Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 18/02/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 40
Hòa Thượng chỉ dạy: “Bồ Tát nghĩ đến cái khổ của chúng sanh nên phải phổ độ chúng sanh. Chúng sanh khổ vì từ mê còn vui vì từ giác ngộ. Trong công tác giáo dục Phật Đà, giáo dục Thánh Hiền, muốn giúp chúng sanh lìa khổ được vui, chúng ta cần phải giúp họ phá mê khai ngộ. Muốn giúp người khác phá mê khai ngộ thì chính mình phải giác ngộ trước. Nếu chính mình không giác ngộ thì không cách gì giúp chúng sanh có được lợi ích chân thật.”
Vì muốn chúng sanh có được lợi ích chân thật, giúp nhiều người phá mê khai ngộ nên trong quãng đời bôn ba khắp thế giới của mình, Hòa Thượng luôn trăn trở đến việc đào tạo nhân tài hoằng pháp vì số lượng người gánh vác trách nhiệm này rất hạn chế. Ngài từng ngỏ ý với Thầy Lý Bỉnh Nam đào tạo thêm người để cùng đồng hành với Ngài nhưng ý của Thầy Lý là không có người.
Theo Hòa Thượng, “Người chân thật phát tâm hoằng pháp thì trước tiên phải có nền tảng tu học vững chắc”. Người hoằng pháp là người làm công tác giảng dạy, nhất định không cần có vọng tâm hôm nay nghiên cứu cách này, ngày mai nghiên cứu cách khác mà bỏ đi nền tảng. Bởi như thế chính là xem thường nền tảng tu học, là vọng tưởng, là sai lầm. Nền tảng là móng thì không thể thay đổi được. Móng càng chắc thì nhà càng kiên cố dài lâu, móng tạm bợ thì nhà sớm bị sụp đổ.
Hòa Thượng từng chỉ dạy nền tảng tu học chính là: “Một bộ Kinh điển để học, một pháp để tu, một người Thầy dẫn dắt, một câu A Di Đà Phật để niệm đến cùng, một hướng Tây Phương để đi”. Nền tảng cần phải cắm cho sâu còn những thứ khác chỉ là tham khảo. Ngài cũng đưa ra yêu cầu đối với người giảng pháp là phải nắm vững bẩy khóa trình tu học và thực hành năm khoa mục.
Ngài nói: “Chúng ta cần phải nắm vững, học cho thuộc lòng bẩy khóa trình trong Tịnh Độ gồm Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà yếu giải, Phổ Hiền Hạnh Nguyện, A Nan vấn Phật Kiết Hung Kinh, Tứ Thư, Liễu Phàm Tứ Huấn và Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Tất cả những giảng giải của chúng ta không nằm ngoài bẩy bộ sách này.”
Hòa Thượng yêu cầu là “cần phải học cho thuộc lòng”. Đây là yêu cầu rất nghiêm khắc giúp người phát tâm hoằng pháp nâng cao sự giác ngộ của mình. Nếu không học tập thì người giảng pháp không thể trích lời Phật và Thánh Hiền làm cơ sở cho bài giảng của mình. Nếu nói theo vọng tưởng của cá nhân thì sẽ dẫn dắt chúng sanh đi sai lầm. Do đó, người chân thật phát tâm hoằng pháp sẽ nỗ lực nâng cao học tập và tu dưỡng chứ không phải chỉ ngồi thuyết giảng.
Hiểu câu nói này của Hòa Thượng, chúng ta biết rằng không chỉ người phát tâm hoằng pháp mà người làm công tác giảng dạy hay làm quản lý đều phải nâng cao phẩm đức và học dưỡng của mình. Nhận thức về điều này, thay vì như mười năm trước, chúng tôi đi khắp nơi kể cả ra ngoài đảo xa để chia sẻ Phật pháp thì hiện tại, càng lúc chúng tôi càng cảm nhận cần phải làm mới mình bằng cách chuyên tâm học tập với Hòa Thượng.
Phẩm đức của người hoằng pháp thể hiện thông qua việc thực hành giới và thực tiễn năm khoa mục. Hòa Thượng tiếp lời: “Ngoài ra, người hoằng pháp còn coi năm khoa mục gồm Tam phước, Lục hòa, Tam Học, Lục Độ và 10 đại nguyện vương giống như cái kèo của nóc nhà và họ còn phải lấy giới luật để bổ sung. Đối với người xuất gia là Sa Di Luật Nghi và bộ sách Ngũ Chủng Di Quy”.
Chúng ta thấy yêu cầu của người hoằng pháp cao như vậy là để chúng sanh được lợi ích thiết thực. Đây chính là tâm từ bi. Đồng thời, yêu cầu được đưa ra cũng để phản tỉnh những người không học tập nhưng đi đến đâu cũng chỉ biết thuyết như máy.
Hòa Thượng nói: “Cho dù đức hạnh của chúng ta hiện tại đã đủ rồi nhưng chúng ta lại học quá nhiều, quá tạp thì rất khó đạt đến lợi ích chân thật. Trong các phương diện tri thức Phật học, chúng ta có thể lựa chọn ra chính khóa”. Ngài đang giảng cho người xuất gia nhưng với chúng ta là người tại gia cũng có thể hiểu được yêu cầu đối với người gánh vác sứ mạng hoằng pháp là không thể xem thường, là rất nghiêm túc.