157Thứ Ba, 20/02/2024, 18:58
42 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 42

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 20/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 42

Người hoằng pháp hãy để cả đời mình cho Phật và Bồ Tát an bài, mọi sự khen chê không để tâm đến, luôn dựa vào lịch sử để thông hiểu thế gian và xuất thế gian pháp. Nếu bản thân chưa đủ đức hạnh và học vấn thì không nên tự ti, cứ nỗ lực khiêm hạ “vì chúng sanh mà lo nghĩ”, luôn học người xưa “vì pháp quyên mình” thì sẽ được Tam bảo gia trì. Ngược lại, “Tham Sân Si Mạn” sẽ cảm ứng với Ma.

Hòa Thượng sách tấn: “Chúng ta chân thật phát tâm Bồ Đề tự hành hóa tha (tự mình tu và giúp hóa độ người) làm công việc hoằng pháp lợi sanh. Cả đời đều để Phật và Bồ Tát an bài. Người khác đối với mình có đem tâm phỉ báng hay tán thán cũng không cần thiết phải để trong tâm”. Việc Phật, Bồ Tát có thể an bài là điều khiến phần nhiều chúng sinh nửa tin nửa ngờ.

Bản thân chúng tôi, từ lâu, đã không cần cầu phải đi tìm người mà chỉ cần cầu ở tâm mình. Luôn quán sát mình đã chân thật phát tâm làm một cách vô tư vô cầu chưa? Nếu đã chân thật thì Phật, Bồ Tát sẽ an bài. Điều này chúng tôi được biết trong những ngày tháng đầu tiên dịch những đĩa giảng của Hòa Thượng. Ngài đã nói điều này trong bộ đĩa “Phật Pháp Vấn Đáp”. Lúc ấy chúng tôi nửa tin nửa ngờ chứ không có được niềm tin như hiện nay. Tuy nhiên, căn khí chúng sanh nặng nề khiến hiện giờ chúng tôi cũng chưa tin đến 100%. Nếu có thể tin được 100% thì chính mình sẽ tốt hơn và chúng sanh được lợi ích hơn nữa.

Hòa Thượng khuyên chúng ta chỉ cần cứ an tâm y theo lời dạy của Phật và Thánh Hiền mà làm và cho dù có bị hủy báng hay tán thán cũng không để tâm. Quả thật, hủy báng hay tán thán là hai nội dung luôn khiến chúng ta động tâm. Nghịch cảnh thì chúng ta dễ nhận ra còn thuận cảnh tức là suốt ngày được nghe khen ngợi thì đáng sợ hơn vì chúng ta khó lòng phản tỉnh mà luôn lơ là thất ý. Hòa Thượng tiếp lời: “Nếu bị hủy báng mà không buồn, được tán thán mà không vui thì thân tâm mới được thanh tịnh tự tại”.

Có thế nói, chúng ta học đến thời điểm hiện nay đã có sự tiến bộ rất nhiều, đặc biệt tiến bộ trong việc nhận ra những sai lầm của mình. Gần 2000 buổi học qua, Hòa Thượng đều chỉ ra tâm bệnh của chúng ta, cho nên cứ đến mỗi buổi học, chúng ta cảm thấy như Ngài đang nói chính chúng ta. Có rất nhiều người đã bỏ lớp học này vì ngày nào lên học, họ cũng có cảm giác như đang bị mắng, ý họ muốn: “Học Phật phải vui chứ học mà ngày nào cũng như bị mắng.” Chúng ta hãy quán sát xem có ai rảnh mà ngày nào cũng đi soi lỗi người khác không? Nếu suy nghĩ như vậy thì người khổ nhất chắc chính là chúng tôi. Người có tập khí phiền não còn sâu dày nên mới có cảm nhận như mình đang bị luận tội. Còn nếu không có cảm giác bị luận tội nghĩa là cảnh giới đã bắt đầu nâng cao lên một chút nhưng không nên chủ quan vì sẽ có ngày ngã đau.

Hòa Thượng dạy: “Lịch sử là tấm gương để soi chiếu. Chúng ta học lịch sử không phải là để nghiên cứu học thuật mà là phải thấy được nguyên nhân sự hưng thịnh hay diệt vong của các triều đại.

Chúng ta phải thể hội được sự thay đổi biến hóa của thiện ác, nhân duyên quả báo, nhân tình xử lý. Chúng ta phải thông hiểu thế gian và xuất thế gian pháp thì mới có thể hoằng dương Phật pháp. Nếu không bạn sẽ làm ra những việc hủy báng chánh pháp, phá hoại Tam Bảo mà chính mình còn không hề hay biết.

Trong suốt thời gian 2 năm, chúng ta đã học lịch sử nước nhà từ thuở khai thiên lập quốc đến ngày nay. Thông qua các tấm gương làm vẻ vang nước nhà, chúng ta soi chiếu xem mình đã làm được gì trên vai trò của một người tiếp nối lịch sử? Bác Hồ nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hiểu biết lịch sử sẽ truyền cho chúng ta niềm tự hào và từ nơi lịch sử soi rọi quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đối với Phật pháp, Hòa Thượng chỉ dạy, khi nhìn vào lịch sử, chúng ta sẽ biết sự biến hóa thay đổi của thiện ác nhân quả, nhân duyên quả báo, nhân tình xử lý để từ đó phản tỉnh chính mình biết cách làm thế nào cho phù hợp. Lịch sử giúp chúng ta thông hiểu hơn việc thế gian và xuất thế gian, nhờ đó chúng ta mới làm lợi ích chân thật cho chúng sanh, mới phát dương quang đại Phật pháp và phát huy rực rỡ chuẩn mực Thánh Hiền.