/ 1
22

NHẪN NHỤC BA LA MẬT

(Trích từ Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ

Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, tập 24)

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Địa điểm: Cao Hùng Đài Loan

Thời gian: Ngày 08–05–2009

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, tờ thứ năm, chúng ta vẫn là đếm xuống từ hàng thứ ba, xem từ câu sau cùng: “Hoa Nghiêm kinh vân, nghiêm tịnh bất tư nghì sát, cúng dường nhất thiết chư Như Lai, phóng đại quang minh vô hữu biên, độ thoát chúng sanh diệc vô hạn, thí giới nhẫn tấn cập thiền định, trí tuệ phượng tiện thần thông đẳng”.

Hôm qua chúng ta giảng đến chỗ này, mười Ba La Mật đã giảng về bố thí, trì giới, hôm nay chúng ta phải giảng nhẫn nhục.

Trên Kinh Kim Cang Phật nói với chúng ta: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”. Cái nhất thiết pháp này phạm vi bao hàm rất rộng lớn, không luận là tất cả pháp thế gian hoặc giả là tất cả pháp xuất thế gian, có thể nói là không hề khác nhau, đều là do nhẫn mà được thành tựu. Loại hiện tượng tự nhiên này, trong nhà Phật gọi là pháp nhĩ như thị, đó chính là tánh đức. Việc nhỏ thì phải có lòng nhẫn nại nhỏ mới có thể thành tựu, sự việc càng lớn thì càng phải có nhẫn lực lớn mới có thể thành tựu. Chúng ta xem qua trong đại thừa giáo nói như thế nào? “Phạm ngữ sằn đề, Hoa ngôn nhẫn nhục”, thực tế mà nói là ý nghĩa của sự nhẫn nại, dịch thành ý nghĩa Trung văn chính là nhẫn. Năm xưa, những pháp sư dịch kinh xem thấy người Trung Quốc không giống như người phương tây, người Trung Quốc xem rất nặng đối với chữ nhục, chấp trước kiên cố, chúng ta gọi là chấp trước. “Chấp” chính là cố chấp, “trước” chính là dính mắc, đối với cái hiện tượng này có sự chấp trước kiên cố, cho nên dùng cái danh từ chấp trước này, chính là dính mắc kiên cố. Dính mắc thì đã sai rồi, dính mắc cái gì? Chính là nhục, người xưa Trung Quốc thường nói “sĩ khả sát bất khả nhục”. Sĩ là một người có học, hiện tại chúng ta gọi là phần tử tri thức, phần tử tri thức chặt đầu không hề gì, không hề sợ, nhục mạ thì không được, quyết định không thể chịu được sự sỉ nhục, cho nên pháp sư dịch kinh nói, người Trung Quốc chấp trước nghiêm trọng như vậy đối với sỉ nhục, vì vậy nhẫn chính là nhẫn nhục, nhục có thể nhẫn, vậy còn thứ gì mà không thể nhẫn? Cho nên nhữnng đại đức dịch kinh liền khắc ý lấy cái chữ này, nhắc nhở người Trung Quốc, không có thứ nào mà không thể nhẫn, nhẫn mới có thể thành tựu.

Phía sau nói nhẫn có hai loại, một cái là Sanh Nhẫn, một cái là Pháp Nhẫn, có hai loại như vậy. Cái gì gọi là Sanh Nhẫn? “Vị ư cung kính cúng dường trung bất sanh kiêu dật”, đó là một loại. Loại thứ hai là “ư sân mạ đả hại trung bất sanh oán hận”. Đây đều là thuộc về phương diện nhân sự, chúng ta nói phương diện này trước, việc này rất khó nhẫn. Cung kính cúng dường, chúng ta thường nói gặp được thiện tri thức, hoàn cảnh tốt xứng ý vừa lòng, thuận cảnh thiện duyên. Thiện duyên là nói người tốt, đều là người bạn ưa thích, hoàn cảnh tốt, tất cả xứng ý vừa lòng, bạn ở trong đó không sanh kêu ngạo. Dật là phóng dật, kiêu là kiêu mạn, có quan hệ mật thiết với tham luyến, có thể ở trong hoàn cảnh tốt như vậy mà không khởi tham luyến? Điểm này rất quan trọng, nếu như ở trong thuận cảnh thiện duyên khởi tham luyến thì phiền não liền lớn, lớn ở chỗ nào vậy? Bạn không lìa khởi được hoàn cảnh đó, bạn ưa thích cái hoàn cảnh đó, tham ái cái hoàn cảnh đó, thế nhưng thọ mạng của bạn có hạn, sau khi chết rồi, người học Phật chúng ta đều biết có luân hồi, sau khi chết rồi đi đến nơi đâu? Đến bất cứ nơi đâu tuyệt đối không phải do vua Diêm La đem bạn đưa đi, vua Diêm La có hay không? Có! Là có sự việc này. Vua Diêm La căn cứ vào ý nghĩ của chính bạn, ông ấy dựa vào cái gì để phán bạn đi đến đường nào? Bạn ưa thích đến đường nào, ông ấy liền phán cho bạn đi đến nơi đó. Ưa thích cái gì? Ưa thích tham luyến, không nỡ lìa bỏ, không nỡ lìa bỏ cái nhà, nghề nghiệp cả đời của bạn vẫn không tệ, không có tạo tội nghiệp gì lớn, đời sau lại được thân người, thì đến nơi đâu vậy? Lại đến nhà của bạn, làm con cháu trong nhà, làm con cái của con cháu bạn, lại biến thành người một nhà, vì sao vậy? Họ tham luyến đối với cái nhà này. Nếu như là người xuất gia thì phiền phức, người xuất gia thì ở trong chùa, trong chùa thì không có nam nữ hôn phối, vậy thì phải làm sao? Họ không lìa khỏi được nơi đây, trong chùa thì có chuột, có gián, có kiến, họ liền đầu thai vào đó, họ không chịu lìa bỏ nơi đó, cho nên phiền phức lớn! Do đó Phật Đà mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở chúng ta, thuận cảnh thiện duyên quyết định không thể có tâm tham ái. Ngay chỗ này gọi là “kiêu dật”, tôi nói tham luyến thì dễ hiểu.

/ 1