TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC
Tập 1
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 9/9/2000
Địa điểm: Chùa Cực Lạc, Penang Malaysia
Kính thưa Chủ tịch Ủy ban trù bị Đại hội Hoằng pháp, vợ chồng ông Tan Sri Lee Kim Yew, đại diện trụ trì chùa Cực Lạc - Pháp sư Nhật Hằng; chư vị đại biểu các tôn giáo lớn; chư vị tôn túc trưởng lão; các vị Dato, Datuk; các vị đồng tu của Học hội Tịnh tông, các vị nghị viên thành phố; các vị cư sĩ đại đức, các vị đại biểu giới văn hóa giáo dục, đại biểu giới báo chí, cho đến các vị hộ pháp, các vị pháp sư đại đức đồng tu, chào mọi người!
Hôm nay ở chùa Cực Lạc Penang, đây là một đạo tràng cổ kính mà thường đổi mới, mọi người chúng ta cùng tụ hội về nơi đây học tập Phật pháp, nhân duyên này thù thắng không gì bằng. Đạo tràng này có lịch sử 111 năm, dưới sự lãnh đạo của pháp sư Nhật Hằng, chỉ trong vài năm ngắn ngủi đã làm cho bộ mặt đổi mới, đây là nhờ oai thần Tam bảo gia trì, sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, và cũng là chúng sanh khu vực này có phước, chúng ta thấy được cảm ứng rõ ràng, thù thắng đến như vậy. Lần này, pháp sư Tịnh Không tôi đến nơi đây chọn đề tài giảng cho chư vị là “Tịnh Nghiệp Tam Phước” trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, chọn ra đoạn kinh văn này. Bữa tiệc tối hôm qua tôi cũng đơn giản báo cáo với chư vị về nhân duyên của tôi với đạo tràng này, tuy là lần đầu chúng ta gặp mặt ở đây nhưng duyên phần rất sâu dày.
Trước đây, pháp sư Viên Anh chuyên nghiên cứu Lăng Nghiêm. Sư phụ của tôi, pháp sư Bạch Thánh là học trò của Viên lão, cả đời cũng là chuyên nghiên cứu Lăng Nghiêm. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, kinh Lăng Nghiêm cũng là công khóa tu chính của tôi. Lúc trước cũng đã từng giảng qua rất nhiều lần, tôi nhớ hình như là trước sau giảng qua bảy lần. Mãi đến khi lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam vãng sanh, tôi tiếp nhận sự dặn bảo của thầy chuyên tu chuyên hoằng kinh Vô Lượng Thọ, bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Việc này ở trong Phật pháp chính là những gì người xưa gọi là sư thừa. Ở trong xã hội ngày nay đã rất khó thấy được, thế nhưng những lão pháp sư hoằng pháp thời cận đại, chúng ta thường gặp được, cũng rất cảm phục mà tán thán, pháp sư có thể ở trong và ngoài nước giảng kinh thuyết pháp, hầu như toàn bộ đều là tiếp nhận sự giáo dục của người xưa. Người xuất thân từ Phật học viện của Tân Hưng rất hiếm thấy, bao gồm lão pháp sư Trúc Ma nơi đây, pháp sư Diễn Bồi ở Singapore đã vãng sanh, chúng tôi đều là tiếp nhận sự truyền thừa của người xưa. Sự truyền thừa này ở Trung Quốc tuy đã có lịch sử hơn 2.000 năm nhưng hiệu quả vẫn rất thù thắng, rất đáng được chúng ta suy ngẫm sâu sắc ở trong giáo học, không nên đem nó phế bỏ. Đồ của người xưa Trung Quốc, trong ấy có rất nhiều thứ tốt, cũng giống như giáo học của Phật-đà vậy.
Đoạn kinh văn này, trong kinh điển ghi chép, phu nhân Vi-đề-hy đương thời gặp phải biến cố gia đình, quốc gia, đối với nhân sinh cảm thấy vô cùng chán nản, bà hướng về Thích-ca Mâu-ni Phật thỉnh cầu: “Thế gian này có hoàn cảnh sống nào tốt hơn nữa không?” Nếu dùng lời hiện nay mà nói, tức là có khuynh hướng di dân. Thế Tôn đã tiếp nhận lời khải thỉnh của phu nhân Vi-đề-hy, đem mười phương cõi nước chư Phật, dùng thần lực biến hiện ở ngay trước mặt bà, để bà có thể đích thân nhìn thấy. Ở chỗ này chúng ta phải nghĩ đến. Ngày nay chúng ta có thể đem tình hình của mọi ngõ ngách trên địa cầu, dùng khoa học kỹ thuật, truyền phát vệ tinh, dùng màn hình của tivi hiện ra ở trước mặt chúng ta, những thiết bị máy móc này rất phức tạp, Thế Tôn không cần phải phiền phức như vậy, ngài dùng thần lực thì có thể biến hiện ra cho phu nhân Vi-đề-hy thấy, hơn nữa những thứ mà bà nhìn thấy là lập thể, không phải là mặt phẳng, như ở đối diện. Chúng ta từ chỗ này thể hội được, khoa học kỹ thuật của thế giới Tây Phương Cực Lạc cao minh hơn chúng ta quá nhiều. Cho nên những năm qua, tôi giảng kinh ở Mỹ, tôi đều khuyên các nhà khoa học bậc nhất trên thế giới nên đến thế giới Tây Phương Cực Lạc mà du học, học tập với A-di-đà Phật thật tốt.
Phu nhân Vi-đề-hy đã nhìn thấy rất nhiều thế giới chư Phật, hoàn cảnh sinh hoạt, hoàn cảnh tu học nơi đó của họ thù thắng hơn so với thế gian này của chúng ta quá nhiều, bà chọn lựa thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật. Thế Tôn không hề giới thiệu trước cho bà, mà để tự bà chọn lựa. Sự chọn lựa của bà đương nhiên Thích-ca Mâu-ni Phật rất hoan hỷ, đích thực bà có tầm nhìn, có trí tuệ, trong thế giới chư Phật đã chọn lựa được thù thắng nhất, viên mãn nhất, ổn đáng nhất, một hoàn cảnh sinh hoạt tốt như vậy. Thế là phu nhân Vi-đề-hy cầu xin Thế Tôn làm thế nào để đi? Thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật là tốt, làm sao có thể vãng sanh?” Dùng lời hiện nay mà nói tức là “chúng ta dùng phương pháp gì, điều kiện gì mới có thể di dân đến thế giới Cực Lạc?” Trước tiên, Thế Tôn chưa có dạy cho bà phương pháp, mà nói cho bà một đoạn kinh văn trước. Đoạn kinh văn này vừa mở đầu là: