186Thứ Ba, 21/03/2023, 13:17
1194 · Vẫn Dùng Cái Tâm Hư Giả Để Niệm Phật, Để Đối Nhân Xử Thế Thì Không Thể Vãng Sanh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 21/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1194

“VẪN DÙNG CÁI TÂM HƯ GIẢ ĐỂ NIỆM PHẬT, ĐỂ ĐỐI NHÂN XỬ THẾ THÌ KHÔNG THỂ VÃNG SANH”

Trong các đề tài cuối, Hòa Thượng nhắc chúng ta về cách dụng tâm để niệm Phật. Người một ngày niệm Phật vài vạn câu, lạy Phật vài trăm lạy nhưng vẫn còn tâm hư danh thì họ giống như người xưa nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm, rát họng cũng uổng công”. Người không niệm Phật nhưng họ luôn dùng tâm chân thành đối nhân xử thế, tiếp vật thì khi mất họ cũng sẽ được sinh về cõi lành. Nếu họ có nhân duyên gặp Phật pháp, họ chỉ cần niệm một vài câu Phật hiệu thì họ cũng có thể vãng sanh. Chúng ta học Phật chính là học cách dụng tâm của Phật, Phật dụng tâm như thế nào thì chúng ta phải dụng tâm như thế đó. Chúng ta dụng tâm giống như Phật thì chúng ta niệm Phật sẽ tương ưng với Phật. Đề Kinh của “Kinh Vô Lượng Thọ” là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Nếu chúng ta không dùng tâm này để niệm Phật thì chúng ta niệm Phật chỉ “đau mồm, rát họng cũng uổng công”.

Một số người niệm Phật không có thành tựu nên họ cho rằng pháp môn niệm Phật là ngụy tạo. Họ dùng tâm được mất, tốt xấu, hơn thua để đối đãi với người vậy thì họ niệm Phật nhiều cũng không thể có thành tựu. Nếu chúng ta dùng tâm chân thành niệm Phật còn trong đối nhân xử thế chúng ta tùy từng người mà dụng tâm vậy thì chúng ta đã có hai tâm. Nếu chúng ta có hai tâm thì tâm chúng ta vẫn còn phân biệt, chấp trước. Chúng ta niệm Phật nhiều nhưng chúng ta không dùng tâm chân thành để niệm thì chúng ta không thể có kết quả.

Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Nếu chúng ta ở trong vòng sinh tử luân hồi thì chúng ta sẽ ngày càng xuống thấp hơn”. Chúng ta đều vẫn còn “tham, sân, si”, chúng ta đã nhiễm tam độc từ nhiều đời, nhiều kiếp nên đời sau chúng ta thường sẽ càng xuống thấp hơn. Đời này, chúng ta có thân người nên chúng ta có một chút thông minh nhưng đời sau, trí tuệ chúng ta sẽ kém hơn, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Trí tuệ của chúng ta kém hơn thì chúng ta sẽ tạo nghiệp nhiều hơn. Đời này, chúng ta bắt tay chào nhau nhưng đời sau gặp nhau thì chúng ta có thể sẽ vẫy đuôi hay vỗ cánh chào nhau! Nếu chúng ta khắc chế được “tham, sân, si”, khắc chế được phiền não, chúng ta không để chúng khởi tác dụng thì chúng ta có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Điều này giống như chúng ta dùng một tảng đá để đè lên đám cỏ để chúng không thể tiếp tục phát triển. Những cây cỏ này vẫn còn rễ, nếu chúng ta bỏ tảng đá đi thì những cây cỏ đó sẽ tiếp tục phát triển.

Người xưa dạy: “Đối với tập khí, phiền não phải đuổi cùng diệt tận”. Chúng ta phải quán sát từng tập khí, phiền não của mình để chúng ta kiểm soát, không cho chúng khởi tác dụng. Mỗi ngày chúng ta phải phản tỉnh suốt 24 giờ, chúng ta tự phản tỉnh chính là chúng ta giác ngộ. Trong giấc ngủ, dù chúng ta nằm mơ nhưng chúng ta vẫn phải phản tỉnh. Nếu người xưa nằm mơ thấy mình đi ăn trộm trái cây của người khác thì khi họ tỉnh dậy họ sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Họ sẽ quán sát lại khởi tâm động niệm hàng ngày của chính mình. Đã từ rất lâu, khi nằm ngủ tôi không nằm mộng, chúng ta giảm đi những suy nghĩ về mình, về những việc không cần thiết thì tâm chúng ta sẽ an. Hòa Thượng nói: “Cuộc đời của tôi là một mảng chân thành”. Tôi học theo, làm theo Ngài gần hai mươi năm vẫn chưa giống! Chúng ta vẫn dùng tâm hư giả để niệm Phật thì chúng ta không thể vãng sanh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta không vãng sanh thì chúng ta vẫn phải tiếp tục luân hồi. Trong vòng sinh tử luân hồi chúng ta càng lúc sẽ càng tệ hơn, đời sau sẽ không bằng đời trước. Chúng ta không cần nghĩ đến đời quá khứ, cũng không cần nghĩ đến đời tương lai, chúng ta quán sát ngay trong đời này thì chúng ta sẽ hiểu được chân tướng sự thật này! Đời này, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, hành động là thiện nhiều hay ác nhiều? Nếu ngay trong đời này, chúng ta khởi niệm ác nhiều, chúng ta nhìn người khác không vừa mắt, không hài lòng thì quả báo đời sau của chúng ta đương nhiên là ác nhiều hơn thiện, khổ nhiều hơn vui. Việc này chắc chắn không thể khác được!”. Đời này, chúng ta thuận mắt ít, thiện niệm ít thì chắc chắn đời sau của chúng ta sẽ nhận quả báo ác nhiều hơn quả báo thiện. Trong vòng sinh tử luân hồi, nhân quả không sót lọt một mảy may.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook