơ lược về nhận thức Phật pháp

Xin chào Hội trưởng, các vị pháp sư, các vị đại đức đồng tu!

Hôm nay chúng ta có được nhân duyên thù thắng đến như vậy, Học Hội Tịnh Tông Liên Hoa bố trí một hội trường trang nghiêm long trọng. Chúng ta ở nơi đây cùng nhau nghiên cứu, thảo luận một phương pháp tu học trọng yếu trong Phật pháp chính là ba tư lương của tịnh độ. Trước khi chúng ta thảo luận đến vấn đề này, thì trước tiên phải có sự nhận thức chuẩn xác đối với Phật pháp. Sau đó chúng ta mới có thể xây dựng tín tâm, nguyện tâm để đạt tới mục tiêu của sự tu học. Phật pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật sáng lập ra ở miền bắc Ấn Độ từ 3000 năm trước. Sau khi Phật diệt độ khoảng 1000 năm mới chính thức truyền đến Trung Quốc, Phật pháp truyền vào Trung Quốc đến ngày nay cũng sắp đến 2000 năm rồi. Có thể nói, nó có lịch sử lâu dài, thế nhưng nó cũng không thể vượt qua được nguyên tắc của lịch sử. Đó chính là bất luận một học thuyết nào, khi truyền đến thời gian dài thì không tránh khỏi xen tạp những ý tưởng khác, nên gọi là càng truyền càng biến chất, càng truyền càng sai sự thật. Truyền thừa của Phật pháp không thể tránh khỏi hiện tượng này.

Thế là trong xã hội ngày nay, chúng ta nhìn thấy Phật pháp chí ít có năm hình thức không giống nhau xuất hiện ở thế gian này. Chúng ta học Phật nếu muốn đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp, những hiện tượng này chúng ta không thể không tỉ mỉ mà chọn lựa.

Vậy thì hiện tượng thứ nhất là Phật giáo biến thành tôn giáo. Thứ này rất là phổ biến, cho đến trên thế giới của thời hiện đại cũng đem Phật pháp xếp vào một trong sáu tôn giáo lớn. Vậy thì Phật pháp có phải là tôn giáo hay không? Vấn đề này ở đầu năm Dân Quốc, năm Dân Quốc thứ 12, ông Âu Dương Cảnh Vô đã từng nêu ra. Ông nói, Phật pháp không phải là tôn giáo, không phải là triết học, mà là thứ người thời nay cần phải có. Rất nhiều người nghe qua cách nói này đã không thể tiếp nhận.

Lần diễn giải này của ông Âu Dương ngay lúc đó cũng làm chấn Động giới Phật giáo. Nhận thức của ông không sai, thế nhưng cách nói của ông không được viên dung. Phật pháp có phải là tôn giáo hay không vậy? Phật pháp không phải là tôn giáo, không phải là tôn giáo mà thông thường trong xã hội phần đông người quan niệm. Phật pháp không giống như vậy. Bởi vì thông thường định nghĩa của các tôn giáo thì điều tối trọng yếu là nó phải có một vị thần làm chủ tể, chủ tể vũ trụ, chủ tể tất cả chúng sanh, là thần linh chí cao vô thượng, đây là đối tượng sùng bái của họ. Việc này trong Phật pháp đích thực là không có. Phật là người, không phải là thần; Bồ Tát cũng là người, không phải là thần.

Phật pháp là nói bình đẳng, địa vị của Phật Bồ Tát và tất cả chúng sanh là bình đẳng, điều này thì nhất định không thể nào tìm ra trong tất cả tôn giáo khác. Người trong các tôn giáo khác không thể bình đẳng với thần, không bình đẳng với Thượng đế, thế nhưng người trong Phật môn của chúng ta thì bình đẳng với Phật, bình đẳng với Bồ Tát, cho nên Phật giáo không giống như quan niệm của những người trong tôn giáo khác. Thế nhưng Phật giáo chính bản thân mình lại xưng là tôn giáo, đây là sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc mới có, ở Ấn Độ không có. Vào thời đại Tùy Đường của Trung Quốc, do vì pháp môn của Phật giáo quá nhiều, phức tạp, cũng giống như trường đại học vậy, nội dung rất phong phú, các loại khóa trình nên có thì phải có, như vậy thì đối với người căn tánh kém một chút thì đối với việc tu học sẽ rất khó khăn. Thế là có một số pháp sư thông minh đã tuyển chọn một bộ phận ở trên kinh luận, chuyên tu một bộ phận ở trong kinh luận, giống như trong trường học vậy, đem nó phân thành rất nhiều khóa mục, chỉ chuyên tu một môn, như vậy thì đối với người căn tánh bậc trung hạ thì được rất nhiều tiện lợi, nhận được hiệu quả của sự tu học rất tốt. Đây chính là hình thành các tông phái Phật giáo Trung Quốc.

Tông là tên gọi của phái lớn. Ở Trung Quốc chúng ta tiểu thừa có hai tông là Thành Thật tông và Câu Xá tông, thế nhưng hiện tại không còn nữa, ngay đến tiểu thừa cũng không còn.

Đại thừa có tám tông phái. Hiện tại, xét trên thực tế mà nói, chỉ còn tên mà thực chất không còn, không còn gì nữa. Phổ biến thì chúng ta có thể nghe được có Thiên Thai, ở Đài Loan thì chúng ta nghe được có Thiên Thai, học Thiên Thai; Hiền Thụ Giáo thì không thấy nghe đến, không hề nghe qua; Pháp Tướng và Duy Thức có thể còn, nhưng rất hiếm thấy; Tam luận thì không nghe nói, phổ biến nhất chỉ là Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông. Những tông này hiện tại là phổ biến.

/ 1