PHẬT PHÁP VIÊN DUNG KHÔNG CHƯỚNG NGẠI
(Kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Báo Ân Đường Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Tháng 8 năm 2001
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
Xin chào chư vị đồng tu, chào quí vị. Xin mời khoa hội kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu ra, trang hai mươi, xem từ hàng thứ tư của kinh văn: “A Nan phục bạch Phật ngôn, mạt thế đệ tử, nhân duyên tương sanh, lý gia chi sự, thân khẩu chi lụy, đương vân hà, thiên trung thiên”.
Kinh văn đến chỗ này, là đoạn lớn thứ tư của bản kinh, cũng chính là A Nan nêu ra vấn đề thứ tư, Phật giải đáp cho Ngài. Vấn đề mà A Nan hỏi đến đều là vấn đề bức thiết trước mắt chúng ta cần phải biết. Cho nên Ngài đã thay chúng ta nêu ra câu hỏi, Thế Tôn khai thị cho Ngài, giải thích cho Ngài, có thể nói tất cả là giảng cho chúng ta vậy. Chúng ta hãy thể hội thật kỹ, học tập thật kỹ, sẽ vô cùng lợi ích đối với chúng ta trong đời này.
Chúng ta xem kinh văn. Ở trong khoa đề mọi người thấy rất rõ ràng, đoạn này là nghi pháp mâu thuẫn. Pháp tức là Phật pháp, Phật pháp mâu thuẫn với đời sống thực tế chúng ta, sau khi học Phật rồi không dùng được vào trong đời sống thường ngày, có phải tình trạng như vậy không? Ở chỗ này, Phật đã giải đáp cho chúng ta rồi. Trong kinh văn nói: “Mạt thế đệ tử”, mạt thế là chỉ thời mạt pháp của Phật, chính là thời điểm này của chúng ta hiện nay. Mọi người đều biết, pháp vận của Thích-ca-mâu-ni Phật tổng cộng là 12.000 năm. Từ sau khi Phật diệt độ, một ngàn năm đầu tiên là thời kỳ chánh pháp, một ngàn năm thứ hai là thời kỳ tượng pháp. Phật giáo truyền vào Trung Quốc là thời kỳ đầu tượng pháp, cũng tức là Thế Tôn diệt độ một ngàn năm thì Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Thời kỳ mạt pháp có 10.000 năm. Căn cứ lịch sử Trung Quốc ghi chép, trước đây, lão hòa thượng Hư Vân, các trưởng lão thế hệ này của các Ngài, đối với niên đại mà Phật diệt độ vô cùng quả quyết, Ma Đằng Trúc Pháp Lan, lúc các Ngài đến Trung Quốc thuyết pháp, Phật Thích-ca-mâu-ni ra đời, tương đương với năm thứ 24 Châu Chiêu Vương Trung Quốc, diệt độ vào năm thứ 52 thời Châu Mục Vương. Cách nói này có thể nói là từ triều Hán mãi đến triều Thanh, tuy có rất nhiều cách nói khác nhau, nhưng vẫn lấy cách nói này làm truyền thống. Nếu như theo cách nói này thì Phật Thích-ca-mâu-ni diệt độ đến hôm nay là hơn 3020 năm rồi, không giống như người thông thường trên thế giới nói là hơn 2500 năm. Thế hệ già Trung Quốc vẫn quả quyết như vậy. Người nước ngoài nói như thế nào chúng ta cũng không cần tranh luận, đâu có nhiều thời gian để đi làm những chuyện này. Nhưng nhiều cách nói khác nhau nó cũng có y cứ, có y cứ là tốt rồi. Niên đại muốn ai làm cho rõ, thì chỉ có Phật Thích-ca-mâu-ni sống trở lại mới biết. Không cần nói niên đại của Phật quá xa truy không rõ ràng, mà tổ tiên ba đời trong nhà chính chúng ta cũng truy không rõ nữa là. Người nào trong nhà có thể đem niên đại, ngày sinh của ông cố, ông nội truy rõ ràng được? Ngay như bản thân chúng ta, ngày sinh của chính chúng ta, người Trung Quốc nói năm, tháng, ngày, giờ. Cái năm, tháng, ngày đó có lẽ còn không quá lầm lẫn, nhưng giờ thì có vấn đề lớn. Tuổi tác cao một chút, vào một thế kỷ trước, thông thường nông thôn Trung Quốc đều không có đồng hồ, đều là dựa vào kinh nghiệm để ước tính là đại khái vào lúc nào. Chữ đại khái đó đã có rất nhiều vấn đề rồi! Cho nên những khảo cứ này, có một số là cần thiết, có một số là không cần thiết. Cho nên người Ấn Độ không coi trọng lịch sử, người thổ dân Úc Châu cũng vốn không coi trọng lịch sử, họ nói cái thứ này phải nhớ nó để làm gì? Cho nên họ đối với những sự việc này, hoàn toàn không có tranh luận.
Vậy chúng ta hôm nay nói đến mạt pháp, bất kể là nói như thế nào, thì hiện nay cũng là thời kỳ mạt pháp. Sau khi Phật diệt độ 2.000 năm đều là thời kỳ mạt pháp. Mạt pháp có 10.000 năm. Tức là dùng cách nói của người Trung Quốc thì mạt pháp còn có 9.000 năm. Những tôn giáo khác nói ngày tận thế, nhưng ở trong Phật pháp chúng ta không có, chúng ta còn có 9.000 năm mà! Chín ngàn năm, thời gian dài như vậy, cái thế gian này quả thật có bình, có loạn. Phật pháp có hưng, có suy. Suy đến cực điểm nhất định sẽ dần dần phục hưng, hưng cực điểm nó nhất định sẽ suy thoái. Nó có sự tuần hoàn mang tính chu kỳ. Đây dường như là định luật của tự nhiên, ở trong đây có đạo lý rất sâu. Chúng ta tiếp nhận kinh điển của Phật, thời gian huân tập đã lâu rồi thì đối với những đạo lý này cũng sẽ dần dần sáng tỏ, hiểu rõ thôi. Ở trong đây nhân tố chủ yếu vẫn là như thánh nhân thế xuất thế gian thường hay nói: tập nhiễm, bị nhiễm bởi tập khí. Tại sao bị suy vậy? Là do bị tiêm nhiễm bởi tập khí xấu. Suy đến cực điểm rồi thì con người sẽ tỉnh trở lại, giác ngộ rồi, cứ tiếp như vậy là không được, cho nên mới quyết tâm, nghĩ cách đoạn ác tu thiện, như vậy lại hưng thịnh trở lại. Hưng đến cực điểm rồi, huân nhiễm thiện hưng đến cực điểm rồi, vậy lại biến thành hồ đồ ngay. Phước báo quá lớn rồi, hưởng lâu rồi thì hưởng hồ đồ thôi! Hồ đồ lại tạo nghiệp rồi. Đạo lý nó tuần hoàn như vậy.