162Thứ Năm, 16/02/2023, 21:55
1161 · Nghe Không Hiểu Không Cần Phải Tư Duy, Nghiên Cứu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 16/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1161

“NGHE KHÔNG HIỂU KHÔNG CẦN TƯ DUY, KHÔNG CẦN NGHIÊN CỨU”

Khi nghe chúng ta nghe Kinh nếu chúng ta không hiểu thì chúng ta cũng không cần tư duy, không cần nghiên cứu. Nếu chúng ra cố gắng hiểu, chúng ta tư duy, nghiên cứu thì chúng ta sẽ rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Khi nào tâm chúng ta thanh tịnh chúng ta sẽ tự hiểu. Đây là đặc điểm đặc thù chỉ có Phật pháp có. Đối với thế gian pháp, chúng ta muốn hiểu thì chúng ta phải tư duy, nghiên cứu vì học thuật thế gian từ vọng tưởng lưu xuất ra. Phật pháp từ nơi tâm thanh tịnh lưu xuất ra nênchúng ta muốn hiểu Phật pháp chúng ta phải dùng tâm thanh tịnh.

Tôi biết một vị tu hành không cần học qua các trường lớp nhưng sau gần 20 năm tu học thì ông có thể giảng Kinh nói pháp. Vị đó rất chuyên cần tu tập.Mỗi năm ông nhập thất ba lần, mỗi nhập thất kéo dài ba tháng. Ông nhập thất ở một khu riêng biệt, cách xa đại chúng. Khi ở trong thất, ông tuân theo thời khoá nghiêm ngặt, 10 giờ đi ngủ, 3 giờ dậy, mỗi ngày tụng Kinh sáu thời, ngoài ra ông còn đi Kinh hành, đọc Kinh. Mỗi lần ông ra thất thì râu tóc đó đã rất dài, khiến mọi người giật mình khi nhìn thấy ông.

Trên Kinh có nhắc đến một vị Thầy hương đăng, không biết chữ, đầu óc chậm chạp. Mùa hè, mọi người nói với ông, đại chúng mang đồ ra phơi thì ông cũng phải mang đèn sáp ra phơi. Đến buổi chiều đèn sáp tan hết, mọi người không có gì để thắp sáng. Vị hương đăng chuyên cần niệm Phật, một thời gian sau ông biết chữ, biết làm thơ, giảng pháp. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ”. Trong tự tánh vốn sẵn đầy đủ không thiếu thứ gì. Chúng ta quay trở về với tâm thanh tịnh thì tâm thanh tịnh có thể lưu xuất ra tất cả.

Hàng ngày, chúng ta vọng tưởng, phân biệt, chấp trước triền miên nên chúng ta chưa hiểu được Phật Kinh. Tâm chúng ta rỗng rang, thanh tịnh thì chúng ta tự sẽ hiểu. Hòa Thượng nói: “Nghe không hiểu thì chúng ta không cần tư duy, nghiên cứu. Nếu chúng ta tư duy, nghiên cứu để hiểu thì chúng ta đã vọng tưởng”. Chúng ta vọng tưởng thì chúng ta đã hiểu theo cách của mình chứ chúng ta không đúng nghĩa mà Phật Bồ Tát đã dạy. Chúng ta dùng tâm trống rỗng lắng nghe lời giảng của Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức nhiều ngày thì nhất định sẽ hiểu.

Có nhiều người lo lắng vì họ nghe nhưng không hiểu. Chúng ta dùng tâm rỗng rang, tâm thanh tịnh nghe nhiều lần thì chúng ta sẽ tự hiểu ra. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta sẽ dần dần hiểu ra một cách thấu đáo, tường tận. Hòa Thượng không khuyến khích chúng ta vừa nghe vừa ghi chép. Chúng ta phải tiếp nhận lời giảng của các Ngài bằng tâm thanh tịnh.

Hòa Thượng nói: “Người biết học thì họ sẽ học từ nơi căn bản”. “Căn bản” chính là tâm thanh tịnh, vô tư, vô cầu. Thí dụ, trước khi chúng ta vào học lớp “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, chúng ta nghiên cứu trước các nội dung thì đó là chúng ta đang vọng tưởng. Chúng ta nghe nhiều lần thì chúng ta sẽ tự hiểu ra. Chúng ta nghiên cứu để chúng ta nói cho hay nhưng người khác nghe không hiểu, thậm chí chúng ta cũng không hiểu thì chúng ta không có được lợi ích.

Hòa Thượng nói: “Tâm thanh tịnh có thể sinh trí tuệ, sinh phước báu. Tâm của chúng ta thanh tịnh thì chúng ta sẽ có phước báu tràn đầy. Điều này rất vi diệu! Trong nhà Phật có nguyên tắc, nếu chúng ta nghe mà chúng ta hiểu thì rất tốt, nếu chúng ta nghe nhưng không hiểu thì chúng ta cũng không cần phải nghiên cứu, tư duy. Chúng ta nghiên cứu thì chúng ta dùng tâm ý thức vậy thì chúng ta đã sai rồi!”. Nhiều người cho rằng muốn có phước báu thì phải làm nhiều việc. Tâm chúng ta chỉ cần se se thanh tịnh, không còn phiền não, vọng động thì tự khắc chúng ta sẽ hiểu được Kinh phật.

Khi nước hồ có nhiều bùn thì chúng ta không thể nhìn thấy đáy hồ, nếu bùn lắng xuống, nước trong hồ trong xanh thì chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ. Vào buổi đêm, chúng ta nhìn thấy mặt trăng trên mặt hồ, nếu chúng ta dùng tay để vớt trăng, nước hồ lay động thì chúng ta sẽ không nhìn thấy trăng nữa. Tâm chúng ta giống như chiếc gương soi, chúng ta có thể nhìn thấu hết mọi vật. Nếu lâu ngày chúng ta không lau tấm gương, tấm gương bị phủ bụi thì chúng ta nhìn thấy mọi vật trong gương rất mờ. Bóng đèn ở trong bếp, sau một thời gian khói bám vào làm bóng đèn bị mờ. Chúng ta chỉ cần lau sạch thì bóng đèn lại sáng như trước. “Khói” cũng giống như vọng tưởng, phiền não của chúng ta. “Bóng đèn” giống tâm thanh tịnh của chúng ta. Chúng ta muốn tâm mình thanh tịnh thì chúng ta bỏ đi những suy tư, tính toán, nghiên cứu của mình. Phật không dạy chúng ta nghiên cứu. Ngài dạy chúng ta gạt bỏ vọng tưởng, tạp niệm. Khi nào vọng tưởng, tạp niệm của chúng ta ít đi thì tâm chúng ta sẽ thanh tịnh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook