Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 01/01/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1115
“KHỞI TÂM ĐỘNG NIỆM, LỜI NÓI VIỆC LÀM PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI XÃ HỘI”
Trong “Kinh Hoa Nghiêm” Phật nói: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để làm Thầy người. Làm để làm ra mô phạm cho người. Hòa Thượng nói: “Khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta ảnh hưởng trực tiếp đến đại chúng. Chúng ta quán sát xem, nếu đại chúng làm theo chúng ta thì xã hội chuyển biến tốt đẹp hơn hay sẽ chuyển biến xấu hơn?”. Nếu chúng ta làm ra tấm gương xấu làm xã hội chuyển biến xấu hơn, làm hỏng thế hệ sau thì chúng ta phải gánh trách nhiệm nhân quả. Khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta phải là tấm gương cho người.
Gần đây, trong miền Nam, khi cô giáo phạt một học sinh thì phụ huynh nổi sân si rất nặng mặc dù phụ huynh đó đã học Phật nhiều năm. Chúng ta học Phật, học đạo đức văn hoá truyền thống nhưng chúng ta làm sai thì chúng ta làm người khác không còn tin ở Phật pháp, ở chuẩn mực của người xưa. Người xưa dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. “Tu thân” là chúng ta tu sửa từ khởi tâm động niệm, tập khí xấu ác của mình. Tiếp theo, chúng ta phải dạy tốt thế hệ sau của mình. Chúng ta dạy học trò nhưng học trò không tốt thì đó là trách nhiệm của chúng ta.
Có những người tu hành 5 năm, 10 năm nhưng vẫn không thể chuyển đổi được những thành viên trong gia đình, không dạy được con cái. Chúng ta đã ô nhiễm 20 năm thì chúng ta phải cần ít nhất 10 năm để chuyển đổi. Chúng ta chưa làm chủ được tập khí, phiền não thì chúng ta chưa chuyển được hoàn cảnh. Người xưa nói: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Hàng ngày, khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta vẫn y như cũ, vẫn là “tự tư tự lợi”. Chúng ta tưởng rằng hành động của chúng ta vì lợi ích của chúng sanh nhưng trong hành động của chúng ta vẫn xen tạp ý niệm vì mình. Điều này không dễ nhận ra. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta toàn tâm toàn ý vì chúng sanh thì chúng ta sẽ không còn phiền não. Chúng ta còn xen tạp ý niệm vì mình thì chúng ta sẽ có phiền não”. Chúng ta làm việc mà việc thành thì đó là chúng sanh có phước, nếu việc không thành thì do chúng sanh nơi đó chưa có phước. Chúng ta chỉ cần toàn tâm toàn lực nghĩ đến lợi ích của chúng sanh là được.
Nếu chúng ta nghĩ đến trách nhiệm nhân quả của khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của mình thì chúng ta sẽ không dám làm việc xấu, không dám tuỳ tiện khởi ý niệm “tự tư tự lợi”. Chúng sanh thường có tâm báo thù, chỉ cần chúng ta không muốn cộng tác, làm việc với người thì đó cũng là chúng ta có tâm báo thù. Tất cả chúng ta đều phạm phải điều này. Chúng ta chỉ muốn hợp tác với những người chưa từng làm chúng ta phiền não, làm khó chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Giáo huấn của người thế gian hoàn toàn khác với giáo huấn của Phật. Giáo huấn của Phật dạy chúng ta không được báo thù, không gây thù chuốc oán. Nếu chúng ta kết oán thù với người thì đời đời kiếp kiếp sẽ báo thù lẫn nhau”. Người thế gian dạy, chúng ta không đội trời chung với người có thù giết Cha Mẹ mình. Giáo huấn nhà Phật dạy chúng ta không nên báo thù. Mọi việc không phải là tự nhiên xảy ra mà do oan oan tương báo nhiều đời. Oán thù ban đầu nhẹ nhưng báo qua, báo lại thì càng lúc càng thảm hơn. Đời này chúng ta không muốn hợp tác với người thì các đời sau oán thù ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hòa Thượng dạy: “Hãy sống trong thế giới biết ơn”. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Cha Mẹ thương hiếu đâu khó. Cha Mẹ ghét hiếu mới tốt”. Chúng ta chỉ đang đối xử tốt với người chúng ta ưa thích mà chúng ta không đối xử tốt với người chúng ta không ưa thích, đây là chúng ta đang gây thù chuốc oán với người. Oán thù càng kết sẽ càng sâu. Chúng ta gieo một hạt cỏ, từ một cây cỏ sau một thời gian thì cỏ mọc um tùm. Chúng ta trừ sạch cỏ thì chúng ta phải nhổ tận gốc từng cây cỏ dại.
Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta không báo thù, Ngài cũng làm ra tấm gương cho chúng ta. Phật chẳng những không làm mà ngay cả ý niệm báo thù cũng không có”. Nhẫn Nhục Tiên Vương là một tiền kiếp của Đức Phật, khi vua Ca Lợi cắt xẻo thân thể của Nhẫn Nhục Tiên Vương, Ngài không có tâm oán hận. Nhẫn Nhục Tiên Vương còn phát nguyện, khi Ngài thành đạo thì người đầu tiên Ngài độ là vua Ca-Lợi. Vua Ca Lợi đã giúp Nhẫn Nhục Tiên Vương thành tựu tâm nhẫn nại.