/ 30
140

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 2

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 06 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi! Mời xem “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giải”.

Không cần ba chữ “bản hội tập”, chỉ cần “thanh tịnh bình đẳng giác kinh giải” là được rồi. Chúng tôi dùng bản này, hội tập là do lão cư sĩ Hạ Liên Cư ở huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông hội tập, người chú giải là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, Hoàng lão cũng là một vị Kim Cang Thượng Sư của Mật tông. Chú giải có tất cả bốn quyển, nay chúng tôi in thành một cuốn bìa cứng. Bản trên tay tôi mà quý vị vừa thấy là bản được chỉnh lý vào năm ngoái. Bản này được lưu thông rất nhiều ở trong và ngoài nước, mười năm trước chúng tôi in lần đầu là 10.000 cuốn, sau này gần như mỗi năm đều có số lượng bản in tương đương được lưu thông. Mời xem quyển thứ nhất, chúng ta học tập lần này là hoàn toàn học tập bản chú giải của Hoàng lão, chúng ta báo đáp sự khổ nhọc lúc tuổi già của ngài, kế thừa hoằng nguyện của ngài, mong muốn Tịnh tông được vĩnh viễn truyền thừa. Ngày hôm qua, chúng tôi đã báo cáo nhân duyên này với quý vị rồi.

Hôm nay, chúng ta xem quyển thứ nhất: “Từ lời nói đầu, phần khái yếu cho tới phần giải thích chánh kinh từ phẩm thứ nhất đến phẩm thứ ba”, ở đây nói rõ nội dung của quyển thứ nhất là đến phẩm thứ ba. Cả bộ kinh tổng cộng có 48 phẩm. Trước tiên, chúng ta xem “phần thứ nhất - lời nói đầu”. “Pháp môn Tịnh độ là Nhất thừa liễu nghĩa, vạn thiện đồng quy, trùm khắp ba căn, phàm thánh cùng thâu, vượt ngang tam giới, thẳng lên bốn cõi, cực viên cực đốn, là pháp môn vi diệu không thể nghĩ bàn”. Đoạn mở đầu này là một đoạn nhỏ tán thán Tịnh độ, tán thán Tịnh độ đến tột cùng. Có thật là như vậy không? Phật Thích-ca giảng kinh thuyết pháp 49 năm, trong 49 năm nói rất nhiều kinh, bộ kinh nào là quan trọng nhất, là kinh đệ nhất vậy? Chúng tôi có cách nghĩ này, không hề biết rằng cổ nhân đã có cách nói như vậy từ lâu. Trong thời đại Tùy - Đường, các vị đại đức phương Đông lẫn phương Tây, phương Đông chính là những cao tăng, tổ sư đại đức Trung Quốc, phương Tây là các vị đại sư từ Ấn Độ sang phương Đông truyền đạo, dịch kinh. Trong đó, còn bao gồm các đại đức Nhật Bản, Hàn Quốc đến Trung Quốc du học, sau đó họ trở về nước, đều trở thành bậc tông sư trong nước mình, như 13 tông phái của Nhật Bản đều từ Trung Quốc truyền sang; đi về phương Nam còn bao gồm Việt Nam, do vậy Phật giáo Việt Nam cũng từ Trung Quốc truyền sang. Thuở ấy, có tổ sư đại đức đã nêu lên câu hỏi như thế này: Trong các kinh do Thế Tôn nói trong 49 năm, bộ kinh nào có thể đại biểu cho kinh giáo cả một đời của Thế Tôn? Các vị đại đức này gần như đều công nhận là kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, mọi người đều công nhận, bất luận tông nào, phái nào cũng đều thừa nhận. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm biến thành pháp luân căn bản trong Phật pháp, giống như một cái cây to, đây là gốc, đây là rễ, tất cả các chi phái đều từ gốc rễ này mà phát triển ra. Lại truy cứu đến chỗ cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm là căn bản, chỗ quy túc cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm là mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát dẫn về Cực Lạc, tình huống này là như thế nào vậy?

Bổn sư của thế giới Hoa Tạng là Tỳ-lô-giá-na Như Lai, ngài Văn-thù, Phổ Hiền giúp Phật Tỳ-lô-giá-na giáo hóa chúng sanh, là thủ lĩnh trong hàng đệ tử. Ngài Văn-thù chủ yếu về giải môn, biểu thị cho trí tuệ; ngài Phổ Hiền chủ yếu về hành môn, biểu thị cho tu chứng, một bên là hành môn, một bên là giải môn. Kinh Hoa Nghiêm lấy Thiện Tài đồng tử làm đại biểu, đến sau cùng Phổ Hiền Bồ-tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, chúng ta thấy hai vị Bồ-tát này trong kinh điển. Ngài Văn-thù là thầy của bảy vị Phật, học trò đều thành Phật, rất nhiều người đã thành Phật rồi mà ngài vẫn giữ thân phận Bồ-tát, vẫn hiệp trợ Tỳ-lô-giá-na Phật dạy dỗ hàng Pháp thân đại sĩ, ngài từ bi đến cực điểm. Đây gọi lái ngược thuyền từ, ngài đã thành Phật rồi, nhưng lui xuống địa vị Bồ-tát, điều này có ý nghĩa biểu pháp rất sâu. Phật dạy chúng sanh chẳng dễ, vì sao vậy? Phật biểu thị cho bản thể, biểu thị cho pháp tánh. Pháp tánh không có tướng, pháp tánh là gì? Pháp tánh là Thường tịch quang, chúng ta gọi cõi cao nhất trong bốn cõi Tịnh độ là cõi Thường tịch quang tịnh, Thường tịch quang là pháp tánh, Thường tịch quang chẳng phải là vật chất, cũng chẳng phải là tinh thần, cả hai phương diện này đều chẳng thể bàn đến, do không có cách nào nên gọi là Thường tịch quang. “Thường” là vĩnh hằng bất biến, chữ thường mang ý nghĩa này. “Tịch” là thanh tịnh tịch diệt, bạn thấy đại sư Lục tổ Huệ Năng đã kiến tánh, câu nói đầu tiên là: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, tịch chính là ý nghĩa này. Diệt là gì? Diệt là diệt hết thảy phiền não, kinh Hoa Nghiêm gọi phiền não là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Trong giáo pháp Đại thừa, vọng tưởng được gọi là vô minh phiền não, hoặc gọi là căn bản vô minh, phân biệt được gọi là trần sa phiền não, trong kinh Đại thừa gọi chấp trước là kiến tư phiền não, danh xưng khác nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn tương đồng. Đối với những điều kinh Hoa Nghiêm đã nói thì chúng ta hiểu được dễ dàng, nhưng rất khó hiểu được ý nghĩa chân thật, chúng ta hiểu theo kiểu nuốt chửng quả táo. Do vậy, căn bản vô minh, trần sa, kiến tư trong kinh Đại thừa nói chẳng dễ hiểu cho lắm, nhưng giảng giải thì sẽ dễ lý giải hơn. Do vậy chúng ta biết được, những danh từ thuật ngữ trong kinh giáo là bất định, đức Phật chẳng có pháp nhất định để nói. Cho nên dạy chúng ta “y nghĩa, không y ngữ”, bạn phải hiểu ý nghĩa của chúng, đừng chấp trước vào ngôn ngữ, văn tự, danh tướng, đều không cần chấp trước, hiểu được ý nghĩa biểu thị của chúng là được rồi.

/ 30