175Thứ Sáu, 24/02/2023, 15:42
1169 · Thân Khỏe Tâm An Mới Hưng Được Đạo

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 24/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1169

“THÂN KHỎE, TÂM AN MỚI HƯNG ĐƯỢC ĐẠO”

Nhiều người tu hành sai nên họ làm thân thể của họ gầy yếu thậm chí là mang nhiều bệnh tật. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật bắt đầu tu hành, trong sáu năm đầu tiên, có giai đoạn Ngài cũng nhịn ăn, thân thể gầy yếu chỉ còn da bọc xương nhưng Ngài vẫn không thể thành Đạo. Sau đó, có một vị Thiên Nhân xuống gảy đàn cho Thích Ca Mâu Ni Phật nghe, vị Tiên Nhân biểu diễn cho Ngài thấy, khi dây đàn căng quá thì tiếng đàn không hay và dây đàn có thể bị đứt, khi dây đàn quá trùng thì đàn không thể phát ra âm thanh, khi dây đàn có độ căng vừa đủ thì tiếng đàn rất du dương.

Hiện tại, có người cho rằng người tu hành phải xa lìa cám dỗ nên họ ăn mặc rất lôi thôi, tự cắt tỉa tóc. Chúng ta làm ra hình tượng người tu học như vậy thì người ta cảm thấy sợ. Trước đây, tôi cũng như vậy, khi tôi mới niệm Phật, tôi cũng mặc bộ quần áo nâu hoặc lam xộc xệch. Khi tôi nghe Hòa Thượng giảng pháp, tôi dần dần hiểu ra, chúng ta tu hành, chúng ta chỉ buông xả trên tâm, chúng ta không dính mắc ở trên tâm còn thân tướng chúng ta phải phù hợp với hoàn cảnh. Chúng ta làm vừa vặn, thích hợp, không cần quá cầu kỳ, lãng phí.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta ăn là vì chúng sanh, chúng ta ngủ cũng là vì chúng sanh”. Nếu tất cả khởi tâm động niệm của chúng ta là vì chúng sanh thì những việc làm của chúng ta cũng là vì chúng sanh. Thí dụ, sau khi học xong lớp tối hôm qua, khi 10 giờ tôi đi ngủ để sáng nay tôi dạy trước 3 giờ 40 phút. Chúng ta ngủ cũng là vì chúng sanh. Trong đời sống sinh hoạt, chúng ta không giữ được hằng tâm, không có thời khóa nhất định thì chúng ta không làm được biểu pháp cho người khác.

Tối qua, tôi ăn cơm cùng các con học sinh tiểu học, tôi hái rất nhiều rau sạch và hướng dẫn các con ăn. Rau xanh rất tốt cho sức khỏe nên tôi nói vui với các con, các con có thể ăn lá lốt để trị ngủ gật, ăn lá mơ để trị bệnh lười biếng. Tôi nói: “Có khi nào các con nhìn thấy Thầy lười biếng không? Thầy luôn làm việc từ sáng đến tối!”. Đó chính là chúng ta làm ra biểu pháp cho chúng sanh. Chúng ta tu học chúng ta phải nắm rõ cương lĩnh tu hành. Hòa Thượng dạy chúng ta buông xả trên tâm chứ không buông xả trên sự. Chúng ta ở hoàn cảnh nào thì chúng ta phải ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh đó.

Ngày trước, ở trong một quán cà-phê ở Đà Lạt, tôi nhìn thấy một người phụ nữ mặc áo nâu của nhà Phật nhưng tay áo xắn cao, vừa ngồi vừa nói chuyện điện thoại rất to. Chúng ta làm ra hình tượng như vậy thì chúng ta không thể cảm hóa được người khác mà chúng ta làm chúng sanh mất đi niềm tin với người học Phật. Khi chúng ta làm, chúng ta quán chiếu việc làm của chúng ta nếu chúng sanh bắt chước làm theo chúng ta thì có tốt không.

Trong “Kinh Hoa Nghiêm” Phật dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học là để làm Thầy người, làm để làm ra mô phạm cho người. Khi chúng ta học văn hóa truyền thống, Thầy Trần, Thầy Thái cũng nhắc chúng ta việc làm ra tấm gương là vô cùng quan trọng. Người học Phật thân phải khỏe, tâm phải an, chúng ta có thể có bệnh nhưng bệnh không chướng ngại chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh. Tôi có rất nhiều bệnh nhưng tôi vẫn đi đến rất nhiều nơi để làm việc vì chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Đại Thừa, Phật thường nói: “Nhất thiết pháp từ tâm tưởng sanh”. Tất cả pháp là từ tâm của chúng ta sinh ra. Chúng ta chú tâm đến bệnh của chúng ta thì chúng ta sẽ càng có nhiều bệnh, bệnh sẽ ngày càng trầm trọng. Chúng ta chỉ chú ý đến những việc cần làm để lợi ích chúng sanh thì chúng ta sẽ quên đi bệnh. Khi chúng ta làm việc vì chúng sanh, tâm chúng ta an vui thì thân chúng ta sẽ tự điều chỉnh. Khi chúng ta học 1200 chuyên đề, có những buổi học tôi rất khó thở, hoa mắt, tôi phải rất chú tâm mới có thể nhìn thấy chữ trên sách. Sau khi học xong 1200 chuyên đề, chúng ta sẽ cùng học tiếp “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”.

Người thế gian cũng nói: “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”. Chúng ta điều chỉnh tâm vào một việc thì chúng ta sẽ làm việc đó một cách tốt nhất. Nếu chúng ta xác định khoảng thời gian từ 4 giờ đến 6 giờ sáng là thời gian học tập, không thể thay đổi thì chúng ta sẽ làm được. Nhiều người cho rằng đó là việc phi thường. Nhiều lần, khi thức dậy, tôi có ý niệm đầu tiên là muốn nằm tiếp nhưng ý niệm thứ hai là tôi phải ngồi dậy ngay. Khi chúng ta học chữ Hán, một số người học rất nhanh khiến những người học lâu năm cũng phải ngạc nhiên. Chúng ta không toàn tâm toàn ý, không “chế tâm nhất xứ” để học thì chúng ta sẽ cảm thấy rất khó khăn. Nếu chúng ta để tâm, hóa mình vào một việc thì chúng ta mới có thể có thành tựu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook