Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 02/03/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 53
Bài học hôm qua, Hòa Thượng dạy, chúng ta phải ở trong hoàn cảnh nhân sự để mài dũa tập khí của mình. Nếu chúng ta không ở trong hoàn cảnh nhân sự thì chúng ta không thể mài giũa, bào mòn hết những tập khí của mình. Trước đây khi tôi nghe Hòa Thượng nói: “Việc tốt lắm dày vò”, tôi chưa hiểu một cách rõ ràng nhưng dần dần, tôi mới cảm nhận được lời Hòa Thượng là đúng. Phần lớn người ngày nay đều là “tự tư tự lợi” nên chúng ta làm việc tốt thì nhiều người cũng không ủng hộ.
Chúng ta gặp thuận cảnh không sinh tâm tham luyến, gặp nghịch cảnh không sinh tâm chán bỏ. Hoàn cảnh thuận nghịch đều là tăng thượng duyên, là nhân duyên tốt để chúng ta rèn luyện tâm. Người xưa nói, người nam “Chí ở bốn phương trời”. Nghĩa là, chúng ta đến bất cứ nơi nào, chúng ta đều phải làm được việc. Chúng ta muốn làm được mọi việc thì chúng ta phải trải sự, luyện tâm.
Trong hoàn cảnh nhân sự mà chúng ta biết dụng tâm thì chúng ta có thành tựu Giới – Định – Tuệ. Có người cho rằng, họ ở trong mật thất thì họ sẽ dễ dàng thành tựu Giới – Định – Tuệ nhưng nếu họ chỉ ở trong mật thất, họ chưa bị hoàn cảnh giày xéo thì thành tựu đó đều là giả. Chúng ta ở trong mật thất, không có ai làm phiền, chúng ta tưởng tâm chúng ta đã an định nhưng khi chúng ta gặp một việc nhỏ thì chúng ta cũng sẽ khởi phiền não. Nếu chúng ta thật có định thì thuận cảnh chúng ta không sinh tâm tham luyến, nghịch cảnh chúng ta không sinh tâm chán bỏ. Chúng ta gặp chướng ngại mà chúng ta giữ được tâm thì chúng ta mới có thể thành tựu Giới – Định – Tuệ. Chúng ta chưa từng trải sự luyện tâm thì chúng ta chưa biết tâm mình đang như thế nào. Chúng ta phải ở trong môi trường nhân sự để trải sự luyện tâm.
Có người cho rằng, chúng ta đang làm những việc xen tạp, nếu họ rời khỏi đạo tràng, rời khỏi mật thất để làm những điều như lời Hòa Thượng dạy là: “Việc tốt cần làm, nên làm không công, không đức”, làm mà không có thù lao, tự bỏ chi phí ra để làm thì họ có thể làm được không?
Hòa Thượng dạy chúng ta, dù là người xuất gia hay tại gia thì nền tảng căn bản của căn bản là “hiếu thân tôn sư”. Hiếu dưỡng đối với tất cả chúng sanh, phục vụ tất cả chúng sanh. Chúng ta phải mở rộng được tâm từ bi, yêu thương hay đồng cảm với nỗi khổ, nhu cầu của chúng sanh. Thí dụ, chúng ta tổ chức các lớp “Kỹ năng sống” vì nếu hàng trăm đứa trẻ trong một làng mà không có sân chơi bổ ích thì chắc chắn chúng sẽ trở thành phá gia tri tử, cả ngày chúng chỉ cầm điện thoại.
Hôm trước, tôi đi ngang qua một cánh đồng rộng lớn, tôi nhìn thấy một cô bé người dân tộc khoảng mười tuổi, một tay đứa bé cầm roi đuổi bò, một tay thì cầm điện thoại thông minh. Ngày trước, trẻ đi chăn trâu có thú tiêu dao nhưng ngày nay, trẻ em sống trong khu rừng núi cũng dính chặt vào smart phone. Internet, điện thoại thông minh làm trẻ em mất đi sự hồn nhiên, chúng không còn thuần tịnh, thuần thiện như trẻ em ngày xưa. Những đứa trẻ đó cầm xem thế giới muôn màu trên điện thoại, chúng chắc chắn sẽ không xem chuẩn mực thánh hiền, những tấm gương đức hạnh.
“Hiếu thân tôn sư” là chúng ta hiếu kính với tất cả chúng sanh. Trong nhà Phật nói: “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Chúng ta làm những việc lợi ích chúng sanh chính là chúng ta cúng dường chư Phật. Từ lâu tôi không còn thấy mọi người nhắc đến câu này, đáng lẽ nơi nơi chốn chốn đều nên ghi câu này. Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế gian 8000 lần là để phục vụ, tiếp độ chúng sanh. Chư Phật Bồ Tát đến thế gian phục vụ chúng sanh, chúng ta lại đi tìm Phật Bồ Tát để phục vụ, chúng ta chỉ muốn cúng dường Phật Bồ Tát, không phục vụ chúng sanh.
Nếu chúng ta không được nghe lời Hòa Thượng giảng, chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở hiếu dưỡng với Cha Mẹ mình, nghe lời Thầy của mình. “Sư trưởng” không phải là riêng Thầy giáo của chúng ta mà là giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền, của người xưa. Chúng ta phải “y giáo phụng hành” theo giáo huấn của Phật, của Cổ Thánh Tiên Hiền, của những bậc đức hạnh.. Những điều đạt đến chuẩn mực thì đều được gọi là Thầy. Trên “Kinh Hoa Nghiệm”, Phật dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để làm Thầy người, làm để làm ra mô phạm cho người. Có người nói với tôi, Thầy của họ rất đẹp trai, Thầy nổi tiếng, tài giỏi những điều này không liên quan đến sự giải thoát.