Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 10/03/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 61
Hòa Thượng chỉ dạy rằng khi chúng ta hoằng dương Phật pháp, thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền thì ngoài giảng Kinh nói pháp, ngoài các việc lợi ích Phật pháp, lợi ích chúng sanh ra, chúng ta không dính mắc đến nó, mà chỉ một câu “A Di Đà Phật” lão thật, thành thật niệm đến cùng thì “chúng ta sẽ không có một lời nói thừa”.
Thực tế cho thấy, khi chúng ta làm các công việc phát dương Phật pháp hay thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền sẽ giúp chúng ta ít bị xen tạp hơn là khi chúng ta rảnh rỗi. Lúc rảnh rỗi, chúng ta có rất nhiều lời nói thừa. Đáng chú ý là chỉ cần chúng ta gặp một người có tâm đầu ý hợp là chúng ta sẽ dễ dàng nói lời thừa, nói lời tự đắc, khoe khoang. Cũng phải cẩn trọng khi rảnh rỗi, chúng ta rà soát thành quả công việc, chúng ta cảm thấy mình làm được nhiều việc cho chúng sanh nên khởi tâm tự tôn, tự đại thì tất cả lời thừa, tự tôn tự đại, khoe khoang chính là xen tạp, là nhiễu loạn tâm thanh tịnh của chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Hạng thấp nhất của học Phật là phải có thể tự cầu đa phước, nhất định phải có trí tuệ phân biệt được phải quấy, tốt xấu, thiện ác, tà chánh”. Chúng ta hiện tại đang bị lẫn lộn giữa tà với chánh, thiện với ác, phải với quấy, tốt và xấu. Có những việc hôm nay, ngày mai, tháng sau chúng ta vẫn không thấy sai mà phải đến năm sau mới nhận ra. Vậy thì còn cứu vãn được không?
Giống như chúng ta lúc xưa không làm những việc cần làm thì sau này mới hối hận thốt ra lời rằng: “Giá mà ngày xưa mình làm việc này thì tốt biết mấy”. Thầy Thái Lễ Húc cũng từng nói lúc nhỏ ham chơi không chịu học, đến lúc phải gánh vác nhiều việc thì lại không đủ năng lực. Cho nên, để giải quyết vấn đề này, người xưa có câu “Sống đến già, học đến già, học không hết”. Chúng ta phải không ngừng học tập, không ngừng hoàn thiện bản thân vì việc này không cản trở sự tu hành của mình. Lúc nào học tập thì chuyên tâm học tập, học xong rồi thì niệm Phật. Không dành thời gian để nói những lời thừa hay bàn bạc nhiều việc cũng là lời thừa. Tổ Ấn Quang dạy chúng ta “Nhàn tà tồn thành” tức là lúc rảnh rỗi giữ tâm thanh tịnh nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
Hòa Thượng nói: “Cho dù đã phát tâm tu hành độ chúng sanh nhưng tâm phát ra không thật, không thuần, không chuyên, không tinh, vậy thì tu hành vẫn là không thể có lực”. Làm sao chúng ta có thể biết mình phát tâm có “chân thuần chuyên tinh” – chân thật, thuần chánh, chuyên nhất không tạp và tinh hay không?
Vì không “chân thuần chuyên tinh” nên tu hành không có lực, phiền não vọng tưởng vẫn đầy rẫy. Đó chính là lý do vì sao tu học nơi nhà Phật là nơi an vui, giải thoát nhưng chúng ta dù tu đã lâu lắm rồi mà vẫn không thấy an vui, luôn sống trong phiền não, lo toan, bận rộn. Sư ông Tịnh Thuận là Thầy dạy chữ Hán cho tôi, là người thời ngày nay, Ngài mới viên tịch cách đây 4-5 năm trước đã từng nói: “Đừng có tu quanh tu quẹo, đừng có tu lợi tu danh, đừng có tu dục tu tình, đừng có tu gian dối”. Câu nói này lột tả hết tâm cảnh người tu hành chúng ta.
Hòa Thượng dạy: “Ngay đời này việc quan trọng nhất của chúng ta là liễu thoát sanh tử thoát khỏi luân hồi. Chỉ có pháp môn Tịnh Độ mới có thể giúp chúng ta một đời này cứu cánh giải thoát, thế nhưng cần phải chuẩn bị đầy đủ đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên thì mới có thể chân thật tin tưởng pháp môn này mà y giáo phụng hành.”
Có những người ban đầu họ rất tin tưởng nhưng chỉ tin một thời gian rồi sau đó bỏ niệm Phật. Chúng ta cũng thấy thời gian trước đạo tràng niệm Phật mọc lên như nấm rồi cũng tàn lụi như nấm. Nấm để quá một đến hai ngày không thu hoạch thì đều bị hỏng, bị thối. Một thời gian người ta cũng kéo nhau rầm rầm đi tu “bất niệm tự niệm” để mong chờ trong vòng bảy ngày sẽ đạt nhất tâm bất loạn. Người từng đề xướng chuyện “bất niệm tự niệm” bây giờ cũng không tu. Vậy những người đã từng niệm Phật, đã từng đi theo và làm như vậy thì hãy xem lại chính mình có chân thật tin Tịnh Độ chưa.
Hòa Thượng nói: “Ba điều kiện này nhất định không thể thiếu điều nào: Thiện căn, phước đức, nhân duyên. Cho nên ngày nay chúng ta có thể nghe Kinh nghe pháp, có thể hiểu, thâm nhập sâu vào pháp môn Tịnh Độ, đoạn trừ được tất cả nghi hoặc thì đây là một nhân duyên vô cùng khó được.