139Thứ Tư, 03/04/2024, 17:38
85 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 85

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 03/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 85

Từ xưa đến nay, phương pháp tu hành chính là tịnh niệm nối nhau. Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta hằng ngày chăm chỉ niệm Phật tu tịnh niệm thì thiện ác hai bên sẽ không dính mắc. Ác không làm, thiện cũng không chấp trước mà chỉ tu tịnh niệm.

Đối với mọi việc thiện, lợi ích chúng sanh nhất định không chấp dính, không nghĩ đến tức là “Việc tốt cần làm nên làm không công không đức.” Nếu vì việc tốt, vì công đức phước báu mà làm thì vẫn rơi vào tâm phân biệt, chấp trước. Chúng ta làm tròn vai trò bổn phận của mình, hoàn thành mọi công việc được giao còn trong tâm chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường quên tịnh niệm vì chúng ta cứ triền miên trong vọng tưởng phiền não vốn được huân tập nhiều đời nhiều kiếp. Nói cách khác thời gian niệm Phật không đáng tính kể vào đâu trong khi vọng niệm lại quá nhiều. Nếu chúng ta có thể niệm Phật triền miên thay vì niệm vọng tưởng thì chúng ta đã tịnh niệm nối liền.

Hòa Thượng nhắc đến thực trạng của người học Phật ngày nay là làm thì ít mà nói thì nhiều. Nghiêm trọng nhất là họ luôn luôn nghĩ đến lợi ích cho mình. Ngày ngày cầu khẩn van xin đủ thứ cho mình như tai qua nạn khỏi, bình an, mọi thứ thuận tiện, cơm no áo ấm để niệm Phật. Những lời cầu khẩn này mới nghe có vẻ chính đáng nhưng thật ra là vô lý. Vì sao? Vì người chân thật niệm Phật là người có đại phước báu mà người có đại phước báu lại lo là không có cơm ăn áo mặc đến nỗi ngày nào cũng phải nhắc Phật.

Cho nên học Phật hay chuẩn mực Thánh Hiền là phải thật làm, phải công phu từ nơi tâm của mình, cũng chính là tẩy trừ tất cả tâm ô uế, ô nhiễm, vọng tưởng chấp trước phiền não và sửa đổi hành vi của chính mình như trên Kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Đây là việc làm trường kỳ, không có lúc nào lơi lỏng được. Chúng ta đừng chủ quan vì mình đã tu hành 10, 20, 30 năm. Tập khí đã theo chúng ta từ vô lượng kiếp cho nên con số 30 năm chẳng nghĩa lý gì.

Hằng ngày chúng ta vẫn có tâm ý qua loa, không có thái độ phản tỉnh chính mình. Ví dụ cầm một chiếc thìa lên là chúng ta đã phải phản tỉnh và thận trọng chứ không phải nhất thiết là cứ làm việc lớn hay chuẩn bị lên giảng đường mới phản tỉnh. Đệ Tử Quy có câu: “Cầm vật rỗng như vật đầy”, “Vào phòng trống như có người”.

Hòa Thượng lại dạy: “Chúng ta cầu Phật Bồ Tát mà không có cảm ứng là vì chính mình nghiệp chướng sâu nặng. Vậy thì phải mau mau tự thay đổi, làm mới để tiêu trừ nghiệp chướng.” Hòa Thượng từng nhắc: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” – trong nhà Phật có cầu tất có ứng. Thế nhưng việc cầu của chúng ta phải đúng với đạo lý mới có ứng, ngược lại thì vĩnh viễn không có ứng.

Hôm qua chúng tôi đã nhờ được người đến tặng quà cho một cô bé bị bệnh ung thư xương sắp chết ở Hà Giang nhưng vì cô có một đứa con nhỏ nên cố gắng sống qua ngày. Nếu mình khởi niệm muốn mang lại lợi ích cho chúng sanh thì sẽ có người vì chúng ta mà làm giúp. Nếu chỉ ích kỷ, nghĩ cho riêng mình thì mình có bảo người ta, người ta cũng không làm giúp mình.

Hòa Thượng nói: “Tu hành có hiệu quả chính là ngay trước mắt sẽ đạt được thân thể khỏe mạnh, tinh thần sung mãn, thể lực tốt, phiền não ít, trí tuệ thêm lớn, luôn có niềm vui trong học tập”. Chúng ta ăn chay, tu hành niệm Phật mà thân vẫn nhiều bệnh, thiếu sức khỏe, không làm được gì thì đó là biểu hiện nghiệp chướng. Nếu thân nhiều bệnh nhưng không phát tác hay không đánh gục chúng ta mà chúng ta càng làm việc lại càng khỏe hơn thì chính là hiệu quả tu hành.

Chúng ta nhìn ngắm thân tướng của Hòa Thượng có thể thấy ngay sự chứng chuyển của Ngài. Cả đời Ngài không bệnh, thân thể khỏe mạnh, lúc nào cũng đầy niềm vui, thể hiện sự pháp hỷ sung mãn. Khi nào chúng ta đạt đến sự “vô tư vô cầu, vì người mà lo nghĩ” như Ngài thì sẽ có niềm vui bất tật. Xung quanh chúng ta có rất nhiều Bồ Tát, mình vì người phục vụ thì có rất nhiều người khác vì chúng ta mà giúp đỡ.

Bà Hứa Triết cả ngày chỉ lo cho người khác, bà nghĩ đến tiền để mua thuốc, tiền cho người nghèo hay mong muốn xây bệnh viện thì hôm sau có người mang tiền đến. Cho nên “có cầu tất có ứng”. Cầu để thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần” thì không đạt được mà phải là mong cầu để giúp ích chúng sanh.