/ 1
17

LỢI LẠC HỮU TÌNH

(Trích lục từ Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác giảng giải)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 1 năm 2001

Giảng tại: Phật giáo cư sĩ Lâm Singapore

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hiền


Mời mở kinh ra, khoa hội trang 28, xem “thù nhân cảm quả”. Thù nhân cảm quả đoạn này, ở trong khoa này, cũng chia ra thành hai đoạn nhỏ. Đoạn nhỏ thứ nhất là phước chí, đoạn nhỏ thứ hai là cảm quả.

Xin xem kinh văn: “Do thành như thị chư thiện căn cố, sở sanh chi xứ, vô lượng bảo tạng, tự nhiên phát ứng”.

Trước tiên chúng ta hãy học đoạn kinh văn này: “Như thị chư thiện căn”, đây là kinh văn ở phía trước đã nói, chỉ việc đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, các loại thiện căn. Thiện căn là năng cảm, cảm ắt có ứng, đây là đạo lý của cảm ứng đạo giao vậy. Người thế gian, bất kể là xưa hay nay, trong hay ngoài, không ai mà không mong cầu quả báo thù thắng. Tại sao cái quả báo này cầu không được vậy? Ngạn ngữ Trung Quốc nói rằng: “Việc không như ý thường có tám, chín”. Câu nói này rất đáng để chúng ta soi xét. Tại sao thế gian lại có nhiều việc không như ý đến như vậy? Chúng ta thử xem trong bộ kinh này nói đến thế giới Cực Lạc, thử xem trong kinh Hoa Nghiêm nói đến thế giới Hoa Tạng, tại sao cư dân ở nơi đó có đời sống viên mãn như vậy? Đích thực đã làm được 100% tâm tưởng sự thành, đó là do nguyên nhân gì vậy? Chúng ta từ những chỗ này mà suy nghĩ, mà quan sát, thì mới có thể học được chút ít lợi ích.

Sáng hôm nay cư sĩ Lâm phát tiền trợ cấp người già ở đây, tôi nhìn thấy người đến tham gia buổi lễ này đều là những cụ lớn tuổi. Nhà Phật nói rằng: “Sinh lão bệnh tử khổ”. Chúng ta nhìn thấy người già quả thật là rất đáng thương. Chính phủ và những đoàn thể từ thiện trong dân tuy có quan tâm, nhưng vẫn không thể thỏa được lòng người. Người khác quan tâm, đây là ân đức. Cho nên chúng ta phải thường xuyên suy nghĩ, chúng ta nhìn thấy những người già này, nghĩ đến bản thân mình cũng sẽ già. Khi chúng ta già rồi, cảnh ngộ tương lai, đời sống có gian nan khốn khổ giống như họ hay không? Phật pháp dạy chúng ta học tập, việc học là vĩnh viễn không có ngày dừng. Người giác ngộ chân chánh hiểu được, đời người chính là học tập, học từ nhỏ đến già, có học xong hay không vậy? Không thể. Trong kinh Phật thị hiện cho chúng ta thấy, từ lúc mới phát tâm cho đến quả vị Như Lai, hằng ngày phải học tập, ba đại A tăng kỳ kiếp, vô lượng đại kiếp. Ngày chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn rồi, chúng ta muốn hỏi, lúc này có cần học nữa hay không? Vẫn phải học tập, việc học vĩnh viễn không có gián đoạn. Thế họ đã thành Phật rồi, tất cả đều viên mãn rồi, tại sao vẫn phải học tập vậy? Họ phải làm tấm gương học tập để cho những người chưa thành tựu thấy, đạo lý là ở chỗ này. Trước đây người làm cha mẹ, mỗi ngày đều phải làm tấm gương học tập để dạy con cái. Dạy con cái hiếu thuận cha mẹ thì người làm cha mẹ tự mình phải hiếu thuận cha mẹ, để con cái thấy, để chúng học tập. Cha mẹ còn sống, phụng sự như thế nào, phải để trẻ con nhìn thấy. Cha mẹ không còn nữa, thì ngày giỗ kỵ, ngày tưởng nhớ tổ tiên mỗi năm, cũng phải để chúng thấy, ghi nhớ trong lòng. Người làm thầy giáo cũng cùng đạo lý như vậy, hằng ngày phải làm tấm gương học tập cho học trò thấy. Từ đó cho thấy, việc học là vĩnh viễn không có gián đoạn. Phật ở trong kinh từng câu từng chữ đều là dạy chúng ta học tập. Ở chỗ này, đây là nói tổng quát, chúng ta phải học tập chư Phật Bồ-tát, thành tựu tất cả thiện căn, bắt đầu học từ đây.

Tu thiện, thiện vẫn phải có gốc, gốc có thể sanh thiện pháp. Vậy gốc của thiện là gì vậy? Tâm ưa thích thiện là gốc, đích thực có tâm ưa thích thiện thì nhất định sẽ có hạnh ưa thích thiện thôi. Hạnh đây là tích lũy công đức, tích lũy công đức phải dựa vào hạnh. Gốc của thiện, trong kinh luận đại thừa nói rất nhiều, nói rất rộng. Chúng ta đem tất cả kinh luận quy nạp lại, trong kinh gọi là A nậu đa la tam miệu tam Bồ-đề, Trung văn dịch thành tâm Bồ-đề vô thượng, đây là gốc thiện. Câu nói này rất khó hiểu. Nếu như ý nghĩa không rõ ràng, không sáng tỏ, thì sẽ tạo nên khó khăn cho việc học tập của chúng ta, cho nên chúng tôi đem câu này, dùng từ hiện nay để mọi người dễ hiểu, gọi nó là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Mười chữ này chính là trong kinh điển gọi là A nậu đa la tam miệu tam Bồ-đề. Chúng ta phải học. Cái tâm này chính là tâm Phật, cái tâm này là chân tâm của chúng ta, là bản tánh của chúng ta. Trong kinh luận chúng ta cũng thường hay thấy cái gọi là Phật Phật đạo đồng. Chữ đạo này chính là tồn tâm. Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai, tất cả chư Phật ba đời cùng một cái tâm, đều là cái tâm này, là chân tâm. Chúng ta học tập, đại đức xưa thường hay dạy chúng ta phải học từ căn bản, tu từ căn bản. Căn bản chính là chân tâm.

/ 1