Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 31/03/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 82
Hòa Thượng nói: “Tâm lượng của người hộ pháp phải rộng lớn, phải bao dung.” Từ “hộ pháp” không chỉ đơn giản là người học trò “hộ pháp” cho Thầy mà rộng hơn “hộ pháp” chính là hộ trì Phật pháp, thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền.
Hòa Thượng tiếp lời: “Chúng ta nhìn thấy người khác tốt hơn mình mà sinh tâm đố kỵ là sai rồi. Tâm phải tinh, tâm phải chuyên. Người tốt hơn chúng ta thì chúng ta tôn kính, học hỏi thậm chí cúng dường tới họ.” Hòa Thượng đưa ra lời giáo huấn này vì trong môi trường Hòa Thượng đang nói đều có rất nhiều người mong muốn được hộ pháp, được cúng dường nên cạnh tranh tạo ra sự bất hòa.
Hòa Thượng đang giảng pháp ở một phòng thu có đầy đủ thiết bị thì có người có nhiều tiền lại làm một phòng thu khác hiện đại hơn. Họ nghĩ rằng họ làm như thế thì sẽ có phước báu hơn. Thế nhưng, Hòa Thượng từng nói làm việc với tâm cạnh tranh thì có phước báu nhưng không phải hưởng ở cõi trời, người mà hưởng ở cõi súc sanh và ngã quỷ. Vừa rồi trên mạng có bán một con chó ngao với giá 99 tỷ đồng mà vẫn có người mua. Tất cả các ngôi trường của chúng ta cộng lại cũng chưa được một nửa số tiền đó. Đây là một chú chó có phước báu. Một con lạc đà cũng được người ta mua với giá 1 triệu USD.
Trong công việc, chúng ta không cạnh trạnh. Nếu ai đó có thể làm được việc nào đó thì chúng ta để họ làm còn mình tìm việc khác. Công tác phiên dịch của chúng tôi cũng vậy, chúng tôi thấy nhiều người phiên dịch tốt quá nên chúng tôi làm việc khác. Nếu thấy người ta làm tốt mà mình cũng làm để cạnh tranh thì sai rồi. Khi chúng tôi nghỉ công tác phiên dịch thì có hai người từng phiên dịch và lồng tiếng với chúng tôi cũng không theo đuổi công việc đó nữa, một người đi trồng chuối, một người làm thầy thuốc. Đó chính là bản lĩnh đáng khen.
Mười mấy năm qua chúng tôi tổ chức các buổi lễ tri ân Cha Mẹ và Vợ Chồng, nếu bây giờ có ai đứng ra làm thì chúng tôi sẽ để họ làm. Công tác hoằng dương giáo dục Thánh Hiền cũng thế chỉ cần có người làm tốt hơn là chúng tôi sẽ rút về, ngày ngày lễ Phật sám hối, niệm Phật giữ tâm thanh tịnh, không có tâm cạnh tranh. Đây chính là chúng ta tạo hoàn cảnh chứ không để hoàn cảnh dẫn dắt chi phối mình. Tạo ra được một hoàn cảnh mới là điều rất gian nan, nhưng chúng ta không sợ khổ sợ khó.
Cho nên chúng ta làm bất cứ việc gì lợi ích cho chúng sanh thì đó là “hộ pháp” nhưng việc đó đã có người làm tốt rồi thì để cho họ làm. Trong tâm hoàn toàn kính trọng, không có tâm đố kỵ.
Việc cúng dường Tam Bảo xây chùa đã có người khác làm nhưng việc xây trường thì không ai làm nên chúng ta làm. Mục đích là để dạy các con tại các tiết ngoại khóa biết chuẩn mực làm người, biết về Văn Hóa Truyền Thống, biết lễ tiết cúi chào hay biết tri ân Cha Mẹ trong ngày sinh nhật mình, hoàn toàn không có tâm mưu lợi hay mong muốn có nhiều học sinh để thu học phí. Đến nay, chúng ta đều phải bù lỗ ở các trường mình mở ra. Tuy vậy, chúng ta vẫn làm, vẫn đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất để làm lợi ích chúng sanh. Nếu ai đó đứng ra làm đúng theo yêu cầu của Hệ Thống thì chúng ta để cho họ làm. Chúng ta sẽ nỗ lực làm cho đến khi không còn làm được nữa thì đóng cửa nghỉ.
Hòa Thượng từng kể rằng Ngài nghe tin các Ma-sơ đi Châu Phi mở bệnh viện nên Hòa Thượng liền bảo mọi người chuyển tiền và tặng một chiếc xe cứu thương để giúp các Ma-sơ hoàn thành công việc. Có người hỏi Hòa Thượng tại sao Ngài mang tiền của Phật để giúp cho ngoại đạo? Đây là người có tâm phân biệt, chấp trước. Hòa Thượng trả lời rằng chúng ta làm công việc cứu giúp chúng sanh. Nay có người đi Châu Phi mà chúng ta không đi đến đó được thì chúng ta giúp để họ làm. Đây chính là giúp người để người đi cứu chúng sanh khổ nạn.