Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 19/03/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1192
“TÂM THUẦN TỊNH, HẠNH THUẦN THIỆN, CON NGƯỜI NÀY THÀNH PHẬT ĐƯỢC RỒI!”
Người tu hành phải chú trọng đến tâm hạnh. Tâm chúng ta phải thuần tịnh. “Hạnh” là hành vi, hành vi của chúng ta phải thuần thiện. Tâm thuần tịnh, hạnh thuần thiện đến mức độ cao nhất thì chúng ta sẽ trở thành Phật. Tôn giáo nào không hướng con người đến tâm thuần thịnh, hạnh thuần thiện thì tôn giáo đó không phải là chánh giáo. Chúng ta tu hành tà ma ngoại đạo thì tâm chúng ta sẽ tùy tiện, phóng túng.
Hòa Thượng nói: “Tổng cương lĩnh tu hành của Phật pháp là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Đây chính là Phật tâm. Phật hạnh là “Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Phật tâm, Phật hạnh là tâm thuần tịnh, hạnh thuần thiện”. Chúng ta đạt đến tâm thuần tịnh, hạnh thuần thiện thì chúng ta đã trở thành Phật. Tất cả chúng sanh đều có thể đạt đến quả vị Phật nếu chúng ta làm được đúng tiêu chuẩn.
Hòa Thượng nói: “Tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Đây là nhân tố thứ nhất để chúng ta vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nhân tố thứ hai đó chính là Mười thiện. Nếu ngay trong đời sống, chúng ta chân thật làm đến được tâm thuần tịnh, hạnh thuần thiện thì chúng ta nhất định có phần ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trên “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” và “Kinh A Di Đà”, Phật nói cho chúng ta đức hiệu của Phật A Di Đà chính là “thanh tịnh, bình đẳng giác”. Chúng ta muốn về được thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tâm chúng ta phải thanh tịnh, bình đẳng giác. Cả đời Hòa Thượng Hải Hiền là một mảng chân thành, thanh tịnh. Ngài đối đãi với mọi người bình đẳng, không phân biệt cao thấp. Hàng ngày, Ngài làm việc chăm chỉ nhưng trong tâm Ngài không rời câu “A Di Đà Phật” đây chính là giác. Trong sự bận rộn mà chúng ta vẫn giữ được chánh niệm thì đây là giác.
Hòa Thượng nói: “Thanh tịnh, bình đẳng giác là đức hiệu của Phật A Di Đà cũng là đề Kinh của “Kinh Vô Lượng Thọ”. Đây là mục tiêu mà cả đời này chúng ta phải nỗ lực học tập, phấn đấu. Thanh tịnh, bình đẳng giác chính là thuần tịnh, thuần thiện. Nếu chúng ta muốn ngay trong đời này tu thành thuần tịnh, thuần thiện thì chúng ta phải buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Chúng ta phải buông bỏ cách nghĩ, cách thấy, cách nói, cách làm của mình vì chắc chắn cách thấy, cách nói, cách làm của chúng ta là sai. Cách thấy, cách nói, cách làm của chúng ta là đúng thì chúng ta đã không còn là phàm phu. Nếu cách thấy, cách nói, cách làm của chúng ta giống như Phật Bồ Tát, Thánh Hiền thì chúng sanh sẽ tự động hướng về chúng ta nương tựa, học tập đây gọi là “chúng tinh cộng nguyệt”. Gần đây, tôi nghe bác Tổng bí thư nói: “Con người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính mà sao chúng ta không làm?”. Chúng ta bị chướng ngại vì chúng ta làm theo cách thấy, cách nói, cách làm của chính mình. Nếu chúng ta chỉ làm một chút việc thiện, niệm một ít câu Phật hiệu thì chúng ta không thể đạt được tiêu chuẩn để trở thành Bồ Tát Bất Thoái.
Hòa Thượng nói: “Quân tử là thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân”. Lời dạy này của Hòa Thượng khiến cho tôi chấn động và ảnh hưởng đến cả cuộc đời tôi. Chúng ta thì “thấy lợi quên nghĩa”. Tôi nghe nói một số cô giáo có ý định nghỉ không làm việc nữa, các cô muốn tìm công việc có mức thu nhập cao hơn. Nghe thấy điều này thì tôi cảm thấy như phải nuốt nước mắt vào trong!
Hòa Thượng nói: “Tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ưa thích những cám dỗ, dục vọng ở thế gian chính là tâm sinh tử luân hồi. Chúng ta buông bỏ tâm sinh tử luân hồi thì chúng ta có thể siêu vượt luân hồi. Cư dân của thế giới Tây Phương Cực Lạc đều đã đoạn tận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu chúng ta vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vẫn còn xen tạp thì chúng ta không đủ tư cách trở thành cư dân của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, không có những danh xưng như vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thậm chí ngay đến ý niệm về những danh xưng này cũng không có”. Cư dân ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ý niệm về vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ở đó cũng không có Tam đồ ác đạo vì chúng sanh nơi đó là thuần tịnh, thuần thiện.