CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 405
TỰ TẠI TÙY DUYÊN – TẤT CẢ ĐỀU TỐT
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 08/01/2021.
********************
Hòa Thượng dạy: “Người học Phật tự tại tùy duyên, tất cả đều tốt. Người học Phật nơi nơi đều tự tại, không có cưỡng cầu, thật tâm mà làm, rất nỗ lực mà làm”.
Người học Phật không dính mắc, luôn tự tại trong mọi hoàn cảnh, tùy duyên ứng dụng phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Không phải là người học Phật thì không còn biết phân biệt tốt xấu.
Thầy xử lý mọi công việc với tâm trạng không phiền não, không tiếc nuối. Nơi nào đủ duyên, nơi nào tiếp nhận thì ta tận tâm tận lực mà làm. Nơi nào không đủ duyên, nơi nào họ không tiếp nhận thì ta từ bỏ nơi đó, coi như Phật sự viên mãn. Lòng tốt luôn luôn được tiếp nhận. Rất nhiều nơi tận hư không pháp giới cần lắm những tấm lòng. Nếu có cưỡng cầu là có tư lợi. Phải như thế này, phải như thế kia chính là cưỡng cầu, chí công nhưng không vô tư, thành ý nhưng không chánh tâm.
Trong bài giảng “Kinh Vô Lượng Thọ” 100, Hoà thượng cực lực tán thán cư sĩ Lâm, trong đó có Hoa Nghiêm song tháp. Đây là đôi là tháp bằng đồng, một bên phụng thờ Đức Tỳ Lô Giá Na, một bên thờ Đức A Di Đà Phật. Khi Thầy đến thăm cư sĩ Lâm, Thầy không thấy bất kỳ một dấu tích, một hình ảnh, một băng đĩa nào của Hòa Thượng. Thầy hỏi thì một người ở đó đã trả lời một cách vô cùng bất kính là: “Ở đây không có loại đó”.
Cư sĩ Lâm là nơi Hòa Thượng đã từng có một thời gian khoảng 5 - 7 năm để giảng Kinh ở đó. Ngài từng tán thán nơi đó nhưng sau đó Ngài đã rời đi khỏi nơi đó. Chúng ta cần pháp tòa – nơi có thể nói pháp. Pháp tòa thì không ai tranh dành. Họ cần danh vọng lợi dưỡng thì mình nhường cho họ. Đó mới là tùy duyên. Nơi nào phan duyên cưỡng cầu thì nơi đó có tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng. Lợi với lợi gặp nhau thì sinh mâu thuẫn, bất hòa. Tâm tràn đầy tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng thì đều là cưỡng cầu, phan duyên.
Người truyền dạy đạo đức cũng phải xem việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích của người khác hay không. Mặc dù chúng ta làm miễn phí nhưng chúng ta cũng phải xem việc làm của chúng ta có ảnh hưởng đến lợi ích, có tổn hại đến tư lợi của người khác hay không. Không phải vì chúng ta làm miễn phí mà chúng ta làm ảnh hưởng đến tư lợi của người khác. Nơi nào họ hoàn toàn hoan nghênh thì chúng ta làm. Đó là tùy duyên.
Hòa Thượng nói: “Bổn phận của mình là người giáo dục Phật pháp, giáo dục tôn giáo. Nơi nào họ đồng ý cho ta nói thì ta tận tân tận lực mà nói. Nói một lần mà họ chưa nghe thì ta nói hai lần, ba lần, nhiều lần. Ta nói đến khi nào họ đuổi không cho nói thì ta ra đi”.
Có một lần Thầy đi giảng ở một đạo tràng ở miền Bắc, họ cúng dường 5 – 6 phong bì. Thầy nhờ một người đi cùng cúng dường những phong bì đó đặt vào thùng ở Tam Bảo nơi Chánh Điện. Đó mới là chân thật biết sài tiền.
Năm nay chúng ta không tổ chức được pháp hội ở chùa Tiên Châu, Cần Thơ - Vĩnh Long. Trước khi chính quyền địa phương thông báo không tụ tập nơi đông người thì chúng ta tuyên bố không tổ chức pháp hội vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Mọi việc chi phí tổ chức, chuẩn bị đều được bù đắp để họ sau này vẫn hoan nghênh chúng ta, để họ không bị gặp khó.
Người ta tranh giành thì mình nhường, nơi nơi đều thoái nhường, nhường đến lúc thành tựu đạo quả. Người học Phật là người tình nguyện làm người thiệt thòi, dành tất cả sự thuận tiện, tốt đẹp cho chúng sanh, cho nên không cần thiết phải tranh giành bất cứ thứ gì.
Hòa Thượng dạy: “Người chân thật học Phật thì tâm địa nhất định thanh tịnh, bình đẳng, không phân biệt, không cưỡng cầu, không tự tư tự lợi”. Ngài đã chứng thực điều này nên mới nói ra được như vậy.
Thầy có lần đã trút hầu bao để cúng dường trong một pháp hội có Hòa Thượng giảng. Đồng thời, Thầy đã cúng dường Hòa Thượng một bức ảnh thêu hình ảnh Phật A Di Đà rất đẹp và trang nghiêm để bày tỏ tấm lòng của người Việt. Công đức nhiều ít là ở nơi tâm của chính mình. Nhưng Hòa Thượng không hề nhận những cúng dường đó. Cả đời Ngài không quản tiền, không quản việc, không quản người. Chúng ta cúng dường bao nhiêu tiền thì Ngài cũng không xem, không biết đến, không nhận. Tất cả Ngài đều để lại ở nơi đó, vì vậy tâm của Ngài Thanh Tịnh.