Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 14/02/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1159
“KHÔNG THỂ TẠP TU, KHÔNG THỂ
LOẠN TU”
Người thế gian nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chúng ta có thể tinh chuyên một nghề thì chúng ta có thể sống được với nghề đó và làm lợi ích cho mọi người. Chúng ta tu học Phật pháp thì chúng ta phải chuyên tu một môn. Phật pháp có rất nhiều tông phái, chúng ta không thể chọn nhiều tông phái, chúng ta tu hành pháp môn niệm Phật thì chúng ta chỉ chuyên tinh niệm một câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta tu Thiền thì chúng ta chuyên thiền, tu Mật thì chúng ta chuyên trì chú. “Bát chánh đạo” là con đường chân chánh hướng đến sự giác ngộ giải thoát bao gồm: “Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định”. Chánh nghiệp là chúng ta làm nghề phải được luật pháp công nhận.
Pháp tu nào của nhà Phật cũng yêu cầu chúng ta đạt đến tâm thanh tịnh. Chúng ta loạn tu, tạp tu thì chúng ta không thể đạt được tâm thanh tịnh. Có những người đi giảng pháp họ nói rằng phương pháp tụng Kinh, trì chú, niệm Phật đều tốt nên khiến người khác loạn tu. Phật nói ra nhiều pháp môn vì chúng sanh có căn tánh khác nhau. Điều này giống như Thầy thuốc kê toa thuốc phải tùy bệnh, tùy cơ địa từng người, người có cơ địa khác nhau thì phương thuốc cũng khác nhau.
Phật là bậc đại trí tuệ, Ngài nói ra nhiều Kinh điển, chúng sanh đời sau không có người giảng dạy nên họ không hiểu rõ, họ gặp pháp nào cũng tu. Nhà Phật gọi đây là: “Tu mù, luyện quáng”. Chúng ta tu hành không có thành tựu không phải do pháp Phật sai mà do chúng ta “tự dĩ vi thị”, chúng ta tự cho mình là đúng. Nếu chúng ta tu hành mà phiền não trong chúng ta không giảm bớt thì chúng ta đã tu sai, chúng ta phải tìm thầy tốt, bạn lành để giúp chúng ta sửa đổi. Phiền não là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Việc tu hành là việc hệ trọng giúp chúng ta vượt thoát sinh tử nên chúng ta phải nhanh chóng, xác quyết. Khi tôi đến đạo tràng, nếu tôi thấy mọi người tu học sai phương pháp thì tôi thẳng thắn chia sẻ để mọi người có thể bắt đầu lại từ đầu.
Các pháp môn mà Phật dạy đều là pháp thù thắng giúp chúng ta đạt được tâm thanh tịnh. Chúng ta tùy tiện chê pháp này thù thắng, pháp kia không thù thắng thì chúng ta đều sai. Những điều Phật nói là từ tâm thanh tịnh lưu xuất ra nên chắc chắn không có tác dụng phụ. Tôi không chia sẻ cách tu trừ khi có nhiều người hỏi nhiều lần. Hòa Thượng chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ nhưng khi Ngài đến đạo tràng tu Thiền thì Ngài chỉ giảng về thiền, không nhắc đến pháp môn Tịnh Độ. Khi Ngài đến giảng đường Thiên Chúa Giáo, Ngài không nhắc đến Phật pháp mà chỉ nói về những lời dạy của Chúa. Đây chính là Ngài tùy thuận, tùy duyên chứ không không phan duyên. Nhiều người phạm phải điều này! Trước đây, tôi đi đâu cũng nói pháp môn niệm Phật là pháp môn tốt nhất nên tôi gây phiền não cho người.
Hòa Thượng nói: “Công phu niệm Phật của chúng ta chính là ở tâm thanh tịnh. Điều quan trọng không phải là chúng ta niệm Phật nhiều hay ít mà quan trọng là sự tinh chuyên khi chúng ta niệm Phật”. Khi chúng ta niệm Phật, điều quan trọng là chúng ta phải giữ được tâm thanh tịnh. Tâm chúng ta khởi câu Phật hiệu, miệng chúng ta niệm, tai chúng ta phải nghe rõ tiếng niệm Phật ở trong tâm. Thí dụ, khi chúng ta niệm “A Di Đà Phật”, tai chúng ta nghe rõ tiếng niệm thì tâm chúng ta sẽ dần dần định. Điều này không đơn giản. Thí dụ, chúng ta vừa lần chàng hạt vừa niệm Phật, chúng ta niệm mười cầu Phật hiệu thì chúng ta lần một hạt, khi chúng ta niệm chưa hết một tràng 18 hạt thì tâm chúng ta đã loạn. Chúng ta dần niệm theo quán tính còn tâm chúng ta đã rơi vào vọng tưởng.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta niệm Phật có lực là khi chúng ta niệm được thân, tâm thanh tịnh. Nếu chúng ta niệm Phật nhưng thân, tâm chúng ta không thể thanh tịnh thì chúng ta niệm Phật nhiều cũng không có lợi ích gì! Nếu chúng ta niệm Phật mà thân tâm của chúng ta được thanh tịnh thì mỗi ngày chúng ta chỉ cần niệm mười niệm”. Nhiều người chỉ chú trọng đến niệm Phật đủ thời khóa nhưng điều quan trọng là thời khoá đó phải giúp thân, tâm chúng ta được thanh tịnh. Chúng ta vừa niệm Phật vừa xen tạp “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì tâm chúng ta không thể thanh tịnh. Tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta không thể tương ưng với cõi Tịnh, chúng ta niệm Phật nhưng chúng ta vẫn đọa Địa ngục.