Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 18/04/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 100
Bài học hôm trước, Hòa Thượng nhắc, chúng ta phải nỗ lực học tập, phát dương rộng lớn oai nghi, phẩm hạnh của Phật, chúng ta làm được điều này thì chúng ta mới không hổ thẹn là đệ tử của Phật. Lời dạy của Hòa Thượng rất giản dị nhưng chúng ta không dễ thực hiện. Hòa Thượng đã có 90 năm ở đời, 70 năm ở đạo, Ngài đã học và làm theo lời dạy của Phật, Ngài đã sống một cuộc đời trọn vẹn. Nhiều người nói những lời dạy của Hòa Thượng rất khó thực hiện. Nếu chúng ta không làm được lời Hòa Thượng dạy thì “Chúng ta đáng đọa lạc như thế nào thì chúng ta sẽ phải đọa lạc như thế đó, chúng ta đáng sanh tử như thế nào thì chúng ta sẽ phải sinh tử như thế đó”. Nếu chúng ta không làm được lời dạy của Phật Bồ Tát thì chúng ta uổng phí công ơn của các Ngài.
Hòa Thượng từng dạy: “Chúng ta chưa làm được thì chúng ta cũng phải làm cho được!”. Chúng ta muốn loại trừ tập khí thì cho dù phải cắn môi, tuôn nước mắt, rớm máu, chúng ta cũng phải làm. Người thế gian cho rằng những người học Phật là những người mê tín. Hòa Thượng nói: “Người không biết mình sinh ra từ đâu, khi chết đi về đâu, không biết vận hành cuộc sống thì đó mới là những người mê tín”. Chúng ta học Phật, chúng ta biết rất rõ ràng, chúng ta đến từ đâu, sau khi chết sẽ đi về đâu và chúng ta hoạch định rất rõ ràng cho cuộc sống hiện tại. Điều này cũng giống như chúng ta khéo trồng một giàn bầu thì giàn bầu đó sẽ cho quả to đẹp, nếu chúng ta không khéo trồng thì giàn bầu đó sẽ không có quả.
Nhiều người không hiểu vì sao chúng ta lại sống như vậy. Tôi có người bạn, ngày trước từng buôn bán với tôi, lần nào anh đến thăm tôi, tôi cũng tặng anh rất nhiều quà như áo phông, mũ “A Di Đà Phật”, sách, đĩa. Anh không hiểu vì sao tôi luôn tặng quà, luôn cho đi như vậy. Anh nói: “Vì sao anh chỉ cho đi mà không nhận về, tôi mà hiểu được thì tôi chết liền! Khi tôi bán một bộ quần áo, tôi đưa đồ thì người khác phải đưa tiền cho tôi!”. Người thế gian không hiểu vì sao chúng ta chỉ cho đi, chúng ta cho đi mà chúng ta không nhận tiền thì chúng ta đã tạo thành phước báu. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định. Nhiều người thế gian lo lắng một ngày nào đó họ sẽ nghèo, sẽ bệnh, chúng ta biết rõ cuộc sống hiện tại và chúng ta biết rõ, tương lai chúng ta sẽ đi về đâu. Người thế gian tùy tiện tạo nghiệp và thọ báo, họ mới chính là những người đại mê tín.
Hòa Thượng nói: “Người ngày ngày vì lợi quên nghĩa, thậm chí những người thân trong một gia đình cũng kiện nhau ra pháp đình, họ tạo ra oan gia trái chủ thì họ không thể thoát khỏi kiếp nạn”. Chúng ta học Phật, chúng ta phải giữ tâm thanh tịnh, thiện lương, chúng ta phải biết tiết kiệm phước, tích phước.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta sống trong thế giới này, kiếp nạn của thế giới là do lòng người bất thiện, nếu số đông người sám hối, thay đổi tự làm mới thì chúng ta mới thoát khỏi kiếp nạn. Việc này không dễ dàng bởi vì chúng sanh nghiệp lực quá sâu nặng”. Kiếp nạn của thế giới thí dụ như thiên tai, động đất, sóng thần, chiến tranh. Chúng ta muốn có thể “thay đổi tự làm mới” cũng không dễ dàng. Có người hỏi tôi, làm thế nào để có thể trở thành Phật Bồ Tát. Tôi nói, chúng ta đừng làm những việc của phàm phu thì chúng ta sẽ trở thành Phật Bồ Tát. Người thế gian “tự tư tự lợi”, tuỳ tiện hưởng thụ “năm dục sáu trần” mà chúng ta không như vậy thì chúng ta sẽ trở thành Phật Bồ Tát.
Nhiều người nói họ muốn bỏ tập khí, phiền não nhưng họ không bỏ được. Hòa Thượng dạy chúng ta phải: “Nhìn thấu, buông xả, tự tại, tuỳ duyên, niệm Phật”. Chúng ta nhìn thấu chân tướng sự thật của mọi sự mọi việc thì chúng ta mới dám làm một cách dũng mãnh. Nhiều người cho rằng phải để dành tiền để khi già, khi bệnh họ có tiền mua thuốc. Chúng ta nguyện rằng chúng ta sẽ bệnh thì chúng ta chắc chắn sẽ bệnh, nếu chúng ta cho đi khoản tiền này thì chúng ta sẽ không có bệnh hay nếu chúng ta bị bệnh thì sẽ có người đưa thuốc cho chúng ta. Nghiệp lực của chúng ta quá sâu thì nó sẽ dẫn dắt chúng ta phải tạo nghiệp.