Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 01/05/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 113
“Nhân” vô “Nghĩa” thì không khác gì cầm thú. Làm con biết chăm sóc Cha Mẹ, làm anh chị em biết nhường nhịn nhau. Vậy mà thực trạng xã hội ngày nay đang đi ngược lại những điều này. Chỉ vì vài tấc đất hay vì danh lợi mà cốt nhục tương tàn.
“Nhân” vô “Tín” bất lập: Con người không có chữ Tín thì không có chỗ đứng trong xã hội, không thể sống được trong cộng đồng, không làm được việc gì.
“Nhân” vô “Lễ” là người không có chuẩn mực, phép tắc. Trong xã hội hiện nay, tình trạng “đại nghịch bất đạo”, “vô pháp vô thiên-không có phép tắc, kỷ cương trên dưới” càng lúc càng nhiều. Cho nên thúc đẩy giáo dục Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền là vô cùng cần thiết.
Ngoài việc giáo dục ngũ luân, ngũ thường, giáo dục trong gia đình còn giúp trẻ nhỏ biết nấu cơm, quét nhà, tưới cây. Lúc năm tuổi là chúng tôi đã biết nấu cơm bếp củi cho các em. Cha Mẹ thì đi làm sớm. Nhưng ngày nay, nhiều người lớn tuổi mà còn không biết làm gì.
Vật chất phát triển khiến con ít sử dụng năng lực của mỗi cá nhân. Mọi thứ như máy giặt, máy sấy đồ, máy rửa bát và người giúp việc đang làm các thành viên trong nhà đặc biệt là trẻ nhỏ mất năng lực lao động.
Tất cả những công việc đó chính là “Thường đạo”. Nếu không được giáo dục như vậy thì đứa nhỏ chưa quét được nhà đã đòi đi quét thiên hạ. Đời sống vật chất càng lên cao thì phẩm chất đạo đức và đời sống tinh thần của con người càng xuống thấp.
Giáo dục người xưa đã dạy con người từ lúc nhỏ phải làm chủ chính mình. Trong tiếng Hán, chữ “Chủ” có chữ “vương” ở trên tức là dù buôn bán nhỏ như người đi bán gánh rau, gánh đậu cũng làm chủ gánh rau gánh đậu. Còn chữ “Công” mà ló đầu lên thì thành chữ “Thổ” nên người đi làm công đến ngày ngẩng đầu lên được thì cũng đến lúc chết.
Cho nên người xưa không để tài sản lại cho con. Cha Mẹ ngày nay thì khác, luôn khoe khoang sự giàu có của mình. Chúng tôi từng tận mắt thấy hai đứa nhỏ, từ nhỏ đến lớn được chăm sóc kỹ đến nỗi chân chưa bao giờ chạm đất.
Con trẻ thấy nhà chúng nhiều tiền nên chúng sẽ phải ăn sài. Thầy Thái Lễ Húc từng kể rằng khi hỏi trẻ: “Tiền ở đâu mà có?” thì trẻ trả lời là: “Ở máy ATM”; “Gạo ở đâu mà có?”. “Gạo ở siêu thị”. Trẻ như vậy thì không có chí tiến thủ.
Chúng ta giáo dục con trẻ thì phải cho con biết gạo là từ người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Không trồng được lúa thì phải mua mới có. Muốn có tiền thì Cha Mẹ phải lao động cực nhọc.
Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Người trước mà không dạy thì đừng trách người sau”. Người trước là Ông Bà, Cha Mẹ, Thầy Cô không dạy chuẩn mực làm người thì trẻ sẽ không làm người mà làm ra “đại nghịch bất đạo”. Dạy đúng thì có kết quả tốt mà dạy sai thì phải nhận hậu quả.
Ngược thời gian về trước, tuy ông bà chúng ta nghèo nhưng sống rất có tình, chưa từng nghe nói có xích mích với ai, tất cả đều là nhường nhịn, hoàn toàn vì tình làng nghĩa xóm. Đó chính là “Lễ”.
Cho nên ngày nay chúng ta mở các lớp Kỹ năng sống là rất quan trọng. Đó là lớp dạy kỹ năng làm việc, kỹ năng đối nhân xử thế tiếp vật. Từ đó giúp trẻ nhận biết rõ bổn phận trong năm mối quan hệ ngũ luân như Cha con, vợ chồng, cấp trên cấp dưới, bạn bè, anh em; đồng thời hiểu và thực hành trọn vẹn ngũ thường Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín.
Ngày nay học trò đánh Thầy Cô, con giết Cha Mẹ, “đại nghịch bất đạo, vô pháp vô thiên, phá gia chi tử” thì gần như ở đâu cũng có. Đó là những hành động không phải của con người. Các lớp kỹ năng nếu gọi đúng tên phải là lớp giáo dục làm người nhưng mấy ai chấp nhận vì dù không được giáo dục họ vẫn thấy mình là người.
Con người hiện đại đang phế bỏ luân thường đạo lý. Họ hoàn toàn không xem trọng mà còn bài bác. Hòa Thượng nói: “Đức hạnh là căn bản làm người,” cho nên người không có đức hạnh, thiếu ngũ luân, ngũ thường, không biết “Lễ Nghĩa Liêm Sỉ” thì không thể làm người.