Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 15/03/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1188
“NGƯỜI MỘT LÒNG MỘT DẠ NIỆM PHẬT LÀ NGƯỜI CÓ TRÍ TUỆ”
Hòa Thượng nói: “Người một lòng, một dạ niệm Phật là người có trí tuệ”. Người một lòng một dạ niệm Phật là người biết rằng, ngoài niệm Phật thì tất cả những niệm khác là vọng niệm. Vọng niệm sẽ cản trở tự tánh thanh tịnh của chúng ta. Hàng ngày, chúng ta niệm Phật ít nhưng niệm phiền não nhiều.
Hòa Thượng nói: “Trí tuệ từ tâm thanh tịnh lưu xuất ra. Chúng ta học Phật pháp thì chúng ta phải có trí tuệ. Chúng ta có định thì chúng ta sẽ có trí tuệ. Định chính là tâm thanh tịnh”. Chúng ta làm việc thuận theo tính đức thì chúng ta là người có trí tuệ. Tự tánh của chúng ta là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Ở thế gian, nhiều người có học vấn, trình độ cao nhưng họ dùng kiến thức đó để đi lừa gạt người khác. Người có trí tuệ thì họ sẽ không vì vinh hoa phú quý mà hại người. Gần đây, có nhiều công nhân bị dụ dỗ sử dụng hình thức vay tiền để tiêu trước sau đó họ mới trả tiền, tiền lãi suất cao nên sau đó những người công nhân này bị vỡ nợ. Trí tuệ chân thật được lưu xuất ra từ tự tánh. Tri thức thế gian lưu xuất ra từ vọng tưởng, phiền não. Người có trí tuệ chân thật thì họ sẽ chỉ nghĩ đến làm việc lợi ích cho chúng sanh. Người thế gian không hiểu rằng cho đi là được, cho đi là nhận, cho đi càng nhiều thì nhận càng nhiều! Người có trí tuệ chân thật thì họ sẽ phục vụ chúng sanh vô điều kiện. Tri thức thế gian từ tâm ý thức lưu xuất ra. Tâm ý thức của con người luôn tràn đầy “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”.
Hòa Thượng nói: “Từ trong tâm ý thức lưu xuất ra thế trí biện thông. Nếu chúng ta dùng tâm ý thức này làm thiện, tu hành thì chắc chắn chúng ta sẽ không có kết quả”. Chúng ta phải dùng tâm thanh tịnh làm thiện, tu hành, đối nhân xử thế tiếp vật thì chúng ta mới có thành tựu. Chúng ta dùng tâm “tự tư tự lợi” đối nhân xử thế thì cả chúng ta và chúng sanh đều không được lợi. Người có trí tuệ biện thông thì chắc chắn họ sẽ làm những việc lợi mình, hại người. Vừa đây báo chí có đưa tin, có một cửa hàng sửa xe đã tháo bộ lốp ô tô trị giá hơn một trăm triệu của khách mang đi bán với giá bảy triệu. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mà làm tổn hại đến lợi ích của người khác. Trong bộ sách “Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc”, Thầy Thái kể, có một người nghèo khổ được một tên cướp cho vàng bạc mà hắn đã cướp được nhưng người nghèo khổ này kiên quyết không dùng những đồ mà tên cướp đã cho.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta tụng kinh, chúng ta rời xa phân biệt, chấp trước thì chúng ta tường tận mọi thứ. Đây chính là trí tuệ chân thật. Chúng ta tụng Kinh, chúng ta không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không cầu hiểu được nghĩa Kinh thì đó là chúng ta đã tu giới, tu định, tu huệ. Chúng ta phải nỗ lực, chăm chỉ đoạn ác, tu thiện, tu Giác – Chánh – Tịnh. Chúng ta khai mở được trí tuệ thì chúng ta có năng lực phân biệt chân vọng, tà chánh, lợi hại, được mất”. Nếu chúng ta vừa tụng Kinh vừa cầu để hiểu được nội dung của Kinh thì đó là chúng ta đang vọng tưởng. Chúng ta chỉ cần dùng tâm thanh tịnh, nhất tâm đọc từng biến, từng biến là được! Nếu chúng ta vừa tụng Kinh vừa cầu mong được vãng sanh thì chúng ta cũng làm mất đi tâm thanh tịnh.
Hòa Thượng nói: “Trong trí tuệ của chúng ta có tất cả tài nghệ và vô lượng vô biên phước báu. Chúng ta có trí tuệ thì chúng ta có thể giải quyết được mọi vấn đề một cách triệt để. Trên Kinh Phật nói, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai nhưng vọng tưởng, chấp trước đã che mất trí tuệ của chúng ta. Chúng ta muốn có được trí tuệ này thì chúng ta phải buông xuống tất cả vọng tưởng, chấp trước”. Sự chấp trước của chúng ta rất đáng sợ! Chúng ta luôn cho rằng: “Tôi nghĩ như thế này!”, “Tôi làm như thế này!”. Chúng ta phải buông bỏ cách thấy, cách nói, cách làm của chính mình. Chúng ta phải học theo cách thấy, cách nói, cách làm của Phật Bồ Tát, của những người có nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta. Chúng ta “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng, là biết, là hơn người thì chúng ta sẽ gây ra tai họa!