Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 28/01/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 19
Chúng sanh thực hành rốt ráo theo lời Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ sẽ được mười phương chư Phật hộ niệm, sẽ là phao cứu sinh trên lộ trình sinh tử, sẽ thành tựu ngay một đời. Kinh Vô Lượng Thọ nằm trong “Tịnh độ Ngũ Kinh Nhất Luận” nên việc hoằng dương những bộ Kinh sách này sẽ mang lại phước báu rất lớn, có thể cải tạo được vận mệnh.
Năm bộ Kinh một bộ Luận mà hành giả Tịnh Độ có thể lấy đó làm cơ sở tu học - “Tịnh độ Ngũ Kinh Nhất Luận” bao gồm Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương và Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm.
Hòa Thượng nói: “Thời kỳ Mạt pháp, nếu ai đó phát tâm giảng Kinh, dùng Chánh pháp bố thí tới chúng sanh thì chính người đó đã tu đại phước báu bậc nhất. Nếu có thể hoằng dương Tịnh Độ Ngũ Kinh Nhất Luận thì công đức lợi ích vô cùng thù thắng, có thể cải tạo vận mệnh một cách mau nhất”.
Lời dạy này của Hòa Thượng khiến chúng ta nhớ tới một câu nói khác của Ngài rằng: “Nếu bây giờ các bạn không mau mau đem chuẩn mực Thánh Hiền đến với chúng sanh thì vài năm nữa, bạn có nói người ta cũng không nghe.” Lời sách tấn này được Ngài nói ra cách đây 40 năm trước giúp chúng ta có các bước cụ thể thực tiễn theo các bộ Kinh trong “Tịnh độ Ngũ Kinh Nhất Luận”.
Theo đó, hành giả tu Tịnh Độ phải thực hành “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, Phụng sự Sư trưởng, Từ tâm bất sát, Tu Thập Thiện nghiệp”. Mang tâm hiếu kính với Cha Mẹ và Thầy Cô để thực hành “Từ tâm bất sát và Tu Thập Thiện Nghiệp”. Cho nên, đã hơn 10 năm qua, nhờ sự nhắc nhở của Ngài, chúng ta tích cực hoằng dương hiếu đạo, thúc đẩy đạo đức Thánh Hiền.
Việc làm này đang giúp chúng ta và những người học tập đạo đức Thánh Hiền thay đổi tập khí và những hành vi sai lầm nên đã có ảnh hưởng xã hội rất tốt. Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng việc làm đó không phải là Phật pháp, là xen tạp. Trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta vẫn vững chãi thúc đẩy pháp môn Tịnh Độ, chuẩn mực Thánh Hiền đến với cộng đồng trong nước và quốc tế, cho nên phước báu và công đức từ việc làm này theo Hòa Thượng chỉ dạy là không gì có thể sánh bằng.
Hòa Thượng nói: “Sau 9000 năm nữa, chỉ có pháp môn Tịnh Độ là phù hợp với căn tánh của chúng sanh. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong Kinh Pháp Diệt Tận rằng sau khi Phật pháp diệt tận, chỉ có một bộ Kinh Vô Lượng Thọ là còn có thể lưu lại thế gian này thêm 100 năm nữa.
“Đây là chư Phật, Bồ Tát Đại từ Đại bi gia trì để bộ Kinh này được tiếp tục lưu truyền, để chúng sanh có được chiếc phao cứu sanh vượt qua biển khổ sanh tử, để giúp đỡ tất cả chúng sanh.
“Chúng sanh nào tiếp nhận được và làm theo thì ngay một đời có được thành tựu. Do đây có thể biết người trì tụng Kinh Vô Lượng Thọ đích thực là được 10 phương Chư Phật Bồ Tát hộ niệm.”
Trì tụng không phải là một ngày đọc tụng năm, bảy hay 10 bộ Kinh mà là đem mọi lời giáo huấn Phật dạy trong Kinh thực hành trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế, đối người tiếp vật của chính mình. Đem lời dạy biến thành hành vi, ý niệm của chính mình.
Tuy nhiên, việc này không dễ vì xung quanh chúng ta đều đang đầy rẫy sự cám dỗ của “Tài Sắc Danh Thực Thùy”. Công việc hằng ngày luôn khiến chúng ta dễ khởi tâm “Tham Sân Si Mạn”. Nên Thánh Hiền dạy phải “Yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc” – tức Ta Bà không phải là nơi để đùa giỡn vì chúng ta gặp “Tài Sắc Danh Thực Thùy” thì liền dính “Tài Sắc Danh Thực Thùy”. Tập khí này luôn luôn làm chúng ta động tâm.
Ta Bà là nơi chúng ta dễ tạo nghiệp. Hằng ngày hành động sơ xuất của chúng ta thương tổn đến chúng sanh rất nhiều. Thế mới biết vì sao ngài Oánh Kha sau khi gặp Phật là muốn vãng sanh ngay về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc mặc dù dương thọ của Ngài được Phật cho biết còn 10 năm nữa. Ngài không cần 10 năm vì Ngài rất hiểu tập khí xấu ác của chính mình sẽ khiến Ngài tạo nghiệp. Chúng ta phải nên có tâm cảnh của Ngài.
Trong hoàn cảnh này, chư Phật Bồ Tát Đại từ Đại bi hộ niệm cho người trì tụng Kinh Vô Lượng Thọ. Các Ngài luôn nghĩ đến chúng sanh khổ nạn, luôn “vì chúng sanh mà lo nghĩ”. Chúng sanh đang đau khổ thì giúp họ hết đau khổ, được an vui và cao hơn còn giúp thoát khỏi sinh tử luân hồi.