261Thứ Ba, 10/01/2023, 08:10
1123 · Khắc Phục Được Tập Khí Thì Công Phu Mới Có Lực

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 09/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1123

“KHẮC PHỤC ĐƯỢC TẬP KHÍ THÌ CÔNG PHU MỚI CÓ LỰC”

Tập khí là thói quen của chúng ta. Mỗi chúng ta đều có những thói quen không thể bỏ hay người thế gian thường nói đây là những thói quen mà chúng ta “chết mang theo”. Nếu chúng ta mang theo những thói quen này thì chúng ta sẽ vào tam đồ ác đạo. Chúng ta muốn bỏ những tập khí này thì chúng ta phải kiên trì trong một thời gian dài. Chúng ta tu hành, ăn chay nhiều năm nhưng thói quen xấu của chúng ta vẫn còn nguyên thì chúng ta chỉ đang tu hành trên hình thức. Nếu chúng ta tu hành có lực thì chúng ta sẽ chuyển hóa nội tâm, loại bỏ được những tập khí đó.

Ngày trước, có một lần tôi đứng hộ niệm trong suốt sáu tiếng. Tôi quán sát được, tôi có thể đứng lâu như vậy vì có nhiều người nhìn tôi hộ niệm và gia đình người mất đó cũng có ân nghĩa với tôi. Tôi làm như vậy là tôi đã bị tập khí, phiền não dẫn dắt. Chúng ta phải dẫn đạo tập khí, phiền não của mình. Chúng ta muốn đối trị tập khí, phiền não thì chúng ta làm ngược lại những tập khí, phiền não đó. Chúng ta đối trị tâm “tự tư ích kỷ” bằng cách chúng ta mở rộng tâm. Chúng ta đối trị tập khí tham ăn, tham ngủ bằng cách chúng ta không tham ăn, tham ngủ nữa. Chúng ta có “danh vọng tiền tài” là để chúng ta làm lợi ích cho chúng sanh chứ không phải để phục vụ cho những ham muốn của mình.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta vẫn thường khởi tập khí, phiền não thì công phu của chúng ta không có lực”. Chúng ta tưởng rằng mình tu hành đã có lực nhưng khi chúng ta gặp cảnh thì tập khí, phiền não của chúng ta vẫn y nguyên. Khi chúng ta đối diện với cái chết thì chúng ta bấn loạn, cố gắng nắm lấy sự sống. Chúng ta muốn đối trị tập khí, phiền não thì chúng ta phải tan nhạt các cảnh duyên. Khi chúng ta tan nhạt được các cảnh duyên thì sinh tử đến chúng ta sẽ tự tại.

Hòa Thượng nói: “Công phu đắc lực không phải do chúng ta học Phật nhiềm năm hay do chúng ta niệm nhiều câu Phật hiệu. Hiện tại, chúng ta niệm Phật nhiều năm nhưng công phu của chúng ta không có lực, chúng ta vẫn bị trói buộc bởi phiền não”.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta chỉ niệm Phật theo pháp thập niệm mà chúng ta có thể hàng phục được phiền não thì đó là công phu của chúng ta có lực”. Nhiều người học Phật chỉ chú trọng ở hình tướng. Nhà Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả những gì có hình tướng thì đều là hư vọng. Hình tướng không quyết định sự giải thoát của chúng ta. Nội tâm của chúng ta sẽ quyết định sự an vui của đời này và quyết định chúng ta có thể vào được cõi Thánh hay không. Nhà Phật nói: “Tâm tịnh tương ưng cõi tịnh”. Tâm phiền não thì không thể vào được cõi thanh tịnh.

Hàng ngày, chúng ta phải rèn luyện tâm, chúng ta quán sát xem tâm chúng ta có đang “danh vọng lợi dưỡng” hay “tham, sân, si, mạn” không! Có nhiều người dùng câu Phật hiệu để khống chế tập khí, phiền não. Chúng ta niệm Phật miên mật, thời gian dài thì công phu của chúng ta cũng có thể có lực nhưng cách này không hiệu quả bằng cách chúng ta chuyển đổi tâm của mình. Chúng ta xem tập khí nào nặng nhất thì chúng ta chuyển đổi tập khí đó. Chúng ta chuyển đổi được tập khí thì chúng ta niệm Phật sẽ tốt hơn. Có những người niệm Phật nhiều nhưng tập khí, phiền não vẫn còn y nguyên. Khi họ rời khỏi đạo tràng thì tập khí, phiền não lại hiện y như cũ.

Có người nói với Hòa Thượng họ muốn đi theo Hòa Thượng để tu hành nhưng Hòa Thượng nói: “Những người đi theo tôi, đa phần không có thành tựu!”. Những người không ở cạnh Hoà Thượng nhưng họ làm theo Hòa Thượng một cách triệt để thì họ sẽ có thành tựu. Có những người từng ở trong đội thị giả, được ở gần Hòa Thượng, có thời gian dài tu hành, niệm Phật nhưng khi họ gặp sắc tình thì họ vẫn chìm đắm trong “sát, đạo, dâm, vọng”. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng! Ba nghiệp của thân, khẩu, ý giống như một con ngựa hoang. Chúng ta tưởng chừng như đã thuần phục được con ngựa hoang nhưng chỉ cần có cơ hội thì tập khí của chúng ta sẽ hiện nguyên hình. Người xưa nói: “Tay không rời tràng hạt, miệng giữ chặt câu “A Di Đà Phật”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook