TÍN TÂM HỌC PHẬT TRỊ LÀNH BỆNH KHỔ
(Trích lục từ kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu)
Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không
Địa điểm: Báo Ân Đường Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Tháng 06-2001
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ
Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Mời mở khoa hội Kiết Hung Kinh, tờ thứ chín, đoạn sau cùng, kinh văn đếm xuống hàng thứ năm: “Nhược tật bệnh giả, hồ nghi bất tín, tiện hô vu sư, bốc vấn giải tấu, tế tự tà thần, thiên thần ly viễn, bất đắc thiện hộ, yêu mị nhật tấn, ác quỷ đốn môn, linh chi suy hao, sở hướng bất giai”. Chúng ta xem cái đoạn này trước.
Bệnh tật thì con người chúng ta khó mà tránh khỏi. Khi con người bị bệnh, nhất là khi tình hình bệnh tật nghiêm trọng, đích thực tâm liền tán loạn, chính mình không thể tự chủ, nên gọi là “bệnh cấp loạn đầu y”. Cách làm này không những không có lợi cho tật bệnh, rất có thể bị nặng thêm. Có một số bệnh tật đích thực có thể trị khỏi, trái lại thì biến thành bất trị, loại tình huống này từ xưa đến nay đều có, hiện tại ở chung quanh đời sống chúng ta, chỉ cần bạn lưu ý thì bạn liền sẽ thường có thể thấy được. Cái then chốt nhất là gì? Là chính ở bản thân mình. Nếu khi chúng ta gặp phải bệnh tật thì phải xử lý như thế nào mới là chính xác? Trước tiên, nhất định phải biết căn nguyên của bệnh tật, ngay trong những lần giảng giải trước, đã nhiều lần nhắc đến vấn đề này.
Căn nguyên của bệnh tật, trên tổng thể có thể phân làm ba loại lớn.
Loại lớn thứ nhất là do sinh lý, ăn uống không thích hợp, nóng lạnh không tiết chế, gặp phải phong hàn. Ngạn ngữ cổ xưa thường nói: “Bệnh từ miệng vào”. Ăn uống, cùng vệ sinh thường ngày trong đời sống có liên quan mật thiết đối với sức khoẻ của thân thể chúng ta. Kế đến còn có một nhân tố quan trọng là tình cảm, tình cảm có thể ảnh hưởng biến đổi sinh lý của chúng ta. Người thế gian cũng sớm đã phát hiện ra được điều này, cũng rất là xem trọng. Nhà Phật, nhà Nho cũng đều nói đến, trong Islam giáo chọn lựa đối với việc ăn uống, quan điểm chủ yếu của họ chính là rất chú ý giữ gìn tánh tình lương thiện. Phàm hễ tánh tình bất thiện, không luận là động vật hay thực vật, họ đều không ăn. Đây chính là biết được bảo hộ tánh tình. Đây là loại thứ nhất, đều xem là bệnh ở trên sinh lý.
Loại thứ hai là oan nghiệp. Loại này không thể không tin, những chứng cứ này rất nhiều. Chúng ta ở nước ngoài thường hay thấy được, nghe được thì càng nhiều, thậm chí người bị bệnh, bản thân họ đến tìm tôi, thân bằng quyến thuộc của họ dẫn họ đến tìm tôi, tôi gặp những chuyện này rất nhiều. Loại bệnh này, hiện tại trong y học gọi nó là thần kinh phân liệt, luôn luôn là khi bệnh nghiêm trọng thì liền đưa đến bệnh viện thần kinh, rất là đáng thương. Do nguyên nhân gì vậy? Bị oan hồn nhập thân, oan gia trái chủ của họ nhập vào thân của họ, không phải đến đòi nợ mà chính là đến đòi mạng. Đòi mạng thì nhất định phải dày dò họ cho đến chết mới thôi, đòi nợ thì làm cho họ phải chịu thống khổ tương đối, còn phải tốn kém một món phí thuốc thang khá nhiều. Đó là oan trái của họ. Sự việc này rất phiền phức, việc này thuốc thang không thể giải quyết, bác sĩ bó tay hết cách. Phàm hễ bị loại bệnh chứng này, phương pháp trong nhà Phật là hòa giải, tương thông cùng với những linh quỷ này, có thể nói điều kiện với họ, đôi bên hai phía đều được lợi ích, hiện tại gọi là lưỡng lợi, mời họ rời khỏi. Ở trong Phật pháp phần nhiều là tu các công đức, đặc biệt hồi hướng cho họ, đại đa số oan gia trái chủ đều có thể tiếp nhận. Cho nên hòa giải có hiệu quả khả quan. Họ tiếp nhận rồi thì rời khỏi, người bệnh này liền khỏi. Trong lịch sử Trung Quốc, một chứng cứ rõ ràng nhất, đủ để đại biểu cho loại bệnh căn này là quốc sư Ngộ Đạt vào triều nhà Đường. Quốc sư Ngộ Đạt bị mục ghẻ mặt người, gần như phải mất mạng. Ngài được xem là một cao Tăng tu hành có đạo đức, gặp được tôn giả Ca Nặc Ca giúp ngài hòa giải, oan gia trái chủ của ngài bằng lòng, liền rời khỏi, hơn nữa nói rõ, trong đời quá khứ ông đã hãm hại người đó như thế nào, cho nên ông phải bị quả báo này. Phương pháp hòa giải này cũng được ghi chép lại viết thành một quyển Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, đây thuộc về hòa giải.
Bệnh căn loại thứ ba là túc nghiệp. Nó không phải là sinh lý, cũng không phải là oan gia trái chủ, mà là do đời quá khứ hoặc giả là đời này tạo tác tội nghiệp cực trọng, chính mình lại không có phước báo lớn. Chính mình nếu như có phước báo lớn, tạo tội nghiệp cực nặng thì tổn phước, làm giảm đi phước báo của bạn. Nếu như phước báo rất to lớn, tuy là tổn mất đi 90%, bạn vẫn còn mười phần phước báo có thể hưởng. Nếu như không có phước báo lớn như vậy thì phiền phức liền đến. Loại bệnh tật này, chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, hiện tại gọi là bệnh người già, chứng ngây dại của người già, đó là nghiệp chướng. Người hiện tại không hiểu, cho là khi người đến già thì phải bị loại bệnh này, người già thì phải ngây dại, họ không biết được tình huống bình thường là người già phải khoẻ. Tại vì sao người già thì họ càng cường tráng? Họ kinh nghiệm phong phú, đối với ăn uống, đối với điều hòa tâm lý, họ biết được rất nhiều, hay nói cách khác, họ biết được đạo dưỡng sinh, cho nên càng già càng khoẻ mạnh. Đây là việc rất hợp lý, rất phù hợp với khoa học. Già mà suy, thành thật mà nói, họ ở ngay trong đời sống này, họ không hề tập được cái đạo dưỡng sinh, họ không hề lưu ý, họ chưa học được. Bình thường thì nhất định là càng già càng khoẻ mạnh, càng già càng có trí tuệ, càng già càng có kinh nghiệm. Cho nên trong ngạn ngữ Trung Quốc có nói: “Nhà có người già chính là nhà có của báu”, bất cứ nghi nan tạp chứng nào thưa hỏi với họ thì đều có thể hoá giải. Họ có trí tuệ, kinh nghiệm của họ phong phú hơn người trẻ tuổi, trí tuệ cao hơn người tuổi trẻ, cho nên họ là cột trụ cho một gia đình, một đoàn thể nhỏ. Thời trước quốc gia kính lão tôn hiền, già không phải vô dụng, người già có lợi ích rất lớn. Thế nhưng người hiện tại không hiểu, vừa mới có được kinh nghiệm chín muồi liền bị bức nghỉ hưu. Chúng ta xem thấy hiện tại có rất nhiều quốc gia, 50 tuổi về hưu, 55 tuổi về hưu rất nhiều. Những người này trên thực tế vẫn chưa già yếu, có rất nhiều người thể lực vẫn rất cường tráng, kinh nghiệm rất là phong phú, để cho họ nghỉ hưu, không thể vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ, thực tế mà nói là tổn thất rất lớn.