110Thứ Hai, 06/05/2024, 18:37
118 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 118

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 06/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 118

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng người chân thật học Phật thì phải tiếp nối được chí nguyện độ sanh của chư Phật Bồ Tát. Việc làm như thế mới là tri ân báo ân. Hằng ngày chúng ta nói rằng hãy “Sống trong thế giới biết ơn” thì chúng ta phải nỗ lực làm những việc cần làm. Nếu không làm được, thì lời tri ân báo ân của chúng ta chỉ là lời nói suông.

Trước chúng ta, nhờ có các Tổ sư Đại đức, các bậc tiền bối xả bỏ lợi ích cá nhân mà tận tâm tận lực vì Phật pháp, vì chúng sanh như Hòa Thượng đã làm nên chúng ta mới có giáo lý Phật pháp, có chuẩn mực Thánh Hiền mà tu học sửa mình.

Đến đời chúng ta, nếu chúng ta “độc thiện kỳ thân” – hưởng tốt cho riêng mình, không nỗ lực gánh vác sứ mệnh truyền thừa thì chúng sanh hay con cháu đời sau của chúng ta sẽ nương vào đâu? Một khi Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền không còn, chúng sẽ chỉ biết sống theo quan điểm của thế gian.

Trong nhiều năm qua, Hệ Thống Khai Minh Đức luôn nỗ lực gánh vác sứ mệnh truyền thừa đó. Hệ Thống đã làm mọi việc giúp các trẻ em có cơ hội tiếp cận Văn Hóa Truyền Thống, chuẩn mực người xưa để các em có thể trở thành một người tốt. Không kể các em là học sinh cá biệt, khó dạy, chỉ cần một thời gian học tập thì các em đã trở nên ngoan hiền.

Quả đúng như câu nói của người xưa: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Con trẻ khi không có cơ hội gần người tốt thì chúng sẽ không thể trở thành người tốt. Mỗi chúng ta khi tiếp cận với người xấu thì bản thân chúng ta cũng sẽ bị ô nhiễm. Ngược lại, được gần Thầy tốt bạn lành, chúng ta nhất định sẽ trở nên tốt hơn.

Chính vì vậy Hòa Thượng nói người học Phật phải phát tâm kế thừa, tiếp nối sứ mệnh đem Phật pháp mở mang rộng lớn. Muốn làm được việc này, người làm công tác kế thừa chắc chắn sẽ không có chút ô nhiễm nào đối với quyền thế, danh lợi hay dục trần. Chỉ cần dính vào những thứ này thì việc làm của chúng ta sẽ gặp chướng ngại từ chính sự ô nhiễm đó.

Hòa Thượng dạy chúng ta: “Chân thật phát tâm nội dưỡng ngũ đức, ngoại tu lục hòa, kiến lập hòa hợp tăng đoàn”. Chúng ta bên trong thì tu dưỡng năm đức còn bên ngoài thì tu dưỡng Lục Hòa Kính. Ở những bài học trước Hòa Thượng từng nhắc năm đức chính là “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”.

Tất cả mọi pháp tu nơi cửa Phật đều bắt đầu từ năm đức này. Nếu không bắt đầu từ năm đức thì cách tu của chúng ta đều không thành tựu. Nếu có thành tựu thì vẫn rơi vào tà ma ngoại đạo. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người học Phật lâu năm mà vẫn không an vui. Là bởi vì, họ vẫn để cho tâm mình không khởi từ năm đức mà khởi tâm Ma như mong cầu “danh vọng lợi dưỡng”, mong cầu khỏe mạnh sống lâu, bình an..v.v.

Đại đa số những người học Phật, đến với Phật để hy vọng có được một sự bảo hộ bình an. Tư tưởng này của họ đã biến Phật trở thành một đấng thần linh. Như vậy là sai rồi! Cho nên Hòa Thượng mới căn dặn chúng ta trong nội tâm thì rèn năm đức mà khởi đầu của năm đức là “chân thành”. Người xưa dạy “Chí thành cảm thông” hay “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”, cho nên nếu chúng ta chưa chuyển được tâm phàm của mình là do chúng ta chưa chân thành.

Năm đức thuộc chân tâm tự tánh của chúng ta cho nên chúng ta phải bắt đầu mọi sự mọi việc từ năm đức này mà không nên bắt đầu từ 16 tên giặc tập khí như “danh vọng lợi dưỡng”, ảo danh ảo vọng, tự tư tự lợi”, thích hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” .

Hòa Thượng chỉ dạy rằng bên ngoài thì phải tu Lục Hòa Kính. “Điều thứ nhất trong Lục Hòa Kính là xây dựng một đoàn thể hòa hợp”, Ngài nói. Mọi người giúp đỡ, tôn trọng nhau xây dựng sự cùng hiểu theo một nguyên lý nguyên tắc, một chuẩn mực mới có thể tạo nên một đoàn thể hòa hợp. Một đoàn thể hòa hợp làm việc gì cũng sẽ thành công.

Ngài nói: “Việc trước tiên là phải xây dựng Kiến Hòa Đồng Giải, cùng hiểu, chính là mọi người cùng y theo giáo huấn của Kinh Vô Lượng Thọ mà tu hành, y theo giáo huấn của Thánh Hiền mà sửa đổi hành nghi của mình. Phải chân thật ái hộ một đoàn thể hòa hợp.” Người người phải có tâm ái hộ, yêu thương một đoàn thể hòa hợp để đoàn thể đó tồn tại dài lâu, trở thành chuẩn mực cho mọi người học theo.