184Thứ Ba, 27/12/2022, 15:13
1110 · Tính Đức Vốn Có Phải Nhờ Đến Tu Đức Mới Hiển Lộ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 27/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1110

“TÍNH ĐỨC VỐN CÓ PHẢI NHỜ ĐẾN TU ĐỨC MỚI HIỂN LỘ”

Tất cả trí tuệ, năng lực, đức tướng của Phật đều có sẵn trong tự tánh của chúng ta. Chúng ta muốn tánh đức hiển lộ thì chúng ta phải tu đức. Chúng ta tu đức bằng cách y theo giáo huấn của Phật. Trong tứ ý pháp nói: “Y pháp bất y nhân”. Pháp chính là tự tánh. Pháp không phải chỉ là Kinh sách, ngày nay Kinh sách cũng đã bị làm sai lệch rất nhiều. Pháp phải tương ưng với tự tánh. Tự tánh của chúng ta là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải tu đức thì tính đức mới có thể hiển lộ. Chúng ta làm y theo pháp thì chúng ta sẽ có thành tựu”. Nhiều người tu hành nhưng họ vẫn để phiền não, dục vọng sai sự đó là vì họ không tu đức. Nhiều người nói pháp rất hay nhưng họ chỉ nói mà không hành trì. Nếu chúng ta xa rời pháp thì chúng ta sẽ sai ngay từ ngay trong ý niệm. Chúng ta gặp “tài, sắc, danh, thực, thùy” thì chúng ta liền dính mắc. Chúng ta không có sự tự chủ thì chúng ta không thể hiển lộ được tính đức.

Nhà Phật nói: “Tất cả Phật Kinh đều lưu lộ từ nơi tánh đức”. Tất cả pháp thế gian và xuất thế gian tận hư không khắp pháp giới đều từ tánh đức lưu lộ. Chúng ta phải dùng tự tánh thanh tịnh, bình đăng, chánh giác, từ bi để thể hội pháp. Chúng ta muốn được người khác ghi nhận việc mình làm thì chúng ta đã để vọng tưởng sai sự. Chúng ta trở về với tự tánh thì chúng ta sẽ tự tại, không có chướng ngại.

Hòa Thượng nói: “Chúng sanh có đầy đủ tính đức nhưng nếu chúng ta không tu đức thì tính đức sẽ vĩnh viễn không thể hiển lộ!”. “Tu đức” là chúng ta xa lìa tập khí, phiền não. Phật dạy chúng ta: “Cần tu Giới – Định – Tuệ”. Giới là chuẩn mực. Giới không chỉ là không trộm cắp, không sát sanh, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu mà Giới là tất cả những chuẩn mực chúng ta không được tùy tiện vượt qua. Thí dụ, khi chúng ta để đồ vật chúng ta phải để ngay ngắn, phù hợp với hoàn cảnh xung quanh. Chúng ta vượt qua chuẩn mực thì chúng ta sẽ hình thành tập khí, phiền não. Phật Bồ Tát không có tập khí, phiền não. Chúng ta vượt qua chuẩn mực thì chúng ta không có tư cách trở thành Bồ Tát Bất Thoái ở thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Tự tánh của chúng ta đồng với tự tánh của chư Phật nhưng tự tánh của chúng ta không hiển lộ do bị tập khí, phiền não che kín. Chúng ta tưởng rằng tập khí, phiền não vô hại nhưng nó chướng ngại tất cả những tánh đức trong tự tánh của chúng ta. Chúng ta cho rằng chúng ta chỉ làm một việc nhỏ, chúng ta chưa phạm trai nói dối, chưa trộm cắp, sát sanh, tà dâm thì không sao. Nhưng chúng ta chỉ cần làm một việc trái tính đức, trái chuẩn mực thì chúng sẽ hình thành tập khí, phiền não.

Ngày trước, có ba người học trò đến nhà tôi, nhà tôi rất chật nhưng họ dựng ba chiếc xe nằm ngang che kín lối đi, người trong nhà không thể đi ra ngoài. Chúng ta phải nghĩ đến người khác ngay từ những việc nhỏ nhất. Nhà Phật nói: “Bồ Tát ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để một chút bất thiện xen vào”.

➢ Niệm thiện Pháp là đọc lời giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền. Chúng ta tiếp nhận giáo huấn của Phật, tiếp nhận giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền thì phải tiếp nhận cho tường tận rõ ràng, phải nhớ nằm lòng, thuần thục. Đây chính là “niệm thiện Pháp”.

➢ Khi ta đã nhớ nằm lòng lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, lời giáo huấn của Thánh Hiền thì khởi tâm động niệm, hành động tạo tác sẽ tương ưng với lời giáo huấn của Phật, giáo huấn của Thánh Hiền. Đây chính là “tư duy thiện Pháp”.

➢ Thân ngữ ý của chúng ta, ba nghiệp không có một chút bất thiện nào xen tạp. Đây mới là “quán sát thiện pháp”.

Các Ngài mỗi niệm đều vì lợi ích chúng sanh. Chúng ta hời hợt, qua loa thì tự tánh của chúng ta không thể hiển lộ. Chúng ta phải chỉnh chu từng chút một. Mọi người nhìn lên vị trí tôi đang ngồi, khung cảnh phía sau đều được bố trí hợp lý không thừa, không thiếu. Chúng ta tu sửa hoàn cảnh chính là chúng ta tu sửa thân tâm. Đó chính là chúng ta tu hành. Đọc Kinh chỉ là một trong nhiều cách để chúng ta tu đức.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook