Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 18/02/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1163
“NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ BIẾT NIỆM PHẬT?”
Người xưa nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn. Đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Tay chúng ta lần tràng hạt, miệng chúng ta niệm câu Phật hiệu nhưng tâm chúng ta vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vậy thì chúng ta niệm Phật nhiều như thế nào cũng không thể có thành tựu.
Nhiều người niệm Phật không có thành tựu nên họ cho rằng pháp môn niệm Phật không có hiệu quả. Chúng ta làm sai nguyên lý, nguyên tắc mà chúng ta không biết. Chúng ta cho rằng, chúng ta không có thành tựu do pháp Phật không linh thì chúng ta phạm thêm đại tội hủy báng pháp. Pháp môn niệm Phật nhiều người tu hành đã có thành tựu. Hòa Thượng Hải Hiền niệm Phật tự tại vãng sanh. Sau khi Ngài vãng sanh thì mọi người đem thân của Ngài nhập tháp. Sau 6 năm 100 ngày, mọi người mở tháp ra thì nhìn thấy Hòa Thượng Hải Hiền lưu lại toàn thân xá lợi. Nhiều người tu pháp Tịnh Độ có thành tựu mà chúng ta cho rằng pháp này không có thành tựu thì chúng ta đã phạm vào tội hủy báng Tăng. Pháp Tịnh Độ do Phật nói mà chúng ta không tin thì chúng ta phạm vào tội hủy báng Phật. Chúng sanh thời Mạt pháp đầy những vọng tưởng, phiền não nên chúng ta phải nhờ pháp niệm Phật để khống chế vọng niệm.
Nhiều người cho rằng họ đang an trú trong Thiền định nhưng thực ra họ đang an trú trong vọng tưởng. Người phạm phải tội hủy báng Phật – Pháp - Tăng thì họ sẽ phải đọa Địa ngục Vô gián. Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Như thế nào gọi là biết niệm Phật?”. Tôi niệm Phật hơn 10 năm nhưng tôi niệm Phật vẫn chưa có tâm. Tâm của tôi vẫn vọng tưởng. Tôi vẫn bị chi phối bởi buồn, vui, thương, ghét, giận hờn. Khi tôi tập trung một chút để niệm Phật thì vọng tưởng ùa về. Hàng ngày, những việc xảy ra chúng ta đều lưu lại ấn tượng rất sâu, có những câu chuyện từ khi chúng ta còn học mẫu giáo, học cấp 1 chúng ta vẫn nhớ. Đây là do nghiệp chướng của chúng ta quá sâu nặng.
Hàng ngày, chúng ta gặp nhiều người nếu chúng ta không có ấn tượng, không ghi nhớ thì tâm chúng ta sẽ không bị khởi vọng tưởng. Thí dụ, hôm qua tôi đi mua thuốc, tôi nhớ rất rõ về các cô bán thuốc, vì tác phong của họ quá chậm. Tôi mua một loại thuốc bổ, hai loại thuốc thường nhưng tôi phải đợi hơn một tiếng. Tôi lưu lại ấn tượng nên tôi bị phiền não. Chúng ta quán sát xem chúng ta lưu lại bao nhiêu ấn tượng trong một ngày, một tháng, một năm, một đời? Nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta cũng đã lưu lại ấn tượng. Phật dạy chúng ta phải buông xả vọng tưởng, phiền não, chấp trước để tâm chúng ta trống rỗng, thanh tịnh.
Người xưa nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn. Đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Chúng ta niệm Phật uổng công không phải do pháp Phật không linh mà do chúng ta vừa niệm Phật vừa vọng tưởng. Thế gian pháp cũng nói: “Chế tâm nhất sứ vô sự bất biện”. Chúng ta chế phục, hàng phục tâm ở một chỗ thì tất cả mọi việc chúng ta đều có thể làm được. Chúng ta vừa niệm Phật mà chúng ta vừa vọng tưởng, xen tạp thì người khác nhìn sẽ nhận ra ngay. Hòa Thượng nói: “Làm thế nào là biết niệm Phật?”. Biết niệm Phật là chúng ta buông bỏ vọng tưởng, phiền não trong tâm, giữ tâm thanh tịnh niệm Phật. Hàng ngày, chúng ta không niệm Phật mà chúng ta vẫn đang niệm phiền não, niệm thương ghét, giận hờn.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta niệm Phật, tụng Kinh chúng ta vẫn khởi vọng tưởng vậy thì chúng ta không có được lợi ích. Chúng ta niệm Phật, mục đích là để chúng ta có được tâm thanh tịnh”. Tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta vẫn phiền não, khổ đau. Chúng ta dùng câu “A Di Đà Phật” để loại bỏ tất cả những vọng niệm. Trong pháp môn Tịnh Độ nói: “Một niệm tương ưng một niệm Phật. Niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Chúng ta niệm Phật mà chúng ta bị xen tạp bởi vọng tưởng, phiền não, chấp trước thì chúng ta không có thành tựu.
Hàng ngày, chúng ta đã có quá nhiều vọng niệm nếu chúng ta còn đi tìm kiếm những phương pháp tu hành khác thì tâm chúng ta sẽ càng loạn hơn. Trước đây, khi nghe nói có phương pháp niệm Phật 7 ngày có thành tựu, rất nhiều người đã đi theo. Có những người bị lừa nên họ mất đi niềm tin với Phật pháp. Khi Hòa Thượng giảng Kinh trên đài truyền hình Hoa Tạng, Ngài nói: “36 năm giảng Kinh, thuyết pháp, không một ngày nào không niệm Phật, tụng Kinh thế mà phiền não trong tôi vẫn dấy khởi”. Người có sự phản tỉnh cao thì khi phiền não vừa dấy khởi thì họ đã dập tắt. Chúng ta vẫn bị phiền não dẫn đạo tư tưởng, hành vi nên chúng ta tạo ra tội nghiệp. Hòa Thượng 36 năm giảng Kinh, nói pháp mà vẫn khởi vọng tưởng vậy thì những người đầy tham, sân, si mạn, sau 7 ngày họ không thể có thành tựu!