/ 1
13

TỊNH TÔNG NHẬP MÔN

Pháp sư Tịnh Không giảng tại Dallas, 1996

Cư sĩ Ngô Chân Độ chỉnh lí

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu


I. VÌ SAO TU HÀNH PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ?

II. TAM PHƯỚC

  1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp

  2. Thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi

  3. Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả

III. CHƯỚNG NGẠI CỦA HÀNH GIẢ

IV. TIÊU TRỪ CHƯỚNG NGẠI

  1. Không tìm lỗi người

  2. Không khen mình chê người

V. PHÁP THANH TỊNH GIẢI THOÁT

  1. Xa rời huyên náo

  2. Ít muốn biết đủ

  3. Xa rời lợi dưỡng

  4. Dùng tâm không mong cầu thuyết pháp

  5. Không dùng tâm tham ô để thuyết pháp

  6. Không lấy việc cung kính, cúng dường để bản thân yên vui làm lợi ích

  7. Dùng tụng kinh niệm Phật để đè nén vọng niệm

VI. CHÁNH PHÁP TUYỆT ĐỐI TƯƠNG ỨNG VỚI LỢI ÍCH CHÂN THẬT

VII. BỐN NGUYÊN TẮC ĐỂ PHÂN BIỆT CHÁNH TÀ

VIII. HẠNH TỐT VÀ HẠNH XẤU

IX. BA CƯƠNG LĨNH LỚN CỦA HÀNH MÔN

X. ĐIỂM QUAN TRỌNG CỦA HÀNH MÔN

PHỤ LỤC

  1. Người nội trợ trong gia đình làm sao để tu Bồ-tát đạo ngay trong đời sống thường ngày

  2. Tinh Yếu Pháp Thập Niệm


Kính thưa chư vị đồng tu,

Lần này thời gian tụ hội của chúng ta tuy rất ngắn, gần đây đúng lúc tôi giảng kinh ở Los Angeles và San Jose, có không ít đồng tu đến gặp tôi nói đến việc công phu tu học không đắc lực. Ở trong kinh luận, Phật nói đến công đức lợi ích thù thắng nhưng chúng ta vẫn không thể gặt hái được gì. Rốt cuộc nguyên nhân này nằm ở đâu? Cho nên ba ngày này, tôi nghĩ chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận một chút về vấn đề này.


I. VÌ SAO TU HÀNH PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ?

Tu học Phật pháp, mục tiêu hàng đầu của chúng ta đương nhiên sẽ là liễu thoát sanh tử, siêu việt luân hồi, đây là một vấn đề lớn, chính là “một đại sự nhân duyên” mà Phật giảng trong kinh Pháp Hoa. Trong rất nhiều kinh luận Đại thừa đức Thế Tôn nói cho chúng ta biết, bất luận là trên lý luận hay phương pháp, không gì không lấy điều này làm mục tiêu cuối cùng.

Nhưng Phật pháp truyền đến ngày nay, y theo ghi chép của lịch sử Trung Quốc thì đã được 3.000 năm, còn theo ghi chép của người ngoại quốc thì cũng đã hơn 2.500 năm. Pháp truyền qua thời gian dài như vậy sẽ không tránh khỏi sanh ra những điều không tốt. Trong kinh điển Đại thừa thường gọi hiện nay là thời kỳ mạt pháp, cũng tức là 2.500 năm sau khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni diệt độ, căn tánh của chúng sanh ở thời đại này dĩ nhiên là không giống với thời xưa. Bởi vì có rất nhiều kinh luận và pháp môn không phải là không tốt, nhưng người hiện nay như chúng ta tu học không được, thực sự là nói được mà làm không được!

Y cứ theo lý luận và nguyên tắc của kinh điển Đại thừa, cho dù là tu học bất kỳ pháp môn nào, Hiển giáo cũng tốt, Mật giáo cũng tốt, Thiền tông cũng tốt, Giáo hạ cũng tốt, tất cả đều cần phải đoạn kiến tư phiền não mới có thể liễu thoát sanh tử. Cái gì gọi là kiến tư phiền não? Nói một cách đơn giản thì “kiến” chính là chỉ cho kiến giải sai lầm, cách nhìn sai lầm đối với vũ trụ nhân sinh, đó gọi là “kiến phiền não”. “Tư” là chỉ cho tư tưởng sai lầm và cách nghĩ sai lầm. Phạm vi bao hàm của “kiến tư” quá rộng, quá lớn.

Trong kinh luận đức Phật đem vô lượng kiến tư phiền não quy nạp thành mười loại lớn, đây là để thuận tiện cho việc thuyết pháp. Mười loại lớn này đã bao gồm tất cả, nhưng thật ra mà nói người hiện nay không đoạn được, một thứ cũng đoạn không nổi, huống hồ là mười loại lớn! Nếu như đoạn không được phiền não thì tu học cả đời này sẽ không thể thành tựu. Đây không phải là vấn đề của một người nào đó, mà là căn bệnh chung của người hiện nay.

/ 1