/ 1
28

VÌ SAO NIỆM PHẬT KHÔNG THỂ VÃNG SANH

(Trích Lục Kinh Vô Lượng Thọ, Phẩm thứ 19)

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Giảng tại cư sĩ Lâm Phật giáo Singapore, tháng 10-2003

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên


Tất cả chư Phật Như Lai, không vị nào không khuyên người cầu sinh Tịnh Độ. Các vị đều không chút lòng riêng tư, không chút tâm thiên lệch mong muốn chúng ta mau chóng thành Phật.

Phương pháp thù thắng nhất chính là cầu sinh Tây Phương tịnh độ, nhanh hơn so với bất cứ pháp môn nào, thù thắng ngay trong thù thắng. Thế nhưng, thực tế có một số người nghiệp chướng sâu nặng nên không tin tưởng. Phật Bồ Tát cũng từ bi, tùy hỷ dạy pháp môn khác mà chúng ta thường gọi “tám vạn bốn ngàn”. Vậy “tám vạn bốn ngàn” là gì? Là do không tin tưởng pháp môn này, không tình nguyện học tập, không muốn cầu sinh Tây Phương Cực Lạc, chư Phật liền mở ra tám vạn bốn ngàn pháp môn. Phật mở ra vô lượng pháp môn vì những người nghiệp chướng sâu nặng.

Tường tận thông suốt đạo lý này chúng ta mới cảm nhận sự may mắn khi gặp được pháp môn của Phật, nhất định sẽ không xả bỏ, không nghi hoặc, mà một môn thâm nhập, tuyệt đối không động tâm. Với pháp môn khác, chúng ta có thể tán thán nhưng không cùng học. Thiện Tài Đồng tử có năm mươi ba lần tham học, pháp môn nào ngài cũng tham quan, cũng đều lướt qua. Thế nhưng ngài không học theo mà chân thành niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ. Cuối cùng ngài cũng về được thế giới Tây Phương Cực Lạc.

“Thọ dụng cụ túc đệ thập cửu”

Phẩm kinh này giới thiệu với chúng ta từ dung mạo đoan chính trang nghiêm, phước đức vô lượng, trí tuệ thông suốt, thần thông tự tại, tuổi thọ dài lâu, cho đến hoàn cảnh sinh hoạt thường ngày của người ở thế giới Tây phương Cực lạc. Đó là đích đến mà tất cả chúng sinh trên thế gian ngày đêm đang mong cầu. Nếu cầu phước, cầu trí tuệ, tự tại, thọ mạng, thì thế giới cực lạc mới được viên mãn. Chúng ta không thể cầu được ở thế giới này. Trong tám khổ có “cầu bất đắc khổ”, sau khi đã cầu chúng ta vẫn khổ. Người thế giới Tây Phương cực lạc không hề có ý niệm như vậy, tất cả đều tự nhiên, đều lưu xuất từ tánh đức, cho nên thân tâm của chánh báo thanh tịnh quang minh, y báo phước đức thù thắng, như trên đã nói “siêu thế hy hữu”. Trong kinh, Thế Tôn nói pháp phương tiện khéo léo, tuy nói nhưng “ứng niệm hiện tiền, vô bất cụ túc”. Người thế gian thường hay nói “tâm nghĩ sự thành”, nếu không chú tâm, chăm chỉ nỗ lực, sự việc không thể thành. Thế giới Tây Phương cực lạc cũng vậy, vừa nghĩ đến thì liền thành tựu.

“Phục thứ cực lạc thế giới, sở hữu chúng sanh”

Cái “sở hữu” này ý nghĩa rất dài, phía sau kinh văn có câu “hoặc dĩ sanh, hoặc hiện sanh, hoặc đương sanh”. “Dĩ sanh” là đã sanh đến thế giới Tây Phương cực lạc của Phật A Di Đà, thành Phật đã mười kiếp. “Hiện sanh” là hiện tại sanh đến thế giới Tây Phương cực lạc. “Đương sanh” chính là chúng ta, hiện tại chưa đi nhưng chắc chắn sẽ đi. “Đương sanh” là sự khẳng định đương nhiên. Khi chính mình hạ quyết tâm, không chút nghi ngờ cũng không lo nghĩ đã tạo nghiệp gì trong đời quá khứ, hiện tại thì chỗ “đương sanh” này, chúng ta sẽ có phần. Sau khi gặp được pháp môn, chỉ nghĩ đến Phật A Di Đà, không nên nghĩ những thứ khác. Trong kinh Đại thừa, đức Phật thường nói “niệm một câu Nam mô A di đà Phật tiêu hết tám mươi ức kiếp sinh tử trọng tội”. Chúng ta niệm có thể tiêu được hay không? Không thể! Khi chúng ta niệm “đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Vậy phải như thế nào khi niệm mới có sức mạnh lớn như vậy? Chính là người không có chút lòng nghi hoặc, trong tâm ngoài Phật hiệu không có bất cứ một tạp niệm nào. Niệm được như vậy sẽ tiêu hết tám mươi ức kiếp sinh tử trọng tội. Không nên khởi vọng tưởng, thậm chí thế gian pháp, chúng ta cũng không nghĩ đến, không nghĩ quá khứ không nghĩ hiện tại cũng không nghĩ tương lai mà chỉ nghĩ “A Di Đà Phật”, chỉ nghĩ kinh Vô Lượng Thọ, như vậy mới tiêu được tám mươi ức kiếp sinh tử trọng tội. Chỉ cần khởi một vọng niệm, công phu của chúng ta hoàn toàn bị phá hỏng. Do đó phải triệt để buông bỏ, vạn duyên buông bỏ, đương sanh ngay trong một đời này nhất định thành tựu, nhất định vãng sanh.

“Giai đắc như thị, chư diệu sắc thân, hình mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí tuệ minh liễu, thần thông tự tại”

/ 1