Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 09/01/2024
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 12
GIẢI ĐÁP PHẬT HỌC NGHI VẤN
BÀI 37: PHÁP MƯỜI NIỆM TINH YẾU
Pháp Mười Niệm Tinh Yếu là nội dung cuối cùng trong Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục. Nội dung này được đưa vào nhằm nhắc nhở đồng tu học Phật huân tập thói quen niệm Phật thay thế thói quen niệm vọng tưởng. Nhờ đó Phật hiệu không gián đoạn, tạp niệm bớt dần, pháp hỷ sanh khởi, tín tâm thanh tịnh và đại nghiệp Bồ Đề rất dễ thành công.
Hòa Thượng nói trải đều trong một ngày chín lần và mỗi lần niệm 10 câu Phật hiệu cũng được xem như suốt ngày ta đều nhớ đến Phật. Chúng sanh nếu không niệm Phật thì sẽ niệm đến nhiều thứ khác, nói chung là vọng tưởng. Đó là niệm thành bại; niệm hơn thua; niệm yêu ghét.
Hòa Thượng nói: “Riêng phần tự tu chính là trong một ngày chín lần niệm 10 câu Phật hiệu. Chín lần gồm: Buổi sáng sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ buổi tối, trước ba bữa ăn, trước giờ làm buổi sáng, trước khi nghỉ trưa, trước giờ làm việc buổi chiều và trước khi kết thúc một ngày làm việc.
“Mỗi lần ta niệm 10 câu Phật hiệu. Niệm bốn chữ hay sáu chữ danh hiệu Phật đều được cả, tùy theo ý thích. Đây là định khóa thường ngày. Chúng ta theo định khóa này mà hành trì thì lâu ngày nhất định sẽ rất tốt. ”
Định khóa này tuy đơn giản nhưng để trở thành một thói quen là việc không dễ dàng. Hằng ngày ta có thể vọng tưởng đủ thứ chuyện nhưng lại quên định khóa. Người uống thuốc vì sợ chết nên nhớ uống nhưng lại quên niệm Phật. Người niệm Phật quên niệm Phật vì chưa thấy chết. Đó chính là phóng túng.
Tổ sư đại đức xưa khuyến tấn chúng ta luôn phải để sinh tử đặt lên hàng đầu. Trong các tự viện xưa có câu: “Cần tu như lửa đốt đầu, sớm còn tối mất vui đâu bao giờ”. Đó là sự cảnh tỉnh cao độ.
Dù biết đây là sự thật nhưng vẫn chưa đủ để làm chúng ta sợ. Ngày ngày chúng ta vẫn chểnh mảng, phóng túng, tùy tiện khởi “tham sân si mạn”, tùy tiện rơi vào “danh vọng lợi dưỡng”. Thế mới biết tập khí phiền não của chúng sanh đáng sợ. Cho nên người tu học có công phu đủ năng lực vãng sanh thì họ không muốn ở thế gian mà muốn đi cho mau vì ở Ta Bà rất nhiều chuyện, dễ làm cho người động tâm.
Theo Hòa Thượng nếu tự tu thì chính mình một ngày lấy chín lần làm thời khóa. Còn cộng tu thì sao? Cộng tu là khi chúng ta giảng Kinh, hội họp hay khi chuẩn bị khai tiệc thì cũng theo thời khóa này mà niệm Phật.
Hòa Thượng chỉ dạy: “Khi bắt đầu cùng nhau làm việc thì hành Pháp 10 niệm này. Có thể quy định với nhau rằng, nếu họp mặt thì tất cả cùng nhau xưng niệm 10 câu Phật hiệu, sau đó mới tiến hành học tập hay làm bất cứ việc gì.”
“Căn cứ theo pháp tự tu và cộng tu này sẽ có nhiều lợi ích rất thù thắng. Thứ nhất là pháp này đơn giản, dễ hành, thời gian dùng rất ít mà hiệu quả rộng lớn, thiết thực mà cũng rất cần thiết.”
Quả thật Pháp 10 niệm rất dễ làm, dễ nhiếp tâm. Tuy dễ thế nhưng chúng ta lại không nhớ một ngày chín lần trọn vẹn. Cho nên bây giờ chúng ta ghi chép hoặc đặt chuông nhắc niệm Phật. Nhắc một, hai năm thì sẽ quen. Việc này vô cùng quan trọng.
Trong Tịnh Độ có câu: “Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ, Ái bất trọng bất sanh Ta Bà.” Niệm Phật mà không chuyên nhất, không hàng phục được phiền não thì không thể vãng sanh. Nghiệp ái không nặng thì không phải vào Ta Bà. Cho nên muốn vượt thoát Ta Bà thì ban đầu phải ràng buộc chính mình nhớ được câu Phật hiệu.
Hòa Thượng nói rằng đây chẳng qua là luyện thành thói quen. Thay thói quen cũ chuyên niệm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước thành một thói quen mới chuyên niệm Phật. Người xưa từng dạy rằng niệm Phật phải trở thành ý niệm trong ta. Nghĩa là hễ khởi niệm là niệm Phật thay vì trước đây hễ khởi niệm là niệm vọng tưởng và những thứ khác.
Người mà khởi niệm được như vậy thì chắc chắn vãng sanh. Còn nếu khởi niệm là niệm “danh vọng lợi dưỡng, tham sân si ngạo mạn” thì khó. Việc này chúng ta phải tự phản tỉnh xem công phu niệm Phật của mình đang ở mức nào?
Chúng ta phải nhớ rằng tâm tịnh thì tương ưng cõi Tịnh; tâm ô nhiễm thì tương ưng với cõi ô nhiễm. Hòa Thượng nhắc chúng ta đừng chủ quan mà nghĩ rằng mình làm việc tốt là mình được vãng sanh vì làm việc tốt với tâm ô nhiễm, dính mắc, vướng bận thì còn dính vào thế gian này.