Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 05/02/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 27
Hòa Thượng nói: “Việc tốt như làm băng đĩa và in ấn kinh điển sách thiện để lưu thông thì ai cũng biết và rất nhiều người đang làm thế nhưng tiếp nối Văn Hóa Truyền Thống, làm công tác cấp cứu từ căn bản này lại rất ít người biết.”
Câu nói này của Hòa Thượng cách đây đã 50 năm. Ngài dùng từ cấp cứu vì xã hội đang dần dần xem thường chuẩn mực đạo đức, nhan nhản những việc giết hại trong gia đình, đánh mắng Thầy Cô, là những việc làm mà dân tộc và “Văn Hóa Truyền Thống” không thể chấp nhận được, đi ngược lại giáo học ngàn xưa là “Tiên học lễ hậu học văn”.
Trong bối cảnh xã hội đang dần quên đi các giá trị của “Văn Hóa Truyền Thống” thì Hòa Thượng nhắc nhở rằng “Chúng ta phải chăm chỉ mà đi làm. Làm công việc này, con người cần có một tầm nhìn rất xa.”
Ngài nói: “Phật pháp nhất định phải dùng văn hóa vốn có làm nền tảng thì mới xây dựng được nền móng bởi vì văn hóa là căn bản của căn bản. Công tác phục hưng Văn Hóa Truyền Thống là việc làm vô cùng quan trọng nhưng nhiều người nhìn không thấy.”
Ý Ngài nói rằng Phật pháp đi đến quốc gia dân tộc nào cũng phải lấy “Văn Hóa Truyền Thống” của quốc gia dân tộc đó làm nền tảng và vì không nhận ra điều này nên “Văn Hóa Truyền Thống” mới bị mai một dần. Chúng tôi khi nhỏ cứ đến Tết là tập trung về nhà Ông nội, không cần Cha Mẹ phải nhắc. Sau khi lễ Ông Bà tổ tiên là chúng tôi cùng quỳ xuống để nói những câu chúc hay nhất mừng tuổi Ông Bà. Nhưng khi Ông nội mất thì truyền thống đó không còn vì Cha Mẹ không đề xướng. Nếu đề xướng thì khi Ông nội mất vẫn còn có bác cả hoặc các trưởng lão trong dòng họ, vẫn có thể thực hành được như câu người xưa dạy: “Kính lão đắc thọ.”
Cho nên theo Hòa Thượng, để làm được công tác khơi dậy tiếp nối “Văn Hóa Truyền Thống” thì phải có tầm nhìn. Việc này không hề dễ dàng vì con người trong xã hội chỉ nghĩ làm sao thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”, làm sao để được giàu hơn anh mình hay em mình, cứ thế mà cạnh tranh nhau trong tâm ngạo mạn, bất kính. Đó là xã hội. Họ mới chỉ nghĩ là mình giàu, mình nhiều tiền chứ chưa có tâm lo lắng giúp ích cho người khác, cho Ông Bà, Cha Mẹ. Có tiền chỉ để khoe khang. Bản thân chúng tôi không như vậy, hôm nay, chúng tôi đã chuẩn bị 100 suất quà để phát cho người dân ở quê hương, nhưng chúng tôi không có mặt và người nhận quà cũng không biết ai đang tặng.
“Tài Sắc Danh Thực Thùy” là căn gốc địa ngục nhưng nếu chúng ta không nhiễm mà biết sử dụng đồng tiền lợi ích chúng sanh, dùng tiền để tiếp nối “Văn Hóa Truyền Thống”, giáo dục Thánh Hiền lại là điều tốt. Giàu để thỏa mãn thị hiếu tham vọng của mình mới đưa mình vào địa ngục. Nếu có tiền mà giúp ích chúng sanh thì rất nên giàu.
Hòa Thượng thường nhắc đến thần tài Phạm Nặc trước đây từng phò tá cho nhà vua, sau khi thành công rồi thì biết vị vua này chỉ có thể đồng hành khi hoạn nạn nên ông khuyên người bạn cùng là tướng bỏ trốn. Người bạn không nghe nên sau đó thì được vua ban cho độc dược để tự chết. Ông Phạm Nặc trước đó đã đưa vợ con bỏ đi nơi khác và đổi tên. Ông làm ăn giàu có ba lần thì cả ba lần đều bố thí hết nên mới nói “Tam tụ tài, tam tán tài”.
Cho nên thờ thần tài là học tấm gương bố thí của Phạm Nặc chứ không phải là thờ Thần Tài để Thần ban tiền đến nhà, rồi không thấy tiền đâu thì liệng cả Thần Tài xuống hồ. Tiền tài không xấu mà thiện ác ở chỗ người dùng tiền. Dùng tiền để thỏa tham dục cá nhân là sai, còn để lợi ích cộng đồng xã hội thì đúng. Vào dịp Tết rất nhiều người cần, mình nên tích cực giúp người.
Hòa Thượng nói “Người làm công tác phục hưng “Văn Hóa Truyền Thống” là người có tầm nhìn rất xa. Người đó phải có thể xả bỏ đi danh vọng lợi dưỡng, làm một cách thầm lặng. Việc làm này đích thực chân thật là một việc làm vĩ đại, cự phách không gì sánh bằng.”