104Thứ Sáu, 05/04/2024, 18:52
87 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 87

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 05/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 87

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói: “Chúng ta có một phần tâm thành kính thì chúng ta được một phần lợi ích, mười phần tâm thành kính thì được mười phần lợi ích”. Tâm thành kính là bí quyết để thành công. Chúng ta không có tâm cung kính, phục tùng 100% đối với lão sư thì cho dù Phật Bồ Tát đến nói pháp, chúng ta cũng không có lợi ích. Sáng nay, tôi xem một đoạn video ngắn ở lớp “Kỹ năng sống” Tây Ninh, tôi rất cảm động, đúng như Hòa Thượng nói: “Con người có thể dạy được tốt!”. Các Thầy giáo ở lớp “Kỹ năng sống” là người không có bằng cấp cao, không trải qua trường lớp nhưng họ đã biết nghe lời và làm theo.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật, chúng ta mong muốn có thể tự lợi, lợi tha thì chúng ta phải chính mình làm gương, chúng ta phải tôn sư trọng đạo”. Trong xã hội hiện đại, chuẩn mực đạo đức không được xem trọng, nhiều người vẫn tôn trọng những người đã từng phản Thầy của họ. Tôi đã làm một số việc để tri ân, báo ân đối với nơi tôi đã được học tập. Dù ở xa nhưng tôi cũng thường nhờ người đến nơi tôi đã được học tập để cúng dường. Gần đây, chúng ta mở lớp “Kỹ năng sống” ở đó, tôi đã nhờ một số Phật tử làm người đại diện đứng ra mở lớp, họ chỉ là người đại diện còn tất cả việc tổ chức, vận hành lớp chúng ta đều tự làm. Khi chúng ta muốn làm việc tốt, chưa chắc mọi người đã muốn đón nhận. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Cha Mẹ thương hiếu đâu khó. Cha Mẹ ghét hiếu mới tốt”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật nhưng chúng ta không sinh khởi được tín tâm là vì chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chúng ta cho rằng nơi đó, người đó đối xử không tốt với chúng ta thì chúng ta không cần làm gì để tri ân. Nếu chúng ta không làm gì để tri ân đối với những nơi có ân đức với chúng ta thì chúng ta đã sai. Chúng ta phải dùng tâm tri ân để báo ân.

Chúng ta là phàm phu, chắc chắn chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nhưng chúng ta không để chúng vượt ngưỡng. Có những việc lợi ích chúng sanh, đáng làm nhưng chúng ta vì tình chấp mà chúng ta không làm. Khi tôi nói về việc này, tôi vẫn có nhiều cảm xúc, vậy thì tôi vẫn có nhiều tình chấp, vẫn là một phàm phu. Ban đầu, chúng ta có thể phải cắn môi, cắn lợi làm, sau đó chúng ta sẽ làm được bằng tâm tri ân, báo ân. Tôi luôn tích cực làm việc lợi ích chúng sanh, nhiều người cho rằng tôi có được rất nhiều lợi nên tôi mới tích cực làm như vậy! Hòa Thượng thường nói: “Việc tốt lắm dày vò”.

Chúng ta tổ chức lễ tri ân ở những hội trường đẹp nhất ở địa phương để những người con được mời Bố Mẹ đến những nơi trang trọng nhất. Cha Mẹ được con mời đến những nơi trang trọng như vậy sẽ cảm thấy rất tự hào. Con người có thể dạy được tốt do vậy chúng ta phải tích cực dạy. Chúng ta muốn có thể tích cực dạy thì chúng ta phải xa rời vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Người thế gian cho rằng, mọi thứ đều phải là “tiền trao cháo múc” nhưng chúng ta cho đi vô điều kiện.

Hòa Thượng nói: “Tất cả những mong cầu ở thế gian, xuất thế gian đều phải từ nơi tâm cung kính. Chúng ta phải một lòng một dạ học đạo với Lão sư, không nên đi tìm khuyết điểm của Lão sư vậy thì chúng ta mới sinh khởi được tâm cung kính”. Chúng ta có tâm cung kính thì chúng ta phải cầu và làm đúng như lý, như pháp.

Hòa Thượng nói: “Ân đức của chúng sanh đối với chúng ta chỉ bằng giọt nước thì chúng ta cũng phải mỗi niệm không quên”. Ân đức của chúng sanh đối với chúng ta bằng giọt nước thì chúng ta cũng không được quên, huống hồ là ân đức của Cha Mẹ, của Lão sư. Trong “Đệ Tử Quy” nói: “Cha Mẹ thương hiếu đâu khó. Cha Mẹ ghét hiếu mới tốt”. Nơi mà chúng ta từng học tập luôn sợ chúng ta mượn danh nghĩa của họ để trục lợi thì chúng ta sẽ không dễ để tri ân, báo ân.

Bài học hôm nay, Hòa Thượng nói: “Bậc thiện tri thức luôn hy vọng người sau tốt hơn mình. Cha Mẹ thời xưa hy vọng con cái tốt, Lão sư luôn hy vọng học trò của mình tốt hơn để đời sau làm được những việc lợi ích chúng sanh lớn hơn, mong thế hệ sau không có những khuyết điểm như mình. Đây là bậc chân thiện tri thức. Bậc thiện tri thức luôn cải sửa khuyết điểm, phát dương quang đại ưu điểm”. Cha Mẹ dạy con từ nhỏ để chúng không tiếp nối khuyết điểm của Cha Mẹ.