CHƯƠNG 1 BÀI 6
HIỂU RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ
Buổi 24 ngày 15/05/2022
“Tu phước và tu huệ”, phước, huệ là hai mục tiêu lớn mà tu học Phật pháp yêu cầu. Trong lúc chúng ta truyền thụ tam quy, đã đọc câu thệ nguyện: “Quy y Phật, nhị túc tôn”, “Nhị” chính là phước và huệ, túc chính là đầy đủ, viên mãn. Do đó có thể thấy, thành Phật chính là tu học viên mãn phước và huệ, cho nên được sự tôn kính của thế, xuất thế gian. Kinh điển Phật giáo là dung thông: Viên dung, thông đạt không có chướng ngại, cho nên một kinh thông, thì tất cả các kinh đều thông. Không chỉ kinh giáo là dung thông, pháp thế gian và xuất thế gian cũng là dung thông, vì đều là từ trong chân tâm bổn tánh biến hiện ra, cho nên là cùng một cội nguồn, không có đạo lý nào là không thông.
Vì sao lại không thông?
Không thông chính là có chướng ngại, chướng ngại chính là mê hoặc, điên đảo, phân biệt, chấp trước, chỉ cần có thể đoạn trừ chướng ngại, thì pháp thế gian, xuất thế gian đều viên dung, mà còn thông đạt không có chướng ngại.
Mục tiêu, phương hướng mà Phật đà dạy chúng ta, chính là cứu cánh viên mãn: Vĩnh viễn rời xa tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Nhưng nhất định phải rõ đạo lý, rõ đạo lý chính là phải tường tận chân tướng sự thật. Nhân khởi của tam giới luân hồi chính là vọng tưởng, chấp trước. Đặc biệt là chấp trước, “có ngã”, “ngã sở”. Đây là nguyên nhân căn bản của của việc tạo ra lục đạo luân hồi. Muốn ra khỏi tam cõi, phải phá “ngã chấp”, “ngã sở”. Ngã sở chính là “cái ta có”, người khởi tâm động niệm đều là có ngã chấp, chỉ cần có quan niệm “cái ngã chấp” này, thì sẽ không thể ra khỏi tam giới, lục đạo luân hồi.
Phật pháp đại thừa và tiểu thừa đều là phá “ngã”, người tu học tiểu thừa, đoạn trừ ngã chấp, có thể chứng đắc quả A La Hán, họ liền ra khỏi tam giới.
Buổi 25 ngày 22/05/2022
Tinh thần Bồ tát đạo, Phật pháp Đại thừa chính là rộng tu cúng dường, rộng độ chúng sanh. Trong kinh Kim cang nói: “Tất cả chúng sinh Ta đều khiến vào Vô dư Niết Bàn mà diệt độ vậy.” Câu này nếu dùng lời hiện đại mà nói, chính là tận tâm tận lực giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Kết quả phá mê khai ngộ tự nhiên là lìa khổ được vui. “Mê, phải giúp họ phá sạch; ngộ phải giúp họ đạt đến viên mãn.” Đây chính là thành Phật, chính là “nhập vô dư Niết Bàn mà diệt độ vậy”.
Phật giáo dạy chúng ta những gì? Chung quy lại mà nói, chính là dạy chúng ta tu tâm. Thế nào là tâm phàm phu? Thế nào là tâm Phật Bồ tát? Phải rất rõ ràng tường tận. Làm thế nào để sửa tâm phàm thành tâm Phật? Làm sao để thay đổi lối hành trì của phàm phu thành lối hành trì của Phật và Bồ tát? Nếu chúng ta tự mình không hiểu rõ đạo lý này, không thể chân thật đi làm, mà lại giả danh Phật pháp, dạy sai chúng sinh, tội lỗi này phải đọa vào địa ngục A tỳ, đây là điều mà Phật và Bồ tát không muốn nhìn thấy. Cho nên người gánh vác trọng trách giáo dục, nhất định phải chăm chỉ nỗ lực khắc phục tập khí, khó khăn của chính mình.
Phật pháp và thế gian pháp là một, không phải hai. Dùng tâm can của Phật và Bồ tát để nhập thế thì pháp thế gian chính là Phật pháp, chẳng có một pháp nào không phải là Phật pháp. Còn như dùng tâm phàm phu để thâm nhập Phật pháp thì tất cả Phật pháp đều trở thành thế gian pháp. Do đó nên biết, thế pháp và Phật pháp tuyệt nhiên không phải ở trên sự tướng mà ngay nơi tâm mỗi người, cho nên mới nói “tâm tịnh thì cõi nước tịnh”.
Phật pháp không làm hư thế gian pháp, cho nên lúc đức Thế Tôn còn tại thế, đối với nhiều tông môn giáo phái ở Ấn Độ, tuyệt nhiên Phật không hề thay đổi phương thức sinh hoạt của họ, mà chỉ sửa đổi quan niệm của họ, giúp họ từ đời sống mê tín quay về đời sống chánh tín giác ngộ. Đức Thế Tôn không thay đổi họ, chỉ là thêm vào những giải thích mới, tư tưởng mới, quan niệm mới, đây là phương pháp mà các bậc thánh chúng ta đã nói: “cao minh nhất là ở đạo trung dung”, đây mới là trí tuệ chân thật.
Đời sống giác ngộ chính là Bồ tát hạnh; hay nói cách khác, từ đời sống phàm phu đổi thành đời sống Bồ tát. Song, đời sống hoàn toàn không có thay đổi, trước đây làm nghề gì thì bây giờ vẫn làm nghề đó; khác nhau ở chỗ, ngày trước là mê, bây giờ là giác. Khi mê thì có khổ, lúc giác ngộ có vui, niềm vui này gọi là “pháp hỉ sung mãn”, điểm khác biệt chính là ở chỗ này. Hoàn toàn không phải thay đổi đời sống sinh hoạt, chức vị, nghề nghiệp của họ. Trong năm mươi ba lần tham học được nói trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nhìn thấy những vị Bồ tát ấy, già trẻ gái trai, các ngành các nghề, họ đều giác ngộ ngay trong chính nghề nghiệp, đời sống tập tục vốn có của mình mà lìa khổ được vui, đây chính là Phật pháp.