/ 3
49

NIỆM PHẬT VÃNG SANH

TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC HAY KHÔNG?

LƯỢC GIẢNG ĐẠI NGUYỆN DI ĐÀ

TẬP 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng

Giảng tại: Đài Truyền Hình Vệ Tinh Hoa Tạng, Đài Bắc, Đài Loan

Thời gian: 03/01/2018

Dịch giả: Thích Thiện Trang

(AMTB: 02-045-0003)


Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, hôm nay là ngày 03 tháng 01 năm 2018, chúng ta vẫn tiếp tục xem đoạn giảng nghĩa thứ ba, phần hạnh. Hai buổi trước, chúng ta đã giảng qua tín và nguyện, hôm nay chúng ta giảng phần hạnh. Tín, nguyện, hạnh là ba tư lương nhất định không được thiếu của Tịnh Tông, nếu đầy đủ ba tư lương này thì quyết định được vãng sanh. Cho nên, ba tư lương này quan trọng hơn bất cứ điều gì. Chúng ta cùng xem những khai thị của Tổ sư Đại đức cho chúng ta.

第十八 “Đệ thập bát” (nguyện thứ 18), nguyện thứ 18 trong 48 nguyện, là十念必生願”Thập niệm tất sanh nguyện” (nguyện mười niệm tất vãng sanh), ngữ khí ở đây vô cùng khẳng định, một chút nghi ngờ đều không có, văn nguyện như sau: 我作佛時,十方眾生,聞我名號,至心信樂,所有善根,心心回向,願生我國,乃至十念,若不生者,不取正覺,唯除五逆,誹謗正法 “Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp” (Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi chí tâm tin ưa, có bao nhiêu thiện căn đều tâm tâm hồi hướng nguyện sanh nước tôi, dù chỉ mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy Chánh Giác, chỉ trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp).

Nếu như quý vị nhớ không nổi 48 nguyện, thì quý vị ghi nhớ năm nguyện mà chúng tôi giảng lần này. Nếu ngay cả năm nguyện ấy mà còn nhớ không được, thì hy vọng quý vị nhớ được một nguyện này, ghi nhớ một nguyện này thì cũng có thể thành công. Chư Phật Bồ-tát là người nói lời chân ngữ, lời thật, quý Ngài không phải là người vọng ngữ. Chúng ta phải tin tưởng, nhất định không có hoài nghi thì đúng rồi.

Đây cử ra đoạn tiểu chú này, 日淨宗古德較量諸經 “Nhật Tịnh-tông cổ đức giảo lượng chư kinh” (Cổ đức Tịnh-tông Nhật Bản phán định các kinh), trong tất cả kinh của Thích Ca Mâu Ni Phật giảng trong 49 năm, thì bộ kinh nào là chân thật nhất? Đem những bộ kinh so sánh thì chỉ mình Kinh Hoa Nghiêm là chân thật; Đem Kinh Hoa Nghiêm so sánh cùng với bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, thì Kinh Vô Lượng Thọ này mới là chân thật, đem Kinh Hoa Nghiêm để thấp hơn. Điểm này cực kỳ quan trọng.

Chí tâm được giảng là chí thành. Chúng ta xem trở lại phía trước, đoạn phía trước, đọc bắt đầu từ đâu? Từ đoạn thứ hai là tốt. 至心者,至誠之心也,至極之心也 “Chí tâm giả, chí thành chi tâm giả, chí cực chi tâm dã” (Chí tâm là tâm chí thành, tâm đến cùng tột vậy). Tâm đây vô cùng trừu tượng, giảng làm sao cũng không rõ ràng được, đến lúc nào quý vị thấy tâm được rồi, thì chúc mừng quý vị, tại sao vậy? Vì quý vị đã thành Phật, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật rồi. Thông thường, chúng ta chỉ có khái niệm, tức là tâm khởi tác dụng. Tâm có phân biệt, tâm có vọng tưởng, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đó đều là tác dụng của tâm. Còn tâm là thế nào thì nói không ra được. Tâm thì có khả năng khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước mọi thứ; tâm không có hình tướng, nó không phải là hiện tượng vật chất, mà cũng không phải là hiện tượng tinh thần, nên giảng thế nào, cũng chẳng có cách gì đem làm cho nó rõ ràng cụ thể được. Phật dạy chúng ta, đặc biệt bên Thiền-tông, yêu cầu chúng ta tìm lại được tâm, 若人識得心,大地無寸土 “nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ” (Nếu ai nhận thức được tâm, Đại địa chẳng có tấc đất). Quý vị thấy được Chân rồi. Tâm ấy làm sao có thể thấy được? Chân thành, chân thành đến tột cùng, thì chân tâm hiện tiền. Khởi tâm động niệm của chúng ta là vọng tâm; phân biệt, chấp trước là vọng tâm, những gì quý vị có thể cảm nhận cảm giác được toàn đều là vọng tâm, chứ không phải là chân tâm. Vọng tâm không khởi, thì chân tâm liền hiện tiền. Vì vậy, từ đâu để xem chân tâm? Là từ thiền định. Thiền định tức là nhờ đem vọng tâm buông xuống, nên chân tâm hiện ra, mục đích là như vậy. Vì thế, định đến tột cùng thì hoát nhiên đại ngộ, đó là chân tâm hiện tiền. Tịnh-độ tông có phương pháp đó không? Có, phương pháp thế nào? Là dùng một câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Câu Phật hiệu ấy là chân tâm, đem tất cả vọng tưởng tạp niệm bỏ đi, khiến tâm của quý vị chỉ giữ lại một câu Nam Mô A Di Đà Phật, thời gian lâu rồi, thì ý niệm khác đều không có nữa, chỉ còn có một câu A Di Đà Phật này, đó là chân tâm hiện tiền, như vậy thì chúc mừng quý vị, quý vị kiến tánh rồi. Chí tâm này, chúng ta đem đoạn văn đó đọc qua một lần thì liền hiểu được ý nghĩa, là tâm chí thành. Người tu hành như thế nào mới có thể được minh tâm kiến tánh, mới thấy được Phật, thấy Bồ-tát, thấy Thế Giới Cực Lạc? Là chí thành tâm đến tột cùng thì được.

/ 3