41Thứ Sáu, 14/03/2025, 21:33
12 · PHTT - Phải Biết Tự Hạ Mình Tôn Người - 12

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 14/03/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

BÀI 12

PHẢI BIẾT TỰ HẠ MÌNH TÔN NGƯỜI

Chúng ta thường có tập khí cống cao ngã mạn. Có hai loại ngã mạn là tăng thượng mạn và ti thượng mạn. Chúng ta cho rằng chúng ta hơn người nên chúng ta ngạo mạn, hay có những người không bằng người khác nhưng cũng ngạo mạn. Nhiều người đi đến đâu cũng khoe là có người nâng đỡ, bảo vệ cho họ, người có tâm cảnh này thì sẽ luôn bất an. Ngày tôi còn nhỏ, khi đi chơi, tôi sợ bị người khác ức hiếp nên tôi cũng thường đi cùng một người giỏi võ hoặc cao lớn hơn. Có những người tự khoe là họ là học trò, đệ tử của một người nào đó có thế lực hay người trong giới giang hồ, đây là họ đã ảo danh, ảo vọng. Nếu chúng ta là học trò của Phật Bồ Tát, Thánh hiền nhân thì chúng ta mới đáng tự hào; Nếu chúng ta là học trò của những người bị xã hội ruồng bỏ thì chúng ta không có gì đáng khoe.

Người mà trong nội tâm trống rỗng thì họ cần phải có bề ngoài che đậy. Nếu trong nội tâm chúng ta đầy ắp niềm vui, sự an lành thì chúng ta không cần phải khoe khoang. Trước đây, tôi đi xe đạp, tôi thường ngồi lau từng que nan ở bánh xe, tôi có thể bỏ ra hàng giờ để chăm sóc chiếc xe nhưng tôi không dành thời gian để kiểm điểm, sửa đổi mình. Nếu nội tâm chúng ta trống rỗng thì chúng ta đáng thương mà chúng ta không biết mình đáng thương! Nếu nội tâm chúng ta đầy niềm vui, tự tin thì chúng ta không cần biện bạch.

Tại sao con người lại cống cao ngã mạn? Phật Bồ Tát, Thánh Hiền nhân khiêm hạ đến tận cùng. Hòa Thượng từng nói: “Họ giành lần thứ nhất thì chúng ta nhường, họ giành lần thứ hai, thứ ba thì chúng ta cũng nhường”. Người khác chỉ cần có ý muốn giành thì Hoà Thượng đã nhường. Tất cả những việc chúng ta đang làm mà họ có ý muốn giành thì chúng ta nhường, chúng ta không dính mắc vào bất cứ thứ gì.

Hòa Thượng nói: “Cống cao ngã mạn là tập khí, phiền não vô cùng nghiêm trọng, nếu chúng ta có tập khí này thì chúng ta sẽ từ chối, không tiếp nhận bất cứ thiện pháp nào”. Nếu chúng ta không tiếp nhận thiện pháp thì chúng ta không thể tu hành, thay đổi, tiến bộ. Chúng ta thường nghĩ rằng: “Người đó có gì hơn mình?”, đây là chúng ta: “Tự dĩ vi thị”. Chúng ta tự cho mình là đúng, là hơn người thì chúng ta đã cống cao ngã mạn. Người cống cao ngã mạn thì không tiếp nhận, làm theo lời của người khác mà làm theo cách riêng của mình. Người biết vâng lời, làm theo thì người đó mới có thể có thành tựu, có tương lai xán lạn. Chúng ta cống cao ngã mạn thì chúng ta sẽ bị cống cao ngã mạn hại chết.

Người phạm phải tập khí cống cao ngã mạn thì sẽ tổn hại đến chính mình và chúng sanh. Nếu chúng ta cống cao ngã mạn thì khi Phật Bồ Tát đến nhắc nhở chúng ta cũng không quan tâm vì chúng ta đang mải chạy theo danh lợi. Nhiều năm qua, chúng ta đã thấy rằng những người không chịu nghe lời, tự cho mình là hơn người thì đều rơi vào thảm cảnh. Người ngông cuồng nói rằng Hòa Thượng chỉ có pháp giải, không có pháp hành thì hiện tại cũng đã “te tua”. Họ nổi danh, nổi tiếng nhưng họ nói lời cống cao ngã mạn, khinh khi một bậc tu hành chân chính nên đã rơi vào thảm cảnh một cách nhanh chóng. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong khởi tâm động niệm, lời nói việc làm.

Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi không biết sáng tạo, tôi chỉ nghe lời và làm theo”. Khổng Lão Phu Tử nói: “Thuật nhi bất tác”. “Thuật” là nói. Câu này nghĩa là ta chỉ nói lại những lời mà người xưa đã nói. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng nói: “Ta chỉ nói lại lời của bảy đời chư Phật đã nói”. Chúng ta ở nhà, chúng ta làm theo lời Cha Mẹ, đến trường, chúng ta làm theo lời của Thầy Cô, chúng ta ở trong một đoàn thể, tổ chức thì chúng ta nghe theo chỉ đạo của đoàn thể. Người thế gian, rất ít người chịu nghe lời. Người biết nghe lời người xưa thì sẽ thành công, cãi lại lời người xưa thì sẽ thất bại. Chúng ta đều đã nhìn thấy rất nhiều bài học, tại sao chúng ta vẫn chưa phản tỉnh!

Nhiều năm qua, tôi có thể làm được những việc lợi ích cho mọi người đều là do tôi nghe lời Hòa Thượng, tôi không dám tự thêm bớt lời dạy của Ngài. Chúng ta cống cao ngã mạn thì chúng ta sẽ thất bại, chúng ta nghe lời, làm theo thì sẽ thành công. Một số học trò đi theo Hòa Thượng sau một thời gian, họ tự cho mình đủ sức để làm theo cách riêng thì gần như họ đều thất bại, đổ vỡ. Đó là vì họ bị “danh vọng lợi dưỡng” nhấn chìm.