
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 26/02/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1171
“NGƯỜI THẾ GIAN MONG CẦU KHÔNG ĐƯỢC, CHÚNG TA THÌ HỮU CẦU TẤT ỨNG”
Trong suốt cuộc đời hoằng hóa Phật pháp của Hòa Thượng, Ngài cầu thì đều có được. Hòa Thượng nói: “Người thế gian mong cầu không được còn chúng ta hữu cầu tất ứng”. Chúng ta mong cầu chúng sanh có đời sống an vui, hạnh phúc nên chúng ta có cầu liền có ứng, thậm chí cảm ứng là không phải nghĩ bàn.
Người thế gian mong cầu để được thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần”. Chúng ta không thể thoả mãn được “năm dục sáu trần”. Chúng ta muốn thỏa mãn “năm dục sáu trần” thì giống như chúng ta khát mà chúng ta uống nước muối. Chúng ta càng uống nước muối thì chúng ta càng khát, chúng ta càng nhiễm độc. Thí dụ, khi chúng ta nghèo, chúng ta chỉ mong có một mái nhà tranh, có cơm no, áo ấm, khi chúng ta có được những thứ này thì chúng ta lại mong cầu những thứ khác.
Hòa Thượng nói: “Người ta thì luôn cảm thấy thiếu thốn đủ thứ còn tôi thì luôn cảm thấy quá dư!”. Tôi có ba bộ đồ, một bộ tôi đang mặc, một bộ đang giặt, một bộ ở trong tủ là tôi đã cảm thấy quá nhiều. Có những người có vài chục, vài trăm bộ đồ rồi mà họ vẫn cảm thấy thiếu. Cách đây hơn 10 năm tôi đã ngộ ra một điều: “Tại sao cuộc đời của chúng ta lại đi làm đẹp cho cái nhìn của người khác!”. Chúng ta ăn mặc tươm tất, sạch sẽ, đoan trang là đủ chứ chúng ta không cần quá cầu kỳ trong ăn mặc. Chúng ta thỏa mãn cái nhìn của người khác chính là chúng ta đang thỏa mãn cái nhìn của chính mình hay nhà Phật nói, chúng ta đang thỏa mãn cái ta, cái tự ngã của chính mình.
Một lần đi giảng, tôi mặc một bộ đồ rất lịch sự gồm áo sơ-mi, quần kaki, tôi hỏi học trò bộ đồ tôi đang mặc bao nhiêu tiền. Mọi người đều đoán 500.000đ, 600.000đ nhưng bộ quần áo tôi mua với giá 18.000đ. Tôi mua lại bộ quần áo của một người bạn bán quần áo cũ. Chính ta đều bị sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp của chúng ta đã đánh lừa. Khi chúng ta nhìn thấy sự vật, sự việc thì chúng ta liền khởi tâm phân biệt, chấp trước. Thí dụ, chúng ta nghĩ rằng người này chắc sẽ không mặc lại đồ cũ thì đó là chúng ta đã bị cái nhìn của mình đánh lừa. Ngày ăn hỏi con gái tôi, tôi cũng mặc một bộ đồ vest, mọi người đoán bộ đồ đó rất đắt tiền nhưng đó là bộ đồ 0 đồng. Học trò của tôi ở nước ngoài nhặt được một bộ đồ người khác bỏ đi và gửi về cho tôi. Chúng ta luôn bị cái thấy, sự phân biệt, chấp trước của mình lừa!
Ngày trước đi đâu tôi cũng phải ủi quần áo thật tươm tất. Tôi có một chiếc xe đạp, tôi thường lau từng nan bánh xe, gắn bóng đèn để chiếc xe luôn sáng loáng. Sau đó, tôi tự phản tỉnh, tại sao mình phải khổ sở như vậy! Hiện tại, tôi mặc là để phù hợp với hoàn cảnh, mọi người muốn tôi mặc như vậy thì tôi mặc. Người xưa nói: “Người ở giữa giang hồ, không thể vì chính mình”.
Hòa Thượng nói: “Người thế gian luôn thấy thiếu nhưng chúng ta thì quá dư vậy thì chúng ta nên giúp đỡ cho họ. Đây chính là chúng ta bố thí. Chúng ta bố thí nhất định chúng ta không thiệt thòi, chúng ta sẽ nhận được quả từ sự bố thí của chúng ta”. Chúng ta bố thí, cúng dường phải chân thật lợi ích cho người.
Khi tôi còn làm ở nhà sách, một hôm, có người hỏi mua cuốn “Quan Âm Cứu Khổ”, họ muốn phô-tô 1000 quyển, họ cho rằng nếu tặng cuốn sách này thì họ sẽ tai qua, nạn khỏi. Tôi nói với họ, không nên phô-tô sách vì sách phô-tô sẽ rất mờ, ở gần đây, có một người phụ nữ đang rất cần được hỗ trợ tiền để nuôi con nhỏ. Sau khi nghe tôi nói, họ vẫn chỉ muốn dùng tiền để phô-tô cuốn sách mà không muốn giúp hai mẹ con đang gặp khó khăn. Thời điểm đó, cuộc sống của tôi rất khó khăn, nhưng tôi vẫn tặng hai mẹ con đó một số tiền và khuyên cô đi bán vé số để có thu nhập nuôi con. Chúng ta bố thí thì việc bố thí đó phải thiết thực lợi ích chúng sanh. Nhà Phật nói: “Bố thí chúng sanh chính là cúng dường chư Phật”.
Chúng ta dâng lên Phật trái cây nhập ngoại, hương trầm đó chỉ là thỏa mãn cái ta của mình. Các chúng sanh trong quá khứ đều là Cha Mẹ, hiện tại họ là đồng loại và tương lai, họ là một vị Phật. “Tương lai” có thể là vô thị kiếp nữa. Thích Ca Mâu Ni Phật đã khẳng định: “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”. Chúng ta cúng dường một người thì đó là chúng ta cúng dường Cha Mẹ ở đời quá khứ và một vị Phật ở tương lai. Chúng ta hành bố thí thì chúng ta phải có trí tuệ để việc bố thí thật sự thiết thực.
Khi chúng ta tổ chức ngày lễ vía Phật A Di Đà ở chùa Phước Hậu, chúng ta tặng 200 phần quà cho những người khó khăn, chi phí chúng ta mua quà không nhiều nhưng những người nhận được đều rất vui. Nếu chúng ta dùng tiền để đi chơi hoặc gửi ngân hàng thì việc làm đó không thiết thực. Chúng ta muốn làm được việc thiết thực lợi ích chúng sanh thì chúng ta phải dùng trí tuệ. Chúng ta không có trí tuệ thì chúng ta phải nương nhờ trí tuệ của các vị Phật Bồ Tát, các bậc Lão tu.
Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta càng thí thì càng có nhiều. Phàm phu không hiểu được những lời này! Họ không tin tưởng những lời Phật nói. Họ cho rằng, họ kiếm được tiền không dễ dàng, họ đã phải rất khổ nhọc vậy thì làm sao mà họ có thể cho đi được! Họ không biết rằng “xả là đắc”, xả đi là nhất định có được. Chúng ta không xả thì chúng ta nhất định không có được. Những người có học vấn, có trí tuệ là do đời trước họ đã bố thí pháp”.
Hòa Thượng từng nói: “Đời trước tôi có bố thí pháp nên đời này, tôi có một chút trí tuệ. Đời trước tôi không bố thí tài nên ngày trước, đời sống của tôi vô cùng khó khăn”. “Ngoại tài” là tiền tài vật chất. “Nội tài” là năng lực, sức khỏe của chúng ta. Tôi trước đây cũng không có tiền tài, tôi tích cực bố thí pháp, tôi càng làm càng nhận thấy những lợi ích thiết thực. Hòa Thượng nói: “Bố thí pháp thù thắng hơn bố thí tài”. “Pháp” là Phật pháp, phương pháp. Hiện tại, chúng ta nhắc nhở mọi người chuẩn mực làm người, nhắc mọi người biết tri ân, báo ân với quốc gia, dân tộc, Cha Mẹ, những người thành toàn cho mình đó là chúng ta bố thí pháp. Chúng ta mở trường dạy chuẩn mực làm người cho các con đó cũng là chúng ta đang bố thí pháp. Chúng ta làm những việc lợi ích chúng sanh đó chỉ là tu phước. Chúng ta tu phước thì chúng ta không thể giải thoát. Chúng ta muốn giải thoát thì chúng ta phải phước huệ song tu.
Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” Phật nói: “Cho dù chúng ta cúng dường hằng sa Phật cũng không bằng chúng ta kiên dũng cầu chánh giác”. Chúng ta cúng dường hằng sa Thánh thì chúng ta có phước báu vô lượng nhưng điều này cũng không bằng việc chúng ta lão thật niệm Phật. Nhiều người cho rằng “lão thật niệm Phật” là chúng ta chỉ cần niệm Phật là đủ. “Lão thật” là tâm chúng ta không xen tạp “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”. Chúng ta dùng tâm trong sạch, lão thật đó để niệm Phật. Chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh đó là chúng ta phát tâm Bồ Đề, chúng ta tu phước. Chúng ta phải vừa tu phước vừa tu huệ. Nhà Phật nói, chúng ta tu phước mà chúng ta không tu huệ thì đời sau, chúng ta có thể thành bạch tượng, trên thân đeo nhiều ngọc ngà nhưng chúng ta bị người khác cưỡi. Người có trí tuệ mà không tu phước thì ngay đến A-la-hán khi đi khất thực cũng không có người cúng dường. Nhiều người chỉ tu phước hoặc chỉ tu huệ, chúng ta nghiêng về một việc thì chúng ta đều đang làm sai!
Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta tu phước thì chúng ta có phước báu. Chúng ta tu huệ sẽ giúp chúng ta vượt thoát sinh tử”. Chúng ta không được xem trọng việc nào hơn mà chúng ta phải phước huệ song tu. Chúng ta muốn tu phước cũng không dễ dàng! Chúng ta phải có phước thì chúng ta mới tu được phước. Chúng ta phải tu phước, tiếc phước, tích phước thì chúng ta mới có phước báu. Hàng ngày, chúng ta vẫn đang lãng phí phước báu. Chúng ta càng có phước thì ứng nghiệm của chúng ta càng thù thắng. Hiện tại, chúng ta có rất nhiều rau sạch để mang tặng cho mọi người, chúng ta không có ngoại tài thì chúng ta bố thí nội tài. Chúng ta dùng sức khỏe, năng lực để tạo ra vật chất, chúng ta mang vật chất đó để bố thí, cúng dường. Tôi không bắt đầu từ bố thí tiền mà tôi bắt đầu bằng sự nỗ lực làm việc của mình. Chúng ta ăn chay, phóng sanh, hộ sanh, in Kinh sách thiện là chúng ta bố thí vô úy. Nếu chúng ta toàn tâm toàn ý làm thì chắc chắn chúng ta nhận được quả báo là khỏe mạnh, sống lâu. Tôi có thể sống đến hiện tại cũng là do tôi tích cực bố thí vô úy, bố thí vật chất do chính mình lao động cực nhọc làm ra.
Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta phải thật làm! Chúng ta thật làm thì chúng ta mới thật có phước báu, có trí tuệ, khỏe mạnh, sống lâu”. Chúng ta không làm ở trên hình tướng mà chúng ta phải làm bằng tâm chân thành của chính mình. Chúng ta phải thật làm chứ không có một vị Thần nào có thể ban cho chúng ta. Người xưa nói: “Quân tử thì vui làm quân tử. Tiểu nhân có oan ức cũng vui làm tiểu nhân”. Chúng ta có phước thì chúng ta tự tại hưởng phước. Chúng ta không có phước thì chúng ta sống trong cảnh nghèo khổ, chúng ta có oán trách cũng không thể thay đổi được.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn có được phước báu thì chúng ta phải tu nhân thiện. Nếu chúng ta đã tạo ra nhiều nhân bất thiện thì quả báo của chúng ta sẽ là khổ nói không ra lời. Tôi nhìn thấy nhiều người mong cầu nhưng không được còn tôi mới nghĩ đến thì kết quả đã không phải nghĩ bàn!”. Hòa Thượng vừa nghĩ đến việc xây dựng một trung tâm giáo dục “Đệ Tử Quy” thì có người đến phát tâm. Họ nói với Hòa Thượng, họ được thừa kế một khoản tiền lớn từ Cha, họ muốn nhờ Hòa Thượng dùng số tiền này làm giáo dục để hồi hướng công đức cho Cha. Chúng ta cầu mà không ứng vì chúng ta vẫn còn “tự tư tự lợi”. Hòa Thượng nghĩ đến chúng sanh nên Ngài cầu là được. Chúng ta muốn thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”, chúng ta cầu cho mình nên chúng ta cầu cũng không được!
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!