MẤY ĐIỆU SEN THANH
QUYỂN 2
Dịch giả: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(tiếp theo)
PHÁP NHÂN
Pháp Nhân thiền sư, tự Khô Tâm, họ Cố, quê ở Minh Châu, huyện Từ Khê. Ngài học với pháp sư Thảo Am Nhân, lãnh thọ hết yếu chỉ, nên được người đương thời xưng tặng là Tiểu Am Nhân.
Sau thiền sư chủ trì chùa Quảng Thọ ba mươi năm, tuy ngộ Thiền tông, nhưng lại hướng về Tịnh Độ. Ngoài thời tu, ngài thường giảng diễn kinh pháp, trọn đời chưa từng bước chân đến cửa nhà quyền quý. Của đàn tín cúng dường, nếu không khước từ được, thiền sư chỉ nhận một ít phần. Ngôi tịnh thất cư trú quá đơn sơ, có kẻ khuyên cất sửa lại, ngài nói: “Thân này hãy còn vô thường bận tâm chi nhiều đến ngoại vật!”.
Vào tháng tám năm Thiệu Hy thứ tư đời Tống, thiền sư nhiễm bịnh, trong định thấy cảnh Tịnh Độ và hai vị Bồ Tát. Xuất định, ngài gọi môn đồ nói: “Đạo tràng Pháp Hoa hiện ra rất trang nghiêm, cùng với chỗ ta thấy lúc bình thời khác nhau xa lắm! Các con cố gắng thầy sắp đi đây!”. Liền dạy họp chúng lại tụng Quán kinh, niệm Phật. Một vị tăng xin lưu kệ, thiền sư cầm bút viết lẹ rằng:
Ta cùng Di Đà vẫn không hai,
Hai cùng không hai đều lìa ngay.
Như thế ta thấy Vô Lượng Quang,
Đạo giao cảm ứng khó nghĩ bàn!
Viết xong buông bút, ngồi ngay thẳng kiết ấn mà vãng sanh.
Đồng thời, có Hiển Siêu thượng nhơn, người ở Bác Châu, thọ chú pháp Uế Tích Kim Cang với Kim Cang Tổng Trì Tam Tạng, thượng nhơn thường dùng chân ngôn ấy cứu bịnh giải oan, được của cúng dường đến năm vạn xâu tiền, đều đem dâng vào kho thường trụ chùa Vĩnh Thọ. Tất cả công đức trì chú độ người, ngài hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ.
Sau thượng nhơn cảm bịnh nhẹ, thấy hoa sen đầy khắp hư không, âm nhạc nổi lên vi diệu, Phật và Bồ Tát hiện thân đến rước. Hàng đệ tử tăng tục gieo mình đảnh lễ khóc thương, cầu xin lưu thọ để cứu khổ chúng sanh. Các cảnh tướng Tịnh Độ lần lần ẩn mất. Ngài lại sống thêm mười lăm năm nữa, dùng chân ngôn cứu người. Một hôm, thượng nhơn bỗng nghe nhạc trời hương lạ ngước nhìn lên, Phật và Thánh chúng đều hiển hiện giữa hư không, thánh cảnh lại hiện ra thù thắng hơn trước. Ngài liền từ giã đại chúng, ngồi kiết già xây mặt về Tây mà hóa.
ƯU ĐÀM
Ưu Đàm đại sư, họ Tưởng, quê ở Đơn Dương, gia thế hằng thờ Phật. Mười lăm tuổi, ngài xuất gia nơi chùa Đông Lâm ở Lô Sơn. Về sau, được mời chủ trì chùa Diệu Quả ở tại Đơn Dương.
Niên hiệu Chi Đại năm đầu đời nhà Nguyên, vua xuống chiếu bãi bỏ Liên Tông. Đại sư cả sợ nói: "Ta phụng thừa môn này gần ba mươi năm. Nay nỡ nào để pháp mầu của Như Lai bị mai một nơi đời ta ư ?". Liền quỳ trước bàn Phật phát thệ, nguyện phục hưng môn Niệm Phật. Rồi ngài đem hết tâm tư soạn thuật ra mười quyển Liên Tông Bảo Giám. Trong ấy có những đoạn cảnh sách rất thiết yếu như sau:
* Phàm người niệm Phật, điểm chánh yếu là giải quyết vấn đề sống chết, chẳng phải lơ láo qua ngày! Nên nghĩ đến cơn vô thường mau chóng, thời khắc chẳng chờ người, hằng chăm chú lo cho thành tựu một việc ấy mới được. Nếu nửa lui nửa tới, tợ tin tợ nghi, kết cuộc không chắc thật, thì từ nay trở đi, phải quyết phát lòng đại dõng mãnh, đại tinh tấn! Khi đi đứng nằm ngồi, chỉ nắm giữ một câu A Di Đà Phật, như tựa vào tòa núi Tu Di, đẩy xô không lay chuyển. Chỉ chuyên tâm nhứt ý mà niệm, gác qua việc thông hiểu hay chẳng thông hiểu, thấy tánh hay không thấy tánh. Cách hành trì đều tùy theo sức khỏe căn cơ, hoặc tham cứu mà niệm, quán tưởng mà niệm, mến nhớ mà niệm, hoặc dùng pháp thập niệm, lễ niệm, mặc niệm, kim cang niệm, đê thanh niệm, cao thanh niệm. Mỗi niệm hằng giữ cho hiện tiền, quên cả quá khứ vị lai, thường nhớ thường niệm, sớm cũng niệm, tối cũng niệm, gấp cũng niệm, hưỡn cũng niệm, mọi oai nghi động tác đều niệm. Trong mỗi ngày mỗi giờ, buộc niệm không xen hở, câu Phật chẳng rời tâm, nhặt nhặt nhiệm nhiệm, như gà ấp trứng giữ cho hơi ấm nối tiếp nhau, đó gọi là: "tịnh niệm tương kế". Nếu gia thêm trí tuệ chiếu soi, thì biết Tịnh Độ tức tâm, tâm tức Tịnh Độ. Đây là công phu tu tiến của bậc thượng trí vậy. Chủ trì được, giữ chắc được, ổn định được như thế, thì dù gặp cảnh thuận, nghịch, khổ, vui đưa tới, vẫn chỉ chuyên một câu A Di Đà Phật, không một niệm thay đổi, không một niệm biếng lui, không còn xen tạp tưởng. Niệm như thế đến trọn đời, giữ không đổi chí nguyện, chỉ quyết tâm cầu sanh về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Nếu quả dụng công được như thế, thì vô minh nghiệp chướng nhiều kiếp tự nhiên tiêu tan, tập khí trần lao tự nhiên trừ sạch, thân thấy Đức A Di Đà vẫn không rời bỏ niệm. Chừng đó công thành hạnh mãn, nguyện cùng hạnh nương giúp nhau, đến khi mạng chung, quyết định sanh về Thượng phẩm.