PHÁP NHĨ NHƯ THỊ
Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không
Địa điểm: Học Viện Tịnh Tông Úc Châu
Thời gian: Ngày 28-02-2006
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ
Chào chư vị đồng tu! Hôm nay chúng ta xem tiếp thượng bối vãng sanh, một đoạn ở trong chú giải. Cư sĩ hoàng lão dẫn mấy câu ở trong tịnh độ luận: “Vị Bồ đề tâm, tức nguyện thành Phật độ sanh, nhiếp thủ chúng sanh, vãng sanh tịnh độ chi tâm, thử tâm sơ khán tự giảo tiền tâm, dị ư phát khởi. Thực diệt bất nhiên, cái dĩ tịnh thổ vãng sanh pháp môn. Thực vi nan tín chi pháp, tín tâm vị sanh, hà năng phát tâm”. Chúng ta hãy xem đoạn này.
Đây là nói phát tâm Bồ đề. [Nói đến phát tâm Bồ đề] là nói đến pháp môn tịnh độ. Từ đó cho thấy, pháp môn Tịnh độ hoàn toàn không phải chỉ niệm A Di Đà Phật là có thể vãng sanh, không có cái đạo lý này. Ngẫu Ích đại sư ở trong yếu giải đã nói với chúng ta: “Có thể vãng sanh được hay không, yếu tố quyết định là có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp là bởi công phu trì danh sâu hay cạn”. Lời nói này nói rất rõ ràng, cho nên vãng sanh nhất định phải đầy đủ tín, nguyện, hạnh. Nếu như tín nguyện của bạn không kiên định, không thiết tha, thì Phật hiệu niệm nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không thể vãng sanh. Chúng ta thấy trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, thậm chí là bạn quan sát tỉ mỉ, trước mắt chúng ta người niệm Phật thời đại này có người thật sự vãng sanh, người đích thực vãng sanh thường là người không biết chữ, người chưa có học qua kinh giáo chiếm đa số. Đây là nguyên nhân gì vậy? Nguyên nhân có gần, có xa. Nhân gần là họ thật thà, người khác giới thiệu tịnh độ cho họ, họ không hoài nghi, tin là thật, họ cảm thấy cái thế gian này quá khổ, họ thật sự cầu vãng sanh, kết quả là họ đi được. Đây là nhân gần. Tại sao vừa tiếp xúc liền có tín tâm sâu như vậy, có nguyện lực tha thiết như vậy? Vậy phải xem nhân xa. Nhân xa là nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ đã tích lũy thiện căn, phước đức, nhân duyên, không phải trong một đời này. Nếu như quá khứ không có thiện căn, phước đức, dù trong đời này gặp duyên, thì cái tâm đó cũng không thể phát ra được. Quí vị phải biết rằng, cái tâm tin sâu, nguyện tha thiết này chính là tâm đại Bồ đề. Bản thân họ có hiểu hay không vậy? Không hiểu. Bản thân không hiểu, nhưng trên thực tế chính mình đã phát tâm đại Bồ đề, cho nên họ được vãng sanh, không phải ngẫu nhiên.
Chúng ta so sánh với họ thì còn kém họ rất xa, không bằng người ta. Tuy đã học rất nhiều kinh giáo, nhưng tín nguyện đối với Tịnh độ lúc có lúc không, đối với cái thế gian này vẫn còn tham luyến nghiêm trọng, không nỡ buông xả. Đây chính là ngu si, đây chính là vô minh. Các bạn có suy nghĩ xem thế gian này có cái gì có thể mang theo được hay không? Thậm chí ngay cả cái thân này cũng không mang theo được, huống hồ gì những vật ngoài thân! Đời người khổ ngắn, 100 năm nghe qua dường như rất dài, kỳ thực chỉ trong cái khảy móng tay. Người còn trẻ vẫn không thấy được, đại khái khoảng năm mươi, sáu mươi tuổi trở lên, nếu người có tính cảnh giác cao thì hiểu rõ. Người chậm lụt một chút, đến 60-70 tuổi họ mới giác ngộ. Tại sao vậy? Gần kề với cái chết rồi. Nhìn thấy bạn bè thân thích của mình trước đây, bạn học, đồng nghiệp lần lượt đều đã ra đi, dần dần như thế nào vậy? Dần dần sẽ đến lượt mình rồi. Đặc biệt là người ở viện dưỡng lão, tôi đã hỏi qua rất nhiều người ở viện dưỡng lão. Người sống trong viện dưỡng lão, đời sống tinh thần rất kém, tâm rạng vô cùng không tốt. Tôi đến thăm họ. Họ nói: “Chúng tôi ở đây ngồi ăn để chờ chết”. Lời nói này là thật, không hề giả dối! Cho nên Trung Quốc từ xưa đến nay coi trọng dưỡng lão, để người già sống thật vui vẻ, sống thật hạnh phúc. Đây là đại công đức, cũng là đại tri thức.
Ngày nay, cái xã hội này, do không coi trọng luân lý đạo đức, cho nên cha con không có thân. Trong luân lý Trung Quốc thì cha con hữu thân, hiện nay không có thân. Vua tôi không có nghĩa, vợ chồng không có biệt. Loạn rồi! Đây là thời buổi đại loạn. Thời buổi loạn thì người sống khổ. Người trẻ đã khổ, người già càng khổ hơn, điều này bạn có thể nhìn thấy. Nhà Phật gọi là hoa báo. Chết rồi lại càng khổ hơn. Chết rồi đi vào tam đồ, đó là quả báo. Bạn nói thử xem, việc này đáng sợ cỡ nào? Pháp thế xuất thế gian đều cần phải giáo dục mới thành tựu. Không có giáo dục thì khỏi bàn đến thành tựu. Đây là điều mà người Trung Quốc hiểu rõ nhất, am hiểu nhất. Lão tổ tông 5000 năm trước đã hiểu rõ, cho nên vô cùng coi trọng giáo dục. Vào thời xưa, giáo dục này là giáo dục gia đình, từ giáo dục gia đình dần dần phát triển lên thành giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, giáo dục tôn giáo. Giáo dục tôn giáo là gì vậy? Chú trọng ở sau khi kết thúc mạng sống của đời này, để đời sau chúng ta làm sao đạt được hạnh phúc hơn, mỹ mãn hơn. Nhưng phải biết rằng, đời sau và đời này là không thể tách rời. Nhà Phật thường nói: “Muốn biết quả đời sau, xem việc làm đời nay”. Trong đời này, giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội của chúng ta là nhân. Nhân tốt thì quả báo đời sau sẽ tốt. Nhân không tốt thì đời sau làm gì có quả báo tốt được? Cho nên nhà Phật nói quả báo có hai loại, giống như thực vật vậy, ra hoa kết quả. Hoa là quả báo của đời này, quả là quả báo của đời sau. Toàn là do giáo dục, không thể không biết. Không biết thì sẽ phiền phức to.