Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 02/02/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 24
Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta dùng tâm Từ Bi hay tâm “vô duyên đại từ”, hi vọng chúng ta làm đến được yêu thương chúng sanh vô điều kiện, tận tâm tận lực giúp họ thành Phật.”
Tâm Từ Bi là tâm thanh tịnh, bình đẳng, chính là tâm “Vô duyên Đại Từ”. Trong tâm “Vô duyên Đại Từ” chứa đựng sự thanh tịnh, bình đẳng. Tâm “Vô duyên Đại Từ” là tâm Từ Bi không vì một duyên cớ nào hoặc vì tiền hay danh lợi mà khởi lên, hoàn toàn chỉ làm sao giúp ích chúng sanh.
Lời dạy của Hòa Thượng muốn cho chúng ta hiểu rằng không chỉ giúp người thoát nghèo, xây dựng một đời sống hạnh phúc là đủ, là đã lớn lao. Những việc làm lợi ích chúng sanh chỉ là phương tiện giúp chúng sanh dần đến thành Phật. Một khi chúng sanh thành Phật thì họ mới hoàn toàn không còn khổ đau. Giúp chúng sanh thành Phật mới là Đại Từ Đại Bi.
Thế gian có câu: “không cho con cá mà cho cần câu” nghĩa là giúp người giải quyết đói nghèo triệt để. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa phải tâm Phật mà giúp chúng sanh vĩnh viễn không còn khổ đau, ràng buộc bởi kiếp con người mới đúng là tâm Đại Từ Đại Bi. Đi làm từ thiện, phát vài trăm phần quà không phải là Đại Từ Đại Bi. Đó chỉ là việc tủn mủn. Đại Từ Đại Bi là vô điều kiện thương yêu giúp đỡ chúng sanh thẳng đến thành Phật.
Việc giúp ích xã hội cộng đồng là việc quá tốt nhưng chưa phải Đại Từ Đại Bi. Hãy vô điều kiện giúp ích chúng sanh khiến chúng sanh ngưỡng mộ rồi nỗ lực hướng đến chúng ta mà học tập và làm theo lời dạy và chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền. Có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng đạt đến được “tác sư tác phạm” tức là trở thành tấm gương tốt cho đại chúng thì mới xứng đáng thân là đệ tử của Phật.
Dĩ nhiên, giúp ích chúng sanh phải bắt đầu từ việc giải quyết nỗi khổ hiện tại như cơm áo gạo tiền, các việc gia đình. Nhưng nếu chỉ dừng lại như vậy thì chưa đủ, chỉ là phương tiện nhất thời, mà còn cần phải giúp họ vượt thoát khỏi khổ đau của kiếp con người. Trong quá trình đó không thể cảm tình dụng sự. Có nhiều người khi làm các việc phương tiện thì cứ tự cho mình là tốt, thế nhưng thực tế thì chưa đủ, vẫn còn cách xa so với tiêu chuẩn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền.
Cho nên Hòa Thượng nói chúng ta làm tất cả mọi việc lợi ích chúng sanh, nhưng quan trọng phải đem pháp môn niệm Phật giới thiệu cho họ: “Chỉ có pháp môn niệm Phật là phương tiện tối thắng, mau chóng ổn định. Người chân thật phát tâm tu học, trên từ Đẳng Giác Bồ Tát và bên dưới đến chúng sanh địa ngục, ở ngay trong một đời đều có thể viên mãn thành tựu.
“Cho nên chúng ta phải tận tâm tận lực mà hoằng dương để giúp chúng sanh lý giải tu học pháp môn này. Đây chính là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm Đại Từ Bi”. Từ đây, chúng ta biết những việc chúng ta đang làm chưa phải là Đại Từ Bi. Người chưa ngoan hiền, chưa hiếu kính thì chúng ta giúp họ ngoan hiền, hiếu kính. Đó vẫn chưa phải là bậc nhất. Hòa Thượng nói giúp chúng sanh không còn lây dây mãi nỗi khổ kiếp người thì đó mới là Đại Từ Bi.
Thực tế, có người hiểu sai hoặc hiểu chưa tới. Họ tưởng rằng chỉ cần làm các công tác từ thiện xã hội như đói thì biếu cơm, lạnh thì biếu áo ấm. Thực ra việc làm đó chưa đầy đủ theo cách của nhà Phật. Hòa Thượng chỉ dạy là phải vô điều kiện tận tâm tận lực giúp ích chúng sanh, đặc biệt giới thiệu pháp môn niệm Phật cho họ.
Nhiều lần về Tổ Đình Phước Hậu, chúng tôi đều thỉnh mời Thầy trụ trì giảng pháp cho chúng ta, chủ đề khi thì về việc vãng sanh của các quý Thầy hay thân mẫu của cố Hòa Thượng trụ trì Tổ đình trước đây, khi thì về niềm tin Tịnh Độ để khẳng định pháp môn Tịnh Độ không ngụy tạo mà được Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng nhắc đến 200 lần trên các bộ Kinh. Hằng ngày nếu chúng ta không niệm Phật thì chúng ta sẽ niệm tiền, niệm phiền não vọng tưởng. Vậy thì niệm Phật giúp chúng ta giữ được tâm an tịnh nên pháp niệm Phật không mê tín, không ngụy tạo như lời nói của nhiều người.