/ 2
18

PHÁT BỒ ĐỀ TÂM, NHẤT HƯỚNG CHUYÊN NIỆM

Phần 2

(Pháp sư Định Hoằng chia sẻ những tâm đắc học Tịnh Độ Đại Kinh Giải)

Người giảng: Pháp sư Định Hoằng

Địa điểm: Nhà Hàng Hải Cảnh Như Tâm - HongKong

Thời Gian: Ngày 17-06-2012

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ, Diệu Hương cư sĩ


Hôm qua, chúng ta đã học Phát Tâm Bồ Đề - Nhất Hướng Chuyên Niệm cùng tính chất quan trọng của tâm Bồ Đề, đồng thời chúng ta cũng đã nói đến thế nào là tâm Bồ Đề. Hôm nay chúng ta cũng vẫn tiếp tục bổ sung một chút, nói qua tâm Bồ Đề là gì, sau đó mới giảng qua làm thế nào để phát tâm Bồ Đề. Hôm qua chúng ta đã dùng kinh văn trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, nói đến tâm Bồ Đề bao gồm ba loại tâm.

- Thứ nhất là Chí Thành Tâm.

- Thứ hai là Thâm Tâm.

- Thứ ba là Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm.

Phật nói, có thể đầy đủ ba loại tâm này thì quyết định có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ba thứ tâm này, nói một cách đơn giản chính là như Ngài Ngẫu Ích Đại Sư trong Di Đà Yếu Giải nói về Tín - Nguyện. Tín - Nguyện là phải có sự chân thành, một trăm phần trăm (100%) tin tưởng và phát nguyện. Bạn có thể tín nguyện một cách chân thành thì tâm chân thành này chính là tâm chí thành. Có thể tin chắc có thế giới Tây Phương Cực Lạc, tin chắc có Phật A Di Đà và cũng tin chính mình vốn dĩ là Phật, hiện tại nếu niệm Phật cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc để thành Phật, đây là việc có thể làm đến được. Tin tưởng 48 đại nguyện của A Di Đà Phật nhất định là chân thật. Hiện tại chúng ta tuy là phàm phu sanh tử tội ác, nghiệp chướng sâu nặng, thế nhưng nhờ sức bổn nguyện của A Di Đà Phật, chắc chắn có thể nương nhờ tiếp dẫn của Phật vãng sanh Tây Phương. Đây chính là thâm tâm, nghĩa là tin sâu.

Chúng ta phát nguyện cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến thế giới Cực Lạc để làm gì? Làm Phật đó mà! Làm Phật để rộng độ chúng sanh. Tâm này chính là tâm hồi hướng phát nguyện. Cho nên, tâm Bồ Đề nói một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất chính là tin sâu, nguyện thiết, cầu sanh Tịnh Độ. Ngài Ngẫu Ích Đại sư nói: “Tin sâu, nguyện thiết chính là Vô Thượng Bồ Đề”, đây là Vô Thượng Bồ Đề Tâm. Tâm này vừa phát ra thì chắc chắn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên chúng ta tu hành là phải tu cái tâm này, nếu như chỉ tu trên hành vi có thể rất là khổ cực, nhưng chưa hẳn được thành công. Giống như chúng ta muốn đoạn phiền não, trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một ví dụ như trảm độc thọ. Chúng ta đốn một cây có độc, cây này có độc chúng ta phải đốn đi. Nếu như chỉ tu trên hành vi giống như chúng ta tỉa nhánh, tỉa cành vậy, là tu giả, vậy thì tu đến bao giờ mới có thể tiêu trừ được nó? Nếu như chúng ta biết cách tu tâm, nghĩa là trực tiếp từ ngay gốc mà đoạn phiền não. Tâm Bồ Đề vừa phát thì toàn bộ phiền não sẽ không phát khởi, sẽ không có chỗ để khởi phiền não. Cho nên tâm Bồ Đề thật đáng quý, nó là chánh nhân để bạn thành Phật, là chánh nhân để bạn vãng sanh. Do đó chúng ta hãy tư kiểm điểm, phản tỉnh lấy mình rốt cuộc đã phát tâm Bồ Đề chưa? Phát tâm Bồ đề là trạng thái như thế nào? Trước mắt chúng ta có một tấm gương rất sống động, đó là cô giáo Lưu Tố Vân, là người thật sự phát tâm Bồ Đề, chân tín, nguyện thiết cầu sanh Tịnh Độ. Bạn xem, điều gì cô cũng có thể buông xả được. Nếu như không phát tâm Bồ Đề mà muốn buông xả thì thật không dễ. Bạn xem người thế gian, một số người vật ngoài thân không thể buông xả được, tiền tài, tài sản không buông nổi; thân thể không buông xả được; đối với tình chấp của gia đình quyến thuộc không buông xả được. Những thứ không buông xả được quá nhiều, cho nên vĩnh viễn bị cột chặt ở trong sáu cõi luân hồi. Nếu như muốn buông xả từng chút rất là khổ cực. Hiện tại dạy chúng ta bỗng chốc phải buông hết, vậy thì phải hiểu rõ đạo lý, hiểu rõ tường tận thì bạn mới có thể chân thật phát khởi tín nguyện. Cho nên tâm Bồ Đề vừa phát thì giống như mặt trời giữa hư không, màn đêm tự tan mất.

Tôi tự mình nghĩ lại việc học Phật trong 20 năm qua, nghe Tịnh Không ân sư giảng kinh nói pháp 20 năm, tôi rất là may mắn từ đầu đến cuối chỉ theo một vị thầy, không hề nghe qua một vị thầy nào khác. Tuy nhiên cũng rất là hổ thẹn, 20 năm cũng không có học được tốt, mãi cho đến bây giờ, mặc dù so với 20 năm trước đã buông xả không ít, thế nhưng vẫn còn nhiều thứ chưa buông.

/ 2