Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 07/04/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 89
Hoà Thượng trích lời Khổng Lão Phu Tử rằng đừng mang cho người những gì mình không muốn vì việc gây thù trước oán sẽ tạo ra nghiệp chướng, quả báo sẽ đến. Tâm hại người và phòng bị với người là gánh nặng cho chúng ta. Ngài dạy hãy nghe lời làm theo, giữ tâm thanh tịnh, tất cả đãi ngộ hãy để Phật, Bồ Tát an bài. Ngài cũng khuyên nếu có duyên phận làm việc tốt thì phân tích duyên này là tà hay chánh. Chánh thì mới làm.
Hoà Thượng nói: “Bạn đã tạo những nghiệp bất thiện rồi, không sớm thì muộn quả báo sẽ đến với bạn. Cho dù bạn gây thù trước oán với người, người ta không tìm bạn để trả thù nhưng nghiệp chướng vẫn sẽ chướng ngại bạn. Nếu có bất cứ việc gì thì trước tiên phải kiểm thảo chính mình. Khổng Lão Phu Tử nói rằng cái gì mình không muốn thì đừng mang tới cho người”.
Chúng ta hãy tự xét xem chúng ta muốn mọi việc thuận lợi, tốt đẹp, muốn người ta phải siêng năng nhưng bản thân chúng ta lại lười nhác, mình muốn người khác tinh tấn dũng mãnh còn mình thì yếu đuối, chểnh mảng.
Cho nên tất tật những gì người ta mang đến cho chúng ta mà chúng ta không thích thì chúng ta đừng mang những việc đó đến cho người. Hằng ngày trong lớp học, chúng ta muốn các cô giáo siêng năng, làm mọi việc được tốt thì chúng ta ít nhất sau khi đã nói ra ý muốn đó thì mình phải làm gấp đôi, gấp ba các cô giáo. Thậm chí không cần phải nói, một khi người ta thấy mình làm là người ta đã kính phục rồi. Nếu mình không làm hơn người mà ở đó nói lời Thánh Hiền thì người ta sẽ mất niềm tin.
Lễ hội tri ân vừa rồi cũng là giai đoạn khiến chúng tôi rất bận nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ gói bánh miệt mài để biếu tặng các trường. Bản thân chúng tôi đối với công việc hằng ngày không phụ thuộc người khác mà hoàn toàn tự nỗ lực. Ngay trong thời gian bận rộn với công tác dịch thuật, chúng tôi vẫn chăm sóc cây cối, làm cỏ, cơm nước tự phục vụ. Sân vườn luôn sạch sẽ. Khách đến thăm thì chính chúng tôi hái rau, rửa sạch một rổ to để đãi họ món lẩu. Chúng tôi đùa rằng ở đây có tiên xuống làm việc, hết giờ tiên lại về.
Hoà Thượng tiếp lời: “Lời Ngài Khổng Lão Phu Tử dạy là giúp chúng ta có tâm nhân hậu. Muốn người khác cười với mình thì chính mình trước tiên mỉm cười với họ. Đối nhân xử thế tiếp vật phải chí công vô tư. Đây đều là những bài học làm người.” Khi chúng ta càng thực hiện lời dạy của Thánh Hiền thì mới thấy những lời dạy đó thật là sâu sắc. Nếu không làm thì không thể cảm nhận được. Càng thậm tệ hơn nếu chúng ta lặp lại lời nói của người xưa một cách trơ trẽn tức là miệng nói, yêu cầu người khác làm nhưng mình lại không làm.
Hoà Thượng dạy: “Tâm hại người không nên có, tâm phòng bị với người cũng không cần thiết. Có tâm này thì tự nhiên làm mình bị gánh nặng. Trong tất cả những cảnh duyên, chỉ lo cho tâm thanh tịnh của chính mình, nghe lời dạy mà làm theo. Tất cả đãi ngộ trong cuộc đời này hãy để cho Phật, Bồ Tát an bài, phước báu của mình an bài.”
Người xưa từng nói: “Dùng người thì phải tin mà đã không tin thì không dùng” cho nên không cần phòng bị. “Dùng” có nghĩa là giao việc.
Hoà Thượng dạy chúng ta tất cả đãi ngộ trong cuộc đời này như cơm ăn, áo mặc, nhà ở và mọi thứ cần dùng nên để Phật và Bồ Tát an bài. Phật Bồ Tát lo mới chu đáo mọi bề. Bệnh khổ cũng là do Phật Bồ Tát an bài để mình có một chút phản tỉnh: “Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sinh”.
Ngày xưa chúng tôi hay khởi lên sự oán trách nhưng sau này chúng tôi không còn có tâm oán trách mà là tâm tri ân. Sáng nào chúng tôi cũng uống thuốc mà mỗi lần uống là niệm Phật 30 câu mới uống. Như vậy thật là tốt! Nếu không bệnh thì không phải uống thuốc và cũng không nhớ niệm Phật. Không bệnh thì chúng tôi còn rong ruổi nhiều hơn nữa, cuối cùng chỉ là “háo danh háo lợi”.
Mình đừng tưởng rằng mình có thể kiểm soát được “danh lợi”. Nghe môt lời khen mà có một chút êm tai hay nghe một lời chê mà khởi chút không vừa lòng thì đó chính là “danh lợi”, đâu cần phải trải qua việc gì lớn đâu!