LỢI ÍCH KHI NIỆM PHẬT
TẬP 1
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: ngày 23 tháng 06 năm 2003
Giảng tại: Học Viện Tịnh Tông Úc Châu
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
Xin chào các vị đồng tu!
Hôm qua chúng tôi từ Tuyết Lê Newsaque trở về, hôm nay đã nghỉ hết một ngày, buổi tối chúng ta họp mặt với các đồng tu đàm luận mấy vấn đề tu học Phật pháp. Những vấn đề này phần nhiều đều là thuộc về sơ học, cho dù là lão tu cũng luôn xem thường, cho nên gọi là “tập nhi bất sát”. Đợi đến khi có người hỏi đến chúng ta, thì có không ít người không biết phải trả lời thế nào. Học viện của chúng ta là học viện của Tịnh Tông, xem hình thức là biết nội dung, chúng ta là chuyên tu Tịnh Độ. Tịnh Độ cũng gọi là tịnh nghiệp, chuyên tu tịnh nghiệp, nếu có người hỏi bạn, mười phương chư Phật quá nhiều quá nhiều, vì sao các người chỉ niệm Phật A Di Đà? Vì sao chỉ chuyên niệm A Di Đà Phật mà không niệm các Phật khác? Tôi hỏi thử các vị, mọi người các vị ai có thể giải thích được vấn đề này rõ ràng? Mười phương Phật rất nhiều, vì sao các vị chuyên niệm A Di Đà Phật? Vì sao các vị không niệm mười phương chư Phật? Có người nào có thể trả lời hay không?
Trả lời đơn giản nhất, chính là chiếu theo trên kinh A Di Đà đã nói. Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong kinh A Di Đà đã bốn lần khuyên bảo chúng ta niệm A Di Đà Phật. Kinh A Di Đà có thể làm chứng minh là Phật dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật, chúng ta thuận theo lời giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đây là đáp án rất đơn giản, rất dễ dàng. Thế nhưng vấn đề của người ta vẫn chưa được khai mở ra, vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật muốn khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật? Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật, mà chúng ta thấy ở trong kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà là mười phương tất cả chư Phật Như Lai đều khuyên mọi người niệm A Di Đà Phật, đó là ý gì vậy? Nếu như bạn muốn hiểu vũ trụ, chúng ta gọi là vũ trụ, ở trong Phật pháp gọi là pháp giới, nếu như chân thật hiểu được rõ ràng chân tướng của vũ trụ nhân sanh rồi thì bạn liền biết được tất cả chư Phật vì sao bảo chúng ta niệm A Di Đà Phật. Cho nên đây là một vấn đề lớn, không phải là vấn đề nhỏ. Các vị có đọc qua ở trong kinh đại thừa hay không? Hình như trong khóa tụng sớm tối đã có, trong 88 vị Phật có Pháp giới Tàng thân A Di Đà Phật, cái ý này đã nói rõ rồi. A Di Đà Phật là tên gốc của pháp giới tất cả chư Phật, danh hiệu của tất cả chư Phật là biệt hiệu của Ngài, A Di Đà Phật là tên gốc của các Ngài, cho nên gọi pháp giới tàng thân.
Vì sao nói A Di Đà Phật là tên gốc của tất cả chư Phật? Cái danh hiệu này là dịch âm ra từ tiếng Phạn, dịch thành ý nghĩa theo tiếng Trung Quốc là vô lượng, “A” dịch là Vô, “ Di Đà” dịch là Lượng, Phật dịch là Trí, dịch là Giác. A DI Đà Phật nghĩa là vô lượng trí, vô lượng giác. Các vị thử nghĩ xem, vị Phật nào không là vô lượng giác, vô lượng trí? Đó là tên gốc của Phật. A Di Đà Phật cùng với Phật Tỳ Lô Giá Na, ý nghĩa rất gần nhau, thế nhưng không hề giống nhau. Tỳ Lô Giá Na cũng là tên gốc của tất cả chư Phật, ý nghĩa của nó là biến khắp tất cả, còn A Di Đà là dùng vô lượng trí biến khắp tất cả, vô lượng giác biến khắp tất cả. Khi bạn vừa hợp lại xem thì ý nghĩa rất là rõ ràng, chúng ta phải thông hiểu hàm nghĩa chân thật của danh hiệu Phật.
Cho nên tất cả chư Phật khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật vì A Di Đà Phật cũng chính là tên gốc của tự tánh chính chúng ta. Việc này trên kinh đại thừa Phật thường nói, “tất cả chúng sanh hữu tình đều có Phật tánh”. Vô tình chúng sanh, vô tình ngày nay chúng ta gọi là thực vật và khoáng vật, có pháp tánh. Phật tánh cùng pháp tánh là một tánh, không phải là hai tánh, đây là tên gốc của tánh đức. Thế Tôn ở trong hội Hoa Nghiêm nói với chúng ta, “tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai”. Tất cả chúng sanh là bao gồm chúng ta trong đó, chúng ta vốn dĩ là Phật, mỗi một người vốn dĩ là Phật, vốn dĩ là A Di Đà Phật, vốn dĩ là Tỳ Lô Giá Na Phật, xin nói với bạn, hiện tại vẫn là vậy. Chẳng phải các vị thường thấy trên kinh đã nói là tự tánh Di Đà? Tự tánh Di Đà mỗi người chúng ta đều có phần, vì sao vậy? Mỗi người chúng ta vốn dĩ vô lượng trí, vốn dĩ có vô lượng giác, trí giác của chúng ta chiếu khắp mọi nơi, vốn dĩ chính là như vậy, cho nên trên kinh Hoa Nghiêm và Duyên Giác kinh nói tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật. Thế nhưng lời nói này Phật không thường nói, vì sao vậy? Sợ người ta nghe không hiểu sanh ra hiểu lầm nên Phật rất ít giảng. Thế nhưng đây là lời thật.