Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 13/01/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1127
“MỖI NGÀY ĐỀU PHÁT HIỆN RA LỖI LẦM CỦA CHÍNH MÌNH THÌ ĐÂY LÀ TƯỚNG HẢO CHÂN THẬT”
Người xưa nói: “Nhân phi Thánh Hiền, thiện năng vô quá. Quá vật đan cải, thiện mạc đại yên”. Con người không phải Thánh Hiền nên không thể không mắc lỗi. Chúng ta có lỗi lầm mà chúng ta biết sửa đổi thì không gì tốt bằng. Có những người mới tu hành, họ thấy mình có quá nhiều lỗi lầm nên họ mặc cảm, họ không dám ra lạy Phật, họ cho rằng mình tu hành sẽ không thể có thành tựu.
Trong bài trước, Hòa Thượng nhắc, chúng ta có lỗi lầm mà chúng ta nghĩ về nó thì chúng ta đã mắc lại lỗi lầm đó thêm một lần nữa. Thay vì chúng ta nghĩ về lỗi lầm thì chúng ta nghĩ làm thế nào để làm lợi ích cho chúng sanh tốt hơn. Chúng ta học theo tâm đại từ, đại bi của Phật Bồ Tát bằng cách chúng ta tranh thủ thời gian để làm lợi ích cho chúng sanh.
Mọi người thường chú trọng vào diện mạo bên ngoài nhưng Hòa Thượng nói: “Nếu mỗi ngày chúng ta đều phát hiện ra lỗi lầm của chính mình thì đây là tướng hảo chân thật”. Hàng ngày, chúng ta đều phát hiện ra lỗi lầm thì lỗi lầm sẽ không có cơ hội phát tác. Lỗi của chúng ta giảm dần thì chúng ta sẽ dần có vẻ đẹp uy nghiêm. Người học Phật phải toát ra vẻ đẹp uy nghiêm để chúng sanh nhìn vào sẽ sinh tâm kính phục. Nếu chúng sanh nhìn vào thân tướng chúng ta mà họ thương nhớ thì chúng ta cũng đã tạo tội.
Hôm qua, Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Người học Phật phải biết hóa thân để tiếp cận chúng sanh”. Người học Phật phải có thân tướng đoan nghiêm để chúng sanh sinh tâm kính phục. Bồ Tát Quán Thế Âm biểu hiện thân tướng của một người nữ nhưng tất cả chúng sanh nhìn vào đều không sinh khởi dục vọng. Thân tướng của Ngài toát ra đức tướng. Chúng ta quán sát, chúng ta đang toát ra đức tướng hay chúng ta đang làm chúng sanh sinh tâm xấu ác?
Không chỉ người học Phật mà người thế gian cũng có thể có thân tướng đoan nghiêm. Ông nội, ông ngoại tôi có dáng vẻ rất nghiêm từ. Bà của tôi đều rất sợ, rất cung kính với ông. Ông ngoại tôi ăn chay, mỗi bữa ông chỉ ăn rau luộc, muối ớt nhưng cơm được dọn ở giữa nhà, chiếc bàn ăn làm bằng tre nứa nhưng rất trang trọng. Giường ngủ của ông chỉ là một chiếc sạp tre, khi dọn nhà thì gấp gọn mang theo.
Mỗi ngày chúng ta phát hiện một lỗi lầm thì chúng ta sẽ ngày càng đoan nghiêm thân tướng. Phật Bồ Tát cũng sửa lỗi còn tinh vi hơn chúng ta, các Ngài phát hiện lỗi lầm từ ngay trong ý niệm. Công phu sửa lỗi của chúng ta đạt đến mức độ cao thì chúng ta sẽ không còn lỗi. Chúng ta phải dần hình thành thói quen chỉ làm việc lợi ích chúng sanh, không làm việc lợi ích riêng. Ở thế gian, có những người chỉ làm việc lợi ích chúng sanh, không làm việc lợi ích cho mình. Người xưa nói: “Nhân phi nghĩa bất giao. Vật phi nghĩa bất thụ”. Người không có đạo nghĩa không kết giao. Vật không phải do lao động chân chính tạo ra thì sẽ không nhận. Chúng ta làm được như vậy thì chúng ta sẽ trở thành người có khí phách.
Chúng ta chỉ cho đi không mong cầu nhận thì chúng ta cũng tỏa ra khí phách. Hòa Thượng nói: “Việc tốt lắm giày vò”. Chúng ta muốn làm việc tốt cũng không dễ dàng. Chúng ta làm chủ, hạn chế được tập khí thì chúng ta đã có khí phách hơn người. Nếu chúng ta học đầy đủ 1000 ngày qua thì chúng ta cũng đã có khí phách. Người khác chỉ muốn được nhận, chúng ta chỉ muốn cho đi vậy thì người khác đã nhìn thấy chúng ta rất khí phách.
Đợt Tết này, hệ thống chúng ta đã gói được hơn 2000 chiếc bánh để tặng quà cho người nghèo. Chúng ta tặng quà mà người khác thích thì tại sao chúng ta không làm! Khi tôi mới về Đà Lạt, cuối năm, tôi mua đậu, đường và nhờ bác tổ dân phố gửi tặng mọi người để mọi người dùng gói bánh cúng Tổ tiên. Nhiều người mong được có khí phách nhưng họ không biết phải làm thế nào. Chúng ta cho đi nhiều thì chúng ta sẽ có khí phách. Những người tỏ ra mình là người giàu, có nhiều siêu xe và những người ngưỡng mộ họ đều là những người tham cầu.
Hòa Thượng nói: “Người chân thật tu hành, mỗi ngày đều phải phát hiện lỗi lầm của chính mình. Tu hành là chúng ta phát hiện lỗi lầm để chúng ta có thể sửa đổi”. Trước đây, Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát không ngừng tinh tấn”. Các Ngài đã là Phật Bồ Tát rồi nhưng các Ngài vẫn không ngừng tinh tấn. Chúng sanh lười biếng, giải đãi nên các Ngài phải làm ra tấm gương cho chúng sanh. Khí phách của các Ngài làm cho chúng sanh trong tam thiên, đại thiên thế giới phải ngưỡng mộ. Chúng ta là học trò của Phật, chúng ta làm chưa giống nhưng chúng ta vẫn đang tích cực học theo các Ngài.