135Thứ Sáu, 29/03/2024, 12:55
80 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 80

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 29/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 80

Bài hôm qua, Hòa Thượng dạy chúng ta: “Người tu hành phải tự bảo hộ tâm thanh tịnh, phải biết xa lánh chốn phồn hoa phức tạp”. Những nơi khiến chúng ta dễ dẫn khởi tập khí, phiền não thì chúng ta phải xa lánh. Thí dụ, khi chúng ta vào siêu thị, cho dù ở nhà chúng ta đã có đủ mọi thứ nhưng chúng ta vẫn muốn mua thêm, những mặt hàng được khuyến mãi, được tặng quà sẽ khiến chúng ta động tâm. Nếu chúng ta nhất định muốn mua một thứ nào đó thì chúng ta có thể sẽ ôm vọng niệm đó trong nhiều tháng, nhiều năm.

Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Chúng ta đừng sợ không có phước báu, chúng ta chân thật thật làm thì chúng ta sẽ có đầy đủ phước, huệ”. Chúng ta muốn người khác làm việc nào đó thì chúng ta phải thật làm. Thí dụ, chúng ta muốn bảo một đứa trẻ lạy Phật thì chúng ta phải lạy Phật một cách miên mật. Chúng ta phải thật làm mọi sự, mọi việc. Chúng ta bảo người khác làm mà họ không làm thì chúng ta làm và làm cả phần việc của họ. Chúng ta thật làm thì chúng ta mới thật có kết quả. Đây là kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Chúng ta làm như vậy thì chúng ta mới có thể nhanh chuyển được người. Chúng ta khuyên người bố thí mà họ không làm thì chúng ta làm luôn cả phần của họ. Chúng ta khuyên người lạy Phật mà họ không làm thì chúng ta làm luôn phần của họ. Chúng ta bắt đầu làm với những người thân trong gia đình.

Hòa Thượng nói: “Trong quá trình giảng dạy, làm Phật sự mấy mươi năm, tôi luôn tâm tưởng sự thành, chưa hề có chướng ngại!”. Ngài được “vạn sư như ý” vì những điều Ngài mong muốn đều là mong muốn cho người khác. Chúng ta vì mình mong muốn thì chúng ta có chướng ngại. Chúng ta mong muốn mọi người được tốt đẹp thì chúng ta sẽ “vạn sự như ý”. Hòa Thượng đi đến đâu thì Ngài đem tài vật, những điều tốt lành đến nơi đó nên Ngài luôn được hoan nghênh, chào đón. Hòa Thượng nói: “Đi đến đâu tôi cũng chỉ cần pháp toà”. “Pháp tòa” là nơi có thể giảng dạy Phật pháp. Ngài chỉ cần nơi để giảng pháp và để lại tất cả danh lợi cho người.

Chúng ta tổ chức thành công lễ hội tri ân, có hơn 3500 người trong hội trường, chúng ta làm được như vậy vì chúng ta muốn mọi người có chỗ ngồi tốt nhất, đẹp nhất. Chúng ta quán sát, chúng ta đang mong nuốn cho người hay chúng ta mong muốn cho mình? Hòa Thượng nói: “Người có trí tuệ thì họ sẽ toàn tâm toàn lực lo nghĩ cho người”. Chúng ta lo nghĩ cho người thì cũng có chúng ta trong đó. Người dại khờ, không có trí tuệ mới lo nghĩ cho mình. Chúng ta nghĩ cho mình thì chúng ta càng nghĩ càng khó, chúng ta nghĩ cho người thì chúng ta càng nghĩ càng thông.

Hòa Thượng nói: “Có bốn cảnh giới là tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên, tuỳ duyên tuỳ biến, bất biến bất tùy duyên. Làm được cảnh giới “tuỳ duyên bất biến” thì đó chính là Bồ Tát. Trong mọi hoàn cảnh Bồ Tát có thể tuỳ duyên, tâm thanh tịnh của các Ngài luôn bất biến”. Không có hoàn cảnh nào có thể phá vỡ được tâm thanh tịnh của các Ngài. Người xưa nói: “Bồ Tát ở chợ thì chợ là đạo tràng”. Bồ Tát đến bất cứ nơi nào thì nơi đó đều là đạo tràng. Hằng ngày, khi chúng ta tiếp xúc hoàn cảnh, chúng ta “bất biến” hay chúng ta bị hoàn cảnh lôi kéo, chiêu dụ? Ngày nay, sự cám dỗ của hoàn cảnh đối với con người ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải đuổi cùng, diệt tận tập khí của chính mình”. Chúng ta không để tập khí manh nha thì chúng ta mới không bị chúng sai sử. Chúng ta phải nói không với tiền tài, danh vọng. Chúng ta chỉ xa lánh tiền tài lớn, chúng ta tuỳ tiện đối với tiền tài nhỏ thì chúng ta sẽ dần phạm phải sai lầm, đây là kẽ hở nghiêm trọng của chúng ta. Chúng ta phải có khí khái như người quân tử. Người xưa nói: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thụ”. Người không có đạo lý thì chúng ta không kết giao, đồ không phải của chúng ta thì chúng ta không hưởng. Chúng ta có tâm cảnh này thì chúng ta mới có thể đạt được trạng thái vô cầu.

Hòa Thượng không có tâm mong cầu, Ngài tuyệt đối không có quyền sở hữu nhưng Ngài có quyền sử dụng ở rất nhiều nơi, mọi người luôn mong muốn Ngài đến nơi của họ. Ở Singapore, ở Úc mọi người thiết lập phòng ghi hình đẳng cấp truyền hình để Ngài đến đó hoằng pháp. Chúng ta không có tâm mong cầu không có nghĩa là chúng ta sẽ không có những thứ cần thiết để lợi ích chúng sanh. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn một ngụm nước đều do tiền định. Chúng ta cần những thứ gì cần cho việc lợi ích chúng sanh thì chúng ta tự nhiên sẽ có những thứ đó. Mọi sự gần như đã có sự an bài. Phật Bồ Tát hiểu được điều này nên các Ngài không cần khởi tâm động niệm, ở trong mọi hoàn cảnh, tâm thanh tịnh của các Ngài luôn bất biến.