100Thứ Bảy, 20/04/2024, 11:45
102 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 102

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 20/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 102

Bài học hôm qua, Hòa Thượng dạy chúng ta, một vị Lão sư tốt phải đem tất cả những điều cần thiết truyền dạy cho học trò, thế nhưng ngày nay, không dễ để tìm được một người học trò chân thật biết nghe lời, làm theo. Chúng ta học Phật nhiều năm nhưng mỗi khi gặp phải chướng ngại, thử thách thì chúng ta đều bị “rớt”, không thể vượt qua bài thi. Đây là do chúng ta tu hành chưa có công phu. Tổ Sư Đại Đức nói: “Ta Bà rất đáng sợ!”. Chúng ta càng ở lâu thì chúng ta càng tạo nghiệp lớn. Chúng ta biết chúng ta tạo nghiệp thì chúng ta phải thọ báo nhưng chúng ta vẫn tạo. Tôi quán sát thấy ngày ngày tôi vẫn phạm phải sai lầm. Tâm chúng ta khởi lên phiền não thì chúng ta đã đánh mất tâm thanh tịnh. Chúng ta vô cùng khó để giữ được tâm thanh tịnh. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta mới có được công đức, tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta chỉ có phước đức. Phước đức không thể giúp chúng ta vượt thoát sinh tử.

Các ông bà cụ ở dưới quê rất hiền lành, chất phác, tuy các cụ không tu nhưng các cụ không biết giận ai, các cụ không tu nhưng cảnh giới của họ rất cao. Bà ngoại tôi rất hiền, bà cũng không biết giận ai, suốt ngày bà chỉ cười. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt hiền từ của bà. Mẹ tôi cũng có nét như bà ngoại, bà cũng không biết giận ai, suốt ngày bà chỉ cười, người em trai của tôi khi đi nhậu về thường mắng bà nhưng Mẹ tôi cũng không giận. Tâm thiện lương đó là kết quả của sự tu tập từ vô lượng kiếp.

Chúng ta được học tập, được dạy bảo nghiêm túc nhưng tập khí của chúng ta vẫn dấy khởi. Nhiều người tu tập không có kết quả vì không thể cưỡng lại được tập khí, phiền não, ngày ngày chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, “tham, sân, si, mạn”. Chúng ta khéo tu thì chúng ta phải cố gắng tránh duyên. Tôi thường nói: “Đừng bao giờ cho mình có cơ hội”. Chúng ta chọc giận người khác thì họ sẽ chọc giận lại chúng ta, khi chúng ta tức giận thì những tập khí lâu đời của chúng ta sẽ bộc phát. Tổ Sư Tịnh Độ thường nhắc nhở chúng ta: “Yểm ly Ta Bà hân cầu Cực Lạc”. Đối với Ta bà chúng ta đừng sinh tâm quyến luyến, chốn Ta Bà khiến chúng ta dấy khởi tập khí, phiền não, phá hỏng tâm thanh tịnh.

Chúng ta tu hành một đời nhưng gần đến lúc lâm chung, tập khí tham, sân, si khởi lên thì chúng ta sẽ uổng phí cả một đời. Chúng ta phải chuyển đổi từ ngay trong ý niệm không để ý niệm chuyển thành hành động tạo tác. Người không quán sát, ngày ngày tùy thuận tập khí thì họ sẽ không biết sợ. Chúng ta ở trong núi cao hay trong hang động thì chúng ta vẫn tạo nghiệp vì chúng ta tạo nghiệp từ ngay trong khởi tâm động niệm. Chúng ta nghe nhưng chúng ta không thật làm, chúng ta xem nhẹ nên chúng ta vẫn bị tập khí dẫn đạo.

Ngày nay, ở thế gian có rất nhiều cạm bẫy, cám dỗ. Hòa Thượng nói: “Bên trong có tập nghiệp từ vô thỉ kiếp, bên ngoài có sự dẫn dụ, cám dỗ nên chúng ta không ai là không tạo nghiệp”. Chúng ta không có đạo lực thì chúng ta không thể cưỡng lại cám dỗ ở thế gian. Thí dụ, cái lợi ít thì chúng ta có thể không động tâm nhưng cái lợi lớn thì chúng ta sẽ động tâm. Người thế gian nói: “Thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”. Đối với việc tu hành chúng ta giống như một đứa trẻ ngây ngô, chúng ta rất dễ sai phạm, chúng ta phải bám chặt giáo huấn của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải ngày ngày học tập để bổ túc cho mình, để được nhắc nhở”.

Người xưa dạy chúng ta phải: “Khiết thân tự ái”. Chúng ta phải tự làm trong sạch, tự chăm sóc mình, đừng để mình tạo nghiệp, phạm phải sai lầm. Người xưa nói: “Ba ngày không đọc sách Thánh Hiền thì diện mạo của chúng ta đã khó coi”. Ngày nay, Pháp sư Định Hoằng nói: “Một ngày không đọc sách Thánh Hiền thì diện mạo của chúng ta đã khó coi”. Tâm chúng ta khác thì diện mạo của chúng ta sẽ khác.

Người xưa dạy chúng ta: “Nhàn cư vi bất thiện”. Chúng ta có thời gian rảnh thì chúng ta sẽ khởi tâm động niệm. Chúng ta là phàm phu, chúng ta khởi tâm động niệm thì chúng ta sẽ khởi “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Nhàn tà tồn thành”. “Nhàn tà” là rảnh rỗi. “Tồn thành” là chúng ta giữ tâm mình chánh, lúc rảnh chúng ta phải giữ tâm mình không loạn động.